Giáo dục

Nhau thai - rau thai: có nên dùng phương ngữ trong sách giáo khoa?

TTO - Một nhóm thứ nói 'nhau thai', một nhóm nói 'rau thai'. Nhóm thứ ba cho rằng 'nhau' hay 'rau' đều dùng được. Vậy ý kiến nào là hợp lý hơn cả?

Nhau thai - rau thai: có nên dùng phương ngữ trong sách giáo khoa? - Ảnh 1.

Thành ngữ "Chôn rau cắt rốn" được in trên trang 18, sách Tiếng Việt 5, tập 1 - Ảnh: HỮU THUẬN

Tuổi Trẻ Online ngày 25-10 có bài "Chôn rau cắt rốn" là gì? Ai soạn sách trả lời giúp! 

Bài viết nêu lên trường hợp sách Tiếng Việt 5, tập 1 sử dụng thành ngữ "Nơi chôn rau cắt rốn". Theo tác giả, từ rau phải thay bằng nhau mới đúng.

Bài viết đã nhận được nhiều bình luận, thậm chí cả tranh luận trên mạng xã hội. 

Nhìn chung, có ba nhóm ý kiến: 

Nhóm thứ nhất ủng hộ từ "nhau thai". 

- Nhóm thứ hai tán thành từ "rau thai". 

- Nhóm thứ ba cho rằng cả hai từ "nhau thai" hay "rau thai" đều dùng được. 

Vậy ý kiến nào là hợp lý hơn cả?

"Nhau" hay "rau"?

Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học giảng nghĩa nhau là "bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai". 

Từ điển cũng cho hai ví dụ là "cuống nhau" và "(nơi) chôn nhau cắt rốn". 

Đối với rau, Từ điển tiếng Việt có hai mục từ.

Mục từ rau thứ nhất được giảng nghĩa là "tên gọi chung các thứ cây, thường thuộc loại thân cỏ, có thể dùng làm thức ăn cho người".

Mục từ rau thứ hai được ghi chú là phương ngữ và đề nghị xem nghĩa ở mục từ nhau.

Cả hai từ nhau thai và rau thai đều có nghĩa như nhau nhưng từ đầu được sử dụng phổ biến trong cả nước trong khi từ thứ hai là phương ngữ, chỉ sử dụng nhiều ở một vài địa phương. 

Như vậy, "chôn nhau cắt rốn" và "chôn rau cắt rốn" đều là hai thành ngữ cùng được ghi nhận dù không hoàn toàn giống nhau về mức độ phổ biến.

Chúng tôi cũng mạn phép lưu ý rằng Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là tác phẩm do tập thể các nhà khoa học thuộc Viện Ngôn ngữ học - cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam - biên soạn, xuất bản lần đầu năm 1988, được chỉnh lý hai lần và tái bản nhiều lần. 

Tác phẩm đã nhận giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.

'Chôn rau cắt rốn' là gì? Ai soạn sách trả lời giúp!

TTO - Theo thầy giáo Trần Văn Tám, không chỉ có lỗi, sách giáo khoa ngày nay cũng sai về kiến thức. Trong đó, buồn cười nhất là câu: "chôn rau cắt rốn"!

Có nên dùng phương ngữ trong sách giáo khoa?

Ngay cả khi rau thai là phương ngữ, có ý kiến cho rằng hiện không có quy định cấm dùng phương ngữ trong sách giáo khoa. Liệu bạn đọc có đồng tình với ý kiến này?

Theo khoản 1 điều 7 Luật giáo dục, "tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác".

Khoản 2 điều 27 Luật giáo dục xác định rõ "giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở".

Như vậy, tiếng Việt (ở phổ thông nói chung và ở tiểu học nói riêng) vừa là một môn học vừa là công cụ để dạy học. 

Với tư cách là công cụ dạy học, giáo viên và học sinh có thể sử dụng phương ngữ trong giao tiếp. Nhưng với tư cách là một môn học, sách giáo khoa tiểu học, nhất là sách Tiếng Việt, nên cân nhắc việc sử dụng phương ngữ vì điều này có thể ảnh hưởng đến việc "giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu" về từ vựng.

Trái lại, ở trung học cơ sở và trung học phổ thông, việc cung cấp phương ngữ cho học sinh là cần thiết nhằm giúp các em làm giàu vốn từ và tiếp thu phần giảng văn - nơi mà các tác giả thường sử dụng phương ngữ để khắc sâu tính cách nhân vật. 

Nếu không biết phương ngữ, học sinh sẽ gặp những khó khăn nhất định khi đọc đến: "Bây chừ sông nước về ta/ Đi khơi đi lộng thuyền ra thuyền vào" (Mẹ Suốt, Tố Hữu).

Quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội đang đẩy mạnh sự giao thoa giữa các phương ngữ. 

Việc dung nạp các phương ngữ là cần thiết vì nó làm giàu kiến thức của người học. 

Tuy nhiên, sách giáo khoa cần phải chú thích rõ các phương ngữ và sử dụng phù hợp với lứa tuổi học sinh. 

Nếu không, ngay cả giáo viên cũng "tẩu hỏa nhập ma" khi bắt gặp câu dân ca Trung Bộ "Ru tam tam théc cho muồi" thay vì "Ru em em ngủ cho say".

"Tiếng Việt" không có nghĩa chỉ là tiếng "chuẩn"

Chỉ cần giở Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (2003) là thấy ngay tác giả cho rau là hình thức phương ngữ của nhau.

Nhưng câu hỏi là: Có được quyền và có nên đưa phương ngữ vào sách giáo khoa hay không?

Nhà trường có nhiệm vụ giúp học sinh trau dồi năng lực giao tiếp. Tiếng Việt tồn tại trong tình trạng đa phương ngữ; nếu học sinh không biết gì về phương ngữ, thì chắc chắn năng lực giao tiếp sẽ hạn chế.

Cho nên, kiến thức về phương ngữ nhất định phải là một trong những nội dung của sách giáo khoa tiếng Việt.

Luật giáo dục hoàn toàn không ngăn cấm điều đó.

Khoản 1 điều 7 Luật giáo dục quy định "tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức dùng trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác", thì "tiếng Việt" không có nghĩa chỉ là tiếng "chuẩn", tức loại trừ phương ngữ.

HOÀNG DŨNG

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  194,096       1/672