TTO - Ấy là chương trình ngoại khóa của thầy trò tổ Văn trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong, mang tên gọi có nhiều sức gợi: Khoảng trời văn học.
Bà Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ đôi điều về tâm nguyện của bà với người cha là nhà thơ Nguyễn Bính - Ảnh: L.ĐIỀN
Hôm 4-10 là chương trình lần thứ 3, Khoảng trời văn học dành riêng cho thơ Nguyễn Bính, cũng là dịp để tưởng niệm nhà thơ chân quê nhân 100 năm ngày sinh.
Lại cũng trùng dịp với ái nữ nhà thơ là Nguyễn Bính Hồng Cầu vừa ấn hành bộ Nguyễn Bính toàn tập, nên chương trình mời cô đến gặp gỡ các học sinh chuyên Văn.
Từ những trang thơ trong bài giảng giáo khoa, trong sách đọc thêm, nay Nguyễn Bính đến với các em bằng những lời tâm sự của người con gái "bằng xương bằng thịt" cũng là một trải nghiệm đặc biệt.
Càng đặc biệt hơn khi bà Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ: "Từ nhỏ cho đến khi cha tôi nhắm mắt qua đời, tôi chưa hề biết mặt ông. Và ngay bản thân tôi, cho đến cái đêm trước lúc vào bưng biền, tôi mới biết mình là con của nhà thơ Nguyễn Bính".
Nhưng đó chỉ là chuyện bên lề, chính hồn thơ Nguyễn Bính đã phủ rợp cả một Khoảng trời văn học của thầy trò trường Lê Hồng Phong.
Chia sẻ với tổ Văn, cô Yến Trinh - hiệu trưởng - cho biết bản thân cô cũng là một người hâm mộ thơ Nguyễn Bính, và rằng khi hay tin có bộ sách Nguyễn Bính toàn tập ra đời, cô có tâm sự với các nhà văn trong Liên chi hội nhà văn Việt Nam tại TP.HCM tìm cách đưa chương trình thơ Nguyễn Bính về với Khoảng trời văn học của trường.
Và nay, hồn thơ Nguyễn Bính dìu dặt trở về trong không gian của những người yêu thơ ông, yêu nét chân quê, yêu những cảm tình mộc mạc và sâu lắng, yêu câu chữ hồn nhiên mà rất tâm lý, tinh tế...
Cả hội trường cứ lặng đi trước mỗi tiết mục trình diễn thơ Nguyễn Bính, rồi vỡ òa ra trong tiếng vỗ tay khi đến những đoạn cao trào.
Càng rộn ràng hơn khi cả thầy trò chuyển sang hình thức bình thơ, giải mã thơ Nguyễn Bính để chia sẻ với nhau những ý tưởng mới mẻ mà Nguyễn Bính từ hơn bảy mươi năm trước đã tài tình "cài cắm" trong thơ để ngay cả "dân chuyên văn" cũng không khỏi thú vị, bất ngờ.
Cô hiệu trưởng Yến Trinh nhận quà tặng là bộ Nguyễn Bính toàn tập từ bà Nguyễn Bính Hồng Cầu - Ảnh: L.ĐIỀN
Khi cô giáo Thu Hiền khéo léo làm cho cả hội trường nhộn nhịp hẳn lên cũng là lúc Khoảng trời văn học cùng thăng hoa với thơ Nguyễn Bính.
Không chỉ có tiết mục diễn ngâm bài Những bóng người trên sân ga, mà trong lúc dư vị bài thơ còn như chưa tan, cô giáo nêu câu hỏi "câu thơ nào trong bài này được xem là một trong 5 câu hay nhất Thơ Mới".
Một thoáng xôn xao, rồi nhanh chóng có lời giải đáp: Đó là câu "Một mình làm cả cuộc phân ly" trong đoạn "Có lần tôi thấy một người đi/ Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì/ Chân bước hững hờ theo bóng lẻ/ Một mình làm cả cuộc phân ly".
Quả là "danh bất hư truyền" đối dân chuyên văn, các em biết cả mệnh danh "nhà thơ quen nhất" mà Hoài Thanh gọi Nguyễn Bính khi đặt ông bên cạnh Xuân Diệu và Hàn Mặc Tử trong "ba đỉnh cao thơ Mới"; các em thuộc lòng và diễn đọc những bài thơ bất hủ như Mưa xuân, Chân quê.
Các em hoàn toàn chia sẻ được với Hoài Thanh ở nhận định rằng trong thơ Nguyễn Bính, điều quý giá vô ngần là hồn xưa đất nước.
Cái hồn xưa đất nước trong thơ hồi 1930-1945 ấy tưởng đã mơ hồ trong đô thị hôm nay, nhưng không, dưới khoảng trời văn học Lê Hồng Phong, vẫn có nhiều "cây văn" am tường nghệ thuật của Nguyễn Bính, biết thổn thức cùng "cô gái trong khung cửi" khi đi hội chèo mong gặp người yêu nhưng bị người ta lỗi hẹn "để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng", biết sự tài tình của Nguyễn Bính trong dùng điệp từ "Và nghĩa là cô là tất cả/ Cô là tất cả của riêng tôi".
Chứng kiến một khoảng trời thơ, nhà văn Trầm Hương đã thốt lên rằng "nơi đây có tiềm năng lớn về các tài năng văn học".
Mà quả thật, các bạn chuyên văn Lê Hồng Phong có truyền thống năng động trong các chương trình ngoại khóa.
Nói như Minh Anh (lớp 11 Văn), năm ngoái em đã cùng các bạn dàn dựng chương trình ngày hội Văn học dân gian rất thành công, và đến học kỳ 2 năm nay sẽ tiếp tục làm chương trình diễn đàn văn học trung đại, hứa hẹn cũng sẽ rất hoành tráng và bổ ích.
Có đến với những không gian học văn như vậy, mới thấy quý những tấm lòng của thầy trò trân trọng giá trị văn chương.
Bởi văn chương luôn được nhận thức trở lại bằng những thế hệ độc giả mới.
Trong ý hướng đó, những khoảng trời văn học như ở trường Lê Hồng Phong chính là mở ra không gian mới để các em tìm kiếm những ý tưởng mới mẻ cách tiếp cận hay hơn, sáng tạo hơn đối với tác phẩm văn học, và qua đó, văn chương mới sống mãi với cuộc đời...