Giáo dục

'Lời chào cao hơn mâm cỗ', mong người lớn làm gương

TTO - Theo các giáo viên, lễ giáo ít được chú trọng ở bậc trung học nên việc học trò trường chuyên Lê Hồng Phong chào chú bảo vệ đáng lẽ là rất bình thường thì lại thành chuyện hiếm.

Lời chào cao hơn mâm cỗ, mong người lớn làm gương - Ảnh 1.

Học sinh cúi chào bác bảo vệ trước khi vào trường - Ảnh: UYÊN NGUYỄN

Ở bậc trung học, nội dung lễ giáo thường ít được nhắc đến trong việc giáo dục học sinh, có lẽ vì giáo viên chủ quan rằng các em đã được học và rèn ở cấp dưới rồi. Do đó, việc lễ phép với người lớn tuổi lại tùy vào... ý thức của học sinh"

Hiệu trưởng một trường trung học ở TP.HCM

Lễ giáo ít được nhắc đến ở trung học

Theo cô Hồng Nguyên - giáo viên mầm non ở TP.HCM, việc giáo dục lễ giáo cho trẻ không phải đợi đến bậc tiểu học, trung học mới thực hiện. Ngay từ khi bước chân vào trường mầm non, các học sinh đều được dạy phải chào hỏi người lớn tuổi. 

Thậm chí đến các bé lớp nhà trẻ 18 tháng tuổi chưa nói sõi cũng phải khoanh tay "ạ" cô, "ạ" mẹ khi đến trường và lúc ba mẹ đến đón về...

Tiếp theo đó, khi vào tiểu học, học sinh lại được tiếp tục học tập và rèn luyện các nội dung: lễ phép với anh chị, lễ phép - vâng lời thầy cô giáo, cảm ơn và xin lỗi, chào hỏi và tạm biệt (các bài học trong môn đạo đức lớp 1).

"Lễ giáo không chỉ chào cha mẹ, thầy cô mà chào hỏi và lễ phép với người lớn tuổi. Người lớn tuổi có thể là chú bảo vệ, cô bảo mẫu, cô cấp dưỡng, cô lao công hoặc một vị khách nào đó ghé thăm trường. 

Những nội dung này các học sinh được thực hành hằng ngày trong nhà trường", ông Nguyễn Quang Vinh - trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, nói.

Nhưng ở trung học, nội dung lễ giáo ít được nhắc đến, có lẽ vì giáo viên cho rằng các em đã được rèn ở cấp dưới rồi, theo hiệu trưởng một trường trung học ở TP.HCM.

Người lớn phải làm gương

Theo ông Trần Hữu Hiệp, một phụ huynh học sinh, chào hỏi là lễ. Lễ ban đầu là sự bắt buộc tạo thành thói quen, từ chỗ cơ bản nhất mới rèn tiếp những chuyện lớn hơn như nhân, nghĩa. Tuy nhiên không thể bắt buộc hoài.

"Lễ chỉ được duy trì và tự nhiên phát ra khi chúng ta tiếp xúc với những người yêu thương, đáng kính trọng. Rõ ràng, bác bảo vệ đó phải chuẩn mực, đáng yêu thì tụi nhỏ mới nể phục, mới quý.

Để lan truyền nét cư xử này, người lớn phải làm gương, làm bạn cho học trò, con nhỏ. 

Trong gia đình, tôi cố gắng gần gũi, chơi với con từ nhỏ để tạo niềm tin cậy và cảm hóa khi con bước vào tuổi mới lớn", ông Hiệp nói.

"Văn hóa chào hỏi" ở Trường chuyên Quang Trung

Đến Trường THPT chuyên Quang Trung, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ấn tượng với mọi người là cử chỉ lễ phép của học sinh: cúi đầu chào và mỉm cười mỗi khi thấy khách đến.

Thầy Lý Thanh Tâm - hiệu trưởng nhà trường - cho biết góp công lớn cho sự thành công của Trường THPT chuyên Quang Trung hôm nay là thầy Trần Như Ý (hiệu trưởng đầu tiên, người thầy mẫu mực, đáng kính, đã mất năm 2008).

Theo thầy Tâm, kiến thức ban đầu mà thầy Ý dạy học sinh trong trường đó là "văn hóa chào hỏi". Thầy Ý truyền đạt: mọi học sinh khi thấy khách đến trường, đến bảo vệ, lao công, các em đều phải nghiêm trang cúi đầu sâu chào và mỉm cười.

Từ đó, "văn hóa chào hỏi" đã thấm sâu vào tâm trí mỗi học sinh trong trường. Và cứ thế, thế hệ anh chị đi trước có nhiệm vụ "huấn luyện" các em đi sau.

"Vào giờ chào cờ đầu tuần và tiết sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm trong tuần, nhà trường đều dành thời gian để dạy dỗ kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Cử chỉ "cúi đầu sâu chào và mỉm cười" với khách luôn được duy trì..." - thầy Tâm nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  263,580       1/1,823