Giáo dục

Thí sinh lo lắng vì không có đề minh họa

TTO - Học sinh lo lắng vì dù định dạng đề thi năm 2018 giống với năm 2017, nhưng cấu trúc của đề thi năm tới lại không hoàn toàn giống như trước, nội dung thi ngoài chương trình lớp 12 còn có phần liên quan lớp 11.

Thí sinh lo lắng vì không có đề minh họa - Ảnh 1.

Thí sinh trao đổi về đề bài sau khi thi tại điểm trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội ngày 22-6-2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Ngày 3-10, học sinh lớp 12 và giáo viên bất ngờ khi Bộ GD-ĐT thông báo sẽ không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi THPT Quốc gia 2018, dù trước đó một tuần, Bộ nói "sẽ công bố đề thi minh họa sớm nhất có thể".

Chiều 4-10, Bộ GD- ĐT cũng phát đi thông báo trên website của Bộ khẳng định lại việc "không cần thiết công bố đề thi minh họa". 

Theo ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), việc công bố đề thi minh họa không cần thiết vì phương thức thi 2018 đã được công bố sớm và không có thay đổi gì lớn so với năm 2017. 

Bộ GD-ĐT sẽ chỉ ban hành hướng dẫn ôn tập cụ thể đến các nhà trường và các em học sinh. 

Theo đó, năm 2018, kỳ thi THPT quốc gia cũng vẫn được tổ chức với 5 bài thi như năm 2017, gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).

Tỉ lệ giữa kiến thức lớp 11 và lớp 12 ra sao?

Tuy nhiên, thông tin này đang khiến nhiều học sinh lớp 12 tỏ ra sốt ruột vì dù định dạng đề thi năm 2018 giống với năm 2017, nhưng cấu trúc của đề thi năm tới lại không hoàn toàn giống như trước.

"Chính Bộ GD- ĐT tuyên bố năm 2018, nội dung thi ngoài chương trình lớp 12 còn có phần liên quan lớp 11. Chúng em chờ đề thi minh họa để có thể chuẩn bị ôn tập tốt nhất, mà đùng một cái bộ lại thay đổi. Việc bổ sung kiến thức lớp 11 được xác định ra sao, với tỉ trọng thế nào so với kiến thức lớp 12? Nếu có đề minh họa, chúng em mới có thể phân bổ việc ôn tập hợp lý, nếu không sẽ rất mông lung" - Thái Anh, một học sinh lớp 12 tại Hà Nội, than phiền.

"Đề thi 2018 dự đoán sẽ phân hóa cao hơn, phân loại học sinh tốt hơn kỳ thi 2017 để còn phục vụ xét tuyển ĐH. Như vậy, đề thi chắc chắn sẽ khó hơn, nhưng cụ thể là khó hơn thế nào? Làm sao chỉ căn cứ đề của năm 2017 để xác định độ khó của đề thi năm sau?"- Mai Tuyết (thí sinh tự do) băn khoăn.

"Học gì, thi nấy"

Một bạn đọc của Tuổi trẻ Online tỏ ra lo lắng: "Tôi thấy thật tội cho học sinh thi năm nay và năm sau. Học sinh phải thi tối thiểu 6 môn. Mỗi môn là 2 cuốn sách giáo khoa của chương trình năm lớp 11 và 12, không bỏ phần nào. Như vậy là 12 cuốn sách. Bộ có nghĩ đến nỗi thống khổ của học sinh thi THPT năm nay và năm sau không (năm sau có thêm chương trình lớp 10 - như vậy sẽ có 18 cuốn sách)?".

Tuy nhiên, lại có những ý kiến cho rằng quan trọng là định dạng đề thi đã ổn định, thí sinh không nên quá sốt ruột.

"Kiến thức lớp 11 là nền tảng cho kiến thức lớp 12 nên có lẽ cũng không làm tăng nhiều gánh nặng cho học sinh. Các em cần làm quen với cách thức "học gì thi nấy" trước khi bước vào đại học. Tại Trường ĐH Y dược Hải Phòng, các kỳ thi của sinh viên cũng đều theo tinh thần "học gì thi nấy"- ông Nguyễn Văn Khải, trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Y dược Hải Phòng, chia sẻ.

Ngày 4-10, trao đổi với Tuổi trẻ Online, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng nhận định việc công bố đề thi minh họa ở thời điểm này chưa cần thiết.

Theo ông Điền, do đề thi năm 2017 đã được Bộ công bố nên nguồn câu hỏi từ đề thi này về nguyên tắc không được sử dụng lại. Vì vậy, Bộ GD- ĐT cần thời gian để xây dựng nguồn câu hỏi mới cho đề thi năm 2018. 

"Đề thi minh họa mang giá trị tham khảo chỉ khi nó có mức độ tương đồng nhất định với đề thi chính thức. Như vậy, đề thi phải có cả kiến thức lớp 11, lớp 12. Trong khi các em học sinh lớp 12 bây giờ mới bắt đầu vào năm học mới thì làm sao đánh giá được đề thi có kiến thức bao trùm lớp 12 mà các em chưa học xong? 

Vì vậy, ngay cả trong trường hợp cần thiết phải có đề minh họa thì thời điểm thích hợp để công bố nên là vào khoảng cuối năm học, giống như việc bộ công bố đề thi minh họa lần thứ ba năm 2017 vào tháng 5 vừa qua"- ông Điền phân tích.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  263,222       1/1,303