Giáo dục

Hai thủ khoa rớt vì hai á khoa tăng điểm sau phúc khảo

TTO - Cả hai thí sinh đạt điểm thủ khoa kỳ thi tuyển viên chức giáo dục năm học 2016-2017 của TP Vũng Tàu đều rớt, vì... hai á khoa xin phúc khảo và được tăng điểm.

Hai thủ khoa rớt vì hai á khoa tăng điểm sau phúc khảo - Ảnh 1.

Điều đáng nói, phần tăng thêm điểm của hai á khoa ở vòng chấm phúc khảo đều ở phần "liên hệ thực tế bản thân".

Từ thủ khoa thành rớt!

Tháng 4-2017, chị Phạm T.T. (25 tuổi, tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội) và chị Đỗ T.M. (29 tuổi, tốt nghiệp khoa toán Trường ĐHSP TP.HCM) cùng tham dự kỳ thi tuyển giáo viên do UBND TP Vũng Tàu tổ chức.

Đến tháng 7-2017, hội đồng thi tuyển công bố điểm, chị T.T. đạt số điểm cao nhất trong các thí sinh thi môn văn, với 298 điểm. Còn chị T.M. đạt số điểm bằng với một thí sinh khác thi môn toán (cùng 334 điểm), nhưng do chị T.M. có số điểm nghiệp vụ chuyên ngành cao hơn (86 điểm so với 84 điểm của thí sinh kia), nên theo quy định chị T.M. là thủ khoa của môn toán.

Sau khi có kết quả thi, cả hai thí sinh là á khoa của kỳ thi nói trên - Nguyễn Thị M.H. (môn văn) và Phạm T.L. (môn toán) đều có đơn xin phúc khảo. Kết quả phúc khảo, thí sinh M.H. được tăng thêm 2 điểm ở môn "kiến thức chung" (từ 68 lên 70 điểm), dẫn đến tổng điểm của chị này sau vòng phúc khảo bằng điểm với chị T.T.. Tuy nhiên, chị T.T. lại bị rớt do điểm chuyên ngành của chị thấp hơn 4 điểm so với chị M.H.!

Tương tự, kết quả vòng phúc khảo, chị Phạm T.L. được tăng thêm 1 điểm cũng ở môn "kiến thức chung" (từ 80 lên 81 điểm). Và đương nhiên, sau phúc khảo chị Phạm T.L. trở thành thủ khoa môn toán, còn chị T.M. xuống á khoa và rớt kỳ thi tuyển.

Sau khi có kết quả phúc khảo, hai chị Phạm T.T. và Đỗ T.M. đã làm đơn kiến nghị gửi UBND TP Vũng Tàu đề nghị kiểm tra lại kết quả chấm phúc khảo kỳ thi tuyển viên chức giáo dục. Ngày 19-9, UBND TP Vũng Tàu đã thành lập tổ xác minh sự việc nói trên.

Đến ngày 15-11-2017, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - đã có văn bản trả lời cho hai thí sinh Phạm T.T. và Đỗ T.M., với nội dung khẳng định việc chấm phúc khảo "hoàn toàn khách quan, phù hợp với quy định hiện hành". "Kết quả công bố vào ngày 27-7 chỉ là điểm thi, chứ chưa xác định người trúng tuyển hay không trúng tuyển. Chúng tôi khẳng định không có chuyện tiêu cực trong sự việc này" - bà Bạch Ngân nói.

Chấm theo quan điểm của người chấm?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tổ xác minh (tổ trưởng là ông Phạm Văn Ngọc - trưởng Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu, tổ phó là ông Huỳnh Xuân Hòa - phó trưởng Phòng Nội vụ TP Vũng Tàu) đã làm việc với Trường CĐ Sư phạm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn vị ra đề thi và chấm thi). Kết quả làm việc cho thấy việc tăng điểm, giảm điểm trong vòng chấm phúc khảo là do câu hỏi có phần liên hệ thực tế, và đáp án quy định "giám khảo căn cứ vào từng bài thi, đánh giá phù hợp để cho điểm; và việc tăng, giảm điểm nằm trong phạm vi cho phép - tức không vượt quá 10% điểm tối đa".

Ngoài ra, tổ xác minh cũng làm việc cùng lúc với bốn cán bộ chấm thi (của ban chấm thi và ban phúc khảo), có đối thoại giữa các cán bộ chấm thi này để làm rõ việc tăng điểm sau phúc khảo của thí sinh Phạm T.L. và Nguyễn Thị M.H.. Và cả hai ban chấm thi đều thống nhất với điểm phúc khảo môn "kiến thức chung" của hai thí sinh trên. Tổ xác minh cũng nhận thấy kết quả chấm của ban chấm phúc khảo là đúng.

Dù được trả lời như trên nhưng qua trao đổi với Tuổi Trẻ, chị T.M. vẫn bức xúc với kết quả phần chấm phúc khảo của hai thí sinh "từ á khoa thành thủ khoa". Chị T.M. cho biết môn "kiến thức chung" là môn đánh giá hoàn toàn theo quan điểm của người chấm. Ngoài ra, theo hai chị T.M. và T.T., trong kỳ thi tuyển giáo viên THCS TP Vũng Tàu vừa qua, có 15 trường hợp yêu cầu phúc khảo, và có tới 9 trường hợp được thay đổi điểm.

Ngày 27-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Xuân Hòa cho biết việc chấm thi phần tự liên hệ có yếu tố "rủi ro", vì "đây là văn viết, văn tự liên hệ bản thân người viết". Nhưng hội đồng thi tuyển không thể làm khác vì tất cả đều phải phụ thuộc vào người chấm thi! Ngoài ra, chúng tôi được biết thêm, khi tổ xác minh làm việc với bốn cán bộ chấm thi của ban chấm thi và ban phúc khảo thì chỉ xem xét lại bài của hai thí sinh T.L. và M.H. xin phúc khảo, mà không xem lại bài thi của thí sinh T.M. và T.T. để có sự so sánh, đối chiếu.

Về việc này, ông Hòa thừa nhận nếu có sự so sánh, đối chiếu giữa bốn bài thi của các thí sinh trên thì sẽ hay hơn, khách quan hơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc, tổ xác minh và các cán bộ chấm thi không được phép xem hai bài thi của thí sinh T.T. và T.M. vì họ không yêu cầu phúc khảo.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,749       1/259