Giáo dục

Lá thư từ "kỷ lục gia" Olympia một thời

TTO - 2 chàng trai, 2 thành tích đáng nể và một "mối lương duyên" đặc biệt với cuộc thi "Giải toán trên máy tính cầm tay (MTCT)".

Đó là chuyện của Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến - nhà leo núi phá kỷ lục Olympia quý 2 năm 2015, cùng "Chàng trai Vàng" Sinh học Olympic Quốc Tế 2017 Trương Đông Hưng. Với họ, cơ duyên đó đặc biệt như thế nào?. Hãy nghe họ chia sẻ.

Bức thư từ "nhà leo núi kỷ lục" một thời

"Các bạn thân mến,

Thế là cũng được hơn 2 năm rồi, 2 năm kể từ khi các bạn biết đến tôi với cái nickname "nhà leo núi phá kỷ lục". Giờ đây, tôi đã là sinh viên năm 3 khoa Điện - Điện Tử thuộc trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Có thể nói, đó là ước mơ lớn nhất cuộc đời tôi cũng như đối với bố mẹ.

Lá thư từ kỷ lục gia Olympia một thời - Ảnh 1.

Hồng Chiến - "kỷ lục gia" Olympia với 460 điểm

Thế nhưng, "Đường lên đỉnh Olympia" không phải là chiếc nôi đầu tiên chấp cánh cho những tinh thần khát khao chinh phục tri thức trong tôi, mà đến đây, tôi phải kể đến cuộc thi "Giải toán trên máy tính cầm tay (MTCT)". 

Vào năm tôi học lớp 8, tôi đã mê tính toán, suy luận logic, và đặc biệt yêu thích những gì liên quan đến kỹ thuật, công nghệ…. Và rồi, vào một ngày đẹp trời, tôi được Thầy giáo giới thiệu về cuộc thi giải toán trên MTCT. Thoạt nghe, tôi thấy cuộc thi này rất thú vị, vì nó thiên về kỹ thuật sử dụng máy tính. Do đó, tôi đã tìm hiểu, và cảm thấy bị thu hút từ đấy.

Cuộc thi thực sự là một sân chơi để cho tôi thỏa sức tư duy điều mà tôi hiểu. Cuộc thi hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong quá trình tìm ra nhiều cách giải khác nhau cho một đề bài, là tiền đề giúp tôi chinh phục những kỳ thi sau này. 

Có người đã hỏi rằng "Sao thi Olympia giỏi thế?", tôi nghĩ rằng ngoài kiến thức, sự bình tĩnh, chiến thuật cùng yếu tố may mắn, tôi tin vào khả năng tư duy của bản thân mình. Và chính việc nghiên cứu những phương pháp khác nhau để giải các bài toán bằng MTCT đã giúp ích rất nhiều cho lối tư duy và khả năng phân tích của tôi.

Có một điều tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn: Dù sau này các bạn có hướng mình theo con đường du học, hay chọn học tập tại nơi mình đang gắn bó như tôi, các bạn sẽ hiểu một vấn đề "Thành tích chỉ là nhất thời, thế nhưng, chính kỹ năng sẽ còn hoài, và sẽ là hành trang theo bạn mãi mãi đến suốt cuộc đời".

Vì vậy, khi quyết định tham gia một cuộc thi nào đó, các bạn hãy thi vì một tinh thần đam mê học hỏi, trao dồi kỹ năng, đừng vì thành tích hay cộng điểm. Chúc các bạn sẽ tìm thấy được động lực khơi gợi niềm yêu thích học tập trong các bạn, như tôi ngày xưa, đã từng gặp đúng "sân chơi" của cuộc đời mình" - Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến.

Giải toán trên máy tính cầm tay - Một bước tiến lớn

Năm 2001, Bộ GD & ĐT đã quyết định nâng cấp cuộc thi lên một tầm vóc mới - tầm vóc Quốc gia. Tính đến nay, cuộc thi đã được tổ chức liên tục 17 năm liền.

Từ năm 2005 đến năm 2017, cuộc thi đã thu hút hơn 200.000 em học sinh từ 62 tỉnh/ thành tham dự cuộc thi cấp tỉnh/ thành phố. Từ năm 2000 đến năm 2017, hơn 16.000 học sinh từ 63 tỉnh/ thành trên khắp cả nước đã tham gia cuộc thi cấp Quốc gia. Theo đó, 9.873 là tổng số giải thưởng được trao cho các em tại giải đấu cấp Quốc gia.

Đến với cuộc thi, học sinh cần rèn luyện kỹ năng tư duy thật tốt, phán đoán nhanh và khả năng sử dụng thành thạo máy tính cầm tay (MTCT) để có thể tìm ra được phương pháp giải nhanh nhất trong thời gian ngắn nhất. 

Cuộc thi không gây áp lực về điểm số và thành tích, cũng chẳng bắt buộc các em tham gia vì cơ chế cộng điểm, mà kêu gọi tình nguyện dự thi vì một niềm đam mê suy luận toán học. Khi tham gia, thí sinh sẽ không tốn bất kỳ chi phí nào.

Khi được hỏi về cuộc thi, Trương Đông Hưng - "Chàng trai Vàng" Sinh học của Việt Nam, người đã đạt huy chương vàng và giải cá nhân xuất sắc tại cuộc thi Giải toán trên MTCT năm 2016 chia sẻ:

"Có 2 điểm mà em rất ấn tượng về cuộc thi. Một là, đề thi dù khá hóc búa nhưng đa dạng kiến thức. Năm em thi có câu hỏi về hệ số di truyền, là một kiến thức mới đối với em lúc đó. Tuy nhiên, nhờ thầy cô đã trình bày rất rõ về kiến thức đó, nên em có thể hiểu và hoàn thành trọn vẹn. Hai là phần thi đồng đội, đỏi hỏi phải có chiến lược cụ thể, như ai là người bấm máy, ai nghĩ ra cách làm, ai kiểm tra lại đáp số. Chúng em đã phối hợp rất nhịp nhàng…"

Lá thư từ kỷ lục gia Olympia một thời - Ảnh 2.

"Cậu bé Khủng Long" Trương Đông Hưng

Bên cạnh đó, cậu cũng chia sẻ thêm: "Việc tham gia kì thi Giải toán trên MTCT đem đến cho học sinh nhiều trải nghiệm, đồng thời kì thi chỉ diễn ra một ngày, đề thi ngắn, không hề gây áp lực nào. Vì vậy, ai cũng nên tham gia cuộc thi nếu thấy mình đủ khả năng."

Lá thư từ kỷ lục gia Olympia một thời - Ảnh 3.

Trương Đông Hưng (ở giữa) đạt giải xuất sắc tại cuộc thi

Cuộc thi "Giải toán trên máy tính cầm tay" đã không còn là một cuộc thi tài năng đơn thuần, mà đấy đã dần trở thành một sân chơi bổ ích, là bước đệm cho học sinh có nhiều kỹ năng thực tiễn. Giáo viên đã có thể đổi mới phương pháp dạy và học các môn KHTN trong nhà trường, từ đó có thể phát hiện và ươm mầm cho những tài năng Toán học.

Đây được đánh giá là bước tiến của ngành giáo dục khi mà từ đầu những năm 90, Bộ GD & ĐT đã quyết định đưa MTCT vào chương trình dạy và học. 

Có thể thấy, một Hồng Chiến từng trải, suy nghĩ điềm đạm, và một Đông Hưng nhiệt huyết căn tràn, luôn sẵn sàng chinh phục những chân trời mới, kiến thức mới chính là hai trong vô vàn những "trái ngọt" mà cuộc thi đã tìm thấy, và đó cũng là lý do mà cuộc thi đã và đang nhân rộng đến khắp các tỉnh/ thành, tiếp tục ươm mầm cho các thế hệ học sinh sau này.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  263,584       2/1,711