Giáo dục

Nghiên cứu, chuyển giao khoa học ở trường ĐH còn nhiều hạn chế

TTO - Nhiều thầy cô khi nghiên cứu xong thì vướng cơ chế về thương mại hóa sản phẩm, nhiều trường ĐH không hình thành được doanh nghiệp khoa học, công nghệ...

Nghiên cứu, chuyển giao khoa học ở trường ĐH còn nhiều hạn chế - Ảnh 1.

Các kỹ sư phòng thí nghiệm công nghệ nano (ĐH Quốc gia TP.HCM) nghiên cứu và sản xuất các loại chip nano - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sáng 27-10 tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT và ĐH Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH, với sự tham dự của đại diện nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nếu so với hoạt động đào tạo thì hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào cuộc sống còn nhiều hạn chế. 

Ông Phúc đưa ra số liệu: trong cơ cấu nguồn thu, nếu ở nước ngoài thì phần thu về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chiếm tỉ lệ lớn. Còn ở nước ta, nguồn thu trong lĩnh vực này của các trường ĐH còn thấp. 

"Nếu là định hướng ĐH nghiên cứu thì nguồn thu ở lĩnh vực này phải tăng lên đáng kể so với hiện nay đang có" - ông Phúc cho hay. Ngoài ra, ông Phúc cũng cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phải đi theo chuẩn quốc tế.

"Các trường ĐH nghiên cứu gì, sau cùng vẫn là các sản phẩm của chúng ta có được thị trường công nhận hay không, hay là nghiên cứu xong rồi để đó! Quan trọng nhất là thước đo của cuộc sống, thị trường và doanh nghiệp sử dụng kết quả nghiên cứu của chúng ta" - ông Phúc nhìn nhận.

Theo ông Phúc, có nhiều thầy cô khi nghiên cứu xong thì vướng những cơ chế về thương mại hóa sản phẩm, khiến "đầu ra" gặp khó khăn. Nhiều trường ĐH không hình thành được doanh nghiệp khoa học, công nghệ... 

Ông Phúc cũng đề nghị về lâu dài các trường ĐH phải dùng hoạt động khoa học của mình nuôi sống chính hoạt động khoa học, tạo ra nguồn thu cho nhà trường.

GS.TS Trần Văn Nam - giám đốc ĐH Đà Nẵng- cho rằng cần có cơ chế chính sách gắn kết 3 thành tố cơ bản trong trường ĐH là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. 

Tại ĐH Đà Nẵng, hiện có khoảng 40 nhóm nghiên cứu đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội. ĐH Đà Nẵng cũng thành lập nhiều trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với tổng doanh thu hằng năm khoảng 70 tỉ đồng... 

Tuy nhiên, trên thực tế các trung tâm trên vẫn gặp nhiều khó khăn về nhân sự, vì đa số là kiêm nhiệm. 

"Với nguồn nhân lực khoa học, công nghệ hiện có của ĐH Đà Nẵng gồm 8 GS, 82 PGS, 390 TS... thì kết quả hoạt động khoa học, công nghệ vẫn còn hạn chế" - GS Nam cho hay.

Còn đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết để giúp giảng viên nghiên cứu gắn với thực tiễn, trường đã có nhiều biện pháp hỗ trợ giảng viên khai thác các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu gắn với doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Tuy nhiên, nhìn chung giảng viên vẫn còn tâm lý ngại rủi ro, ngại khai thác...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  193,677       2/665