TTO - Bất chấp biển cấm, nhiều phụ huynh lái xe hơi vào con đường nhỏ gây kẹt xe kéo dài. Khi được nhắc nhở họ còn thản nhiên: "Tôi đưa con tôi đi học. Nếu muốn thì gọi công an đi".
Cảnh kẹt xe mỗi sáng trên đường Nguyễn Thượng Hiền - Ảnh: TH.TƯỜNG
Đường Nguyễn Thượng Hiền là con đường nhỏ và đoạn giáp với đường Lê Quang Định lại là ranh giới của hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, TP.HCM.
Vì Lê Quang Định là con đường huyết mạch để di chuyển từ khu vực Gò Vấp ra quận 1, Phú Nhuận nên giờ cao điểm rất nhiều người rẽ vào đường Nguyễn Thượng Hiền để bớt kẹt xe, đi cho nhanh.
Trên đường Nguyễn Thượng Hiền đoạn thuộc quận Gò Vấp là trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền. Đây là ngôi trường có tiếng tại TP.HCM, với hơn 2.500 học sinh theo học.
Mỗi buổi sáng, ngã tư Nguyễn Thượng Hiền - Trần Bình Trọng thường kẹt xe kinh hoàng từ 6h30-7h bởi cổng trường Nguyễn Thượng Hiền chỉ cách đó khoảng hơn 100m.
Đường Nguyễn Thượng Hiền và Trần Bình Trọng đều rất hẹp, không có đèn tín hiệu giao thông, không có vỉa hè nên hàng ngày các phụ huynh chen chúc bở hơi tai để đưa con đến trường. Lúc này, chỉ cần 1 chiếc xe hơi rẽ từ Trần Bình Trọng sang Nguyễn Thượng Hiền là cả con đường sẽ ách tắc.
Không biết có phải vì ngã tư này thuộc địa phận của cả hai quận nên hiếm khi thấy bóng dáng cảnh sát giao thông.
Mỗi khi tắc đường, không chỉ dân phòng của phường mà bảo vệ, giám thị và thầy cô trường Nguyễn Thượng Hiền phải ra tận ngã tư điều tiết giao thông, "giải cứu" con đường để các em học sinh không bị trễ học.
Cũng chính vì tình trạng kẹt xe thường xuyên ở đây, chính quyền địa phương đã cắm biển cấm ôtô rẽ từ đường Trần Bình Trọng vào Nguyễn Thượng Hiền ở phía có trường học, đồng thời cắm biển cấm ôtô ngay đầu ngã tư để hạn chế xe đi về khu vực trường học.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh phớt lờ biển cấm, thản nhiên lái xe đi vào gây kẹt xe. Trong khi những phụ huynh khác cũng đưa con đi học bằng xe hơi đã đậu xe gần đó rồi dẫn con đi bộ tới trường.
Xe hơi thản nhiên vô đường cấm và đậu hàng dài gây kẹt xe - Ảnh: TH.TƯỜNG
Sáng nay, như mọi buổi sáng, con đường này lại kẹt dài, và một hàng dài ôtô từ ngã tư đến tận cổng trường như thách thức cái biển cấm phía sau lưng.
Người viết bài này, vì quá bức xúc đã đến gõ cửa chiếc xe biển số 61A... để nói rằng đây là đường cấm ôtô. Vị phụ huynh ngồi trên xe thản nhiên trả lời: "Tôi đưa con tôi đi học" và "nếu muốn thì gọi công an đến đi".
Chúng ta nói nhiều về văn hóa khi tham gia giao thông, về ý thức tham gia giao thông, chúng ta đã than vãn quá nhiều về chuyện kẹt xe.
Chúng ta đưa con đến trường để bên cạnh kiến thức, bọn trẻ còn được phát triển nhân cách. Chúng ta đều biết rõ, bọn trẻ, ngoài kiến thức được học, chúng còn nhìn vào hành vi của những người xung quanh, người thân để bắt chước theo.
Ở trường, ngay từ bậc mầm non, bọn trẻ đã được học dần các kiến thức về tham gia giao thông như đi bộ phải đi trên vỉa hè, sang đường phải đi đúng vạch, không vượt đèn đỏ, không đi vào đường cấm…
Ngay tại trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, giáo viên cũng liên tục nhắc học sinh và phụ huynh về an toàn giao thông, năm ngoái trường còn phát cho học sinh nón bảo hiểm cao cấp do một doanh nghiệp tài trợ để các con an toàn hơn khi đến trường.
Nhưng lý thuyết về tham gia giao thông bọn trẻ được học ở trường có ý nghĩa với chúng không khi mỗi ngày cha mẹ - tấm gương gần gũi nhất của chúng, lại cho chúng thấy những hành vi trái ngược lại?