Giáo dục

TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học, tự công nhận tốt nghiệp

TTO - TP.HCM đề xuất cho phép các trường rút ngắn thời gian học xuống dưới 9 tháng, học sinh ở địa bàn xa xôi được học trực tuyến...

TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học, tự công nhận tốt nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM trong giờ học tích hợp liên môn văn - sử. Đây là trường theo mô hình tiên tiến - hội nhập, nhưng hiện mô hình này chưa được Luật giáo dục công nhận - Ảnh: NHƯ HÙNG

UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thi hành Luật giáo dục. Liên quan báo cáo này, ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết:

- TP.HCM đưa ra một số vấn đề góp ý sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục như cần có định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt (học 1 buổi, 2 buổi hoặc học cả ngày) để tiếp cận xu hướng thế giới và giảm ùn tắc giao thông, phù hợp đặc điểm của địa phương; cho phép sĩ số lớp học linh hoạt theo loại hình trường: trường chuyên, trường tiên tiến - hiện đại, trường bình thường...

* Định hướng mở trong biên chế năm học cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tức là các trường không thực hiện cứng nhắc đủ 9 tháng/năm học mà thời gian có thể rút ngắn, kéo dài hoặc giữ nguyên 9 tháng, tùy từng điều kiện cụ thể. Ví dụ: có học sinh không có nhu cầu nghỉ hè suốt 3 tháng, mà chỉ nghỉ 1-2 tháng hè. 

Như vậy, các em có thể đăng ký học trong mùa hè để rút ngắn thời gian hoàn thành chương trình bậc học, sớm tiếp cận bậc học cao hơn. Ngược lại, cũng có học sinh lâm vào hoàn cảnh đặc biệt không thể hoàn thành chương trình năm học trong 9 tháng thì có thể học bổ sung vào thời gian sau đó.

Định hướng mở tức là chuyển hình thức giáo dục truyền thống theo biên chế sang một hình thức khác linh động hơn, phù hợp hơn với từng điều kiện, hoàn cảnh của học sinh và địa phương. 

Đây mới là chủ trương mang tính ý tưởng và đang đề xuất, nên tôi chưa thể nói nhiều hơn. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng: hình thức giáo dục mới gần giống với hình thức đào tạo theo dạng tín chỉ.

Từ việc thực hiện biên chế mở, TP.HCM cũng đề xuất: Luật giáo dục sửa đổi cần tính toán thêm để đảm bảo tính liên thông trong toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Nghiên cứu và luật hóa một số hình thức học tập không chính quy, học qua mạng Internet... 

Cho phép cơ chế để các địa phương thí điểm thực hiện một số mô hình trường học mới như mô hình trường tiên tiến hiện đang áp dụng ở TP.HCM. Nếu điều này được thực hiện, học sinh ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng được tiếp cận với giáo dục.

TP.HCM đề xuất rút ngắn năm học, tự công nhận tốt nghiệp - Ảnh 2.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

* Ông có thể nói rõ hơn việc này?

- Như học sinh ở ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ: hiện tại các em phải đi tàu sang xã đảo Thạnh An học tập, rất vất vả và nguy hiểm. Nếu có chương trình học trực tuyến qua mạng thì các em không phải đi đâu cả, ngồi tại Thiềng Liềng và kết nối với một lớp học ở Q.1 với những giáo viên giỏi, thậm chí là giáo viên giỏi nhất TP.

Rồi những gia đình không muốn cho con đến trường, mà tự dạy con ở nhà như báo Tuổi Trẻ từng phản ánh (bài "Nghỉ học phổ thông, tự học ở nhà" - Tuổi Trẻ ngày 2-5-2017), những học sinh thường xuyên phải đi tập huấn ở nước ngoài về thể thao, âm nhạc... 

Cơ quan quản lý sẽ có quy định cụ thể về những trường hợp này: học sinh sẽ đăng ký ở đâu để được hướng dẫn và nhận tài liệu tự học ở nhà, bao lâu các em phải lên lớp gặp gỡ, trao đổi với thầy cô giáo, học sinh phải làm gì để được công nhận tốt nghiệp...

* Như vậy, cơ quan nào sẽ công nhận học sinh TP.HCM tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT hay Sở GD-ĐT?

- Trong đề án phát triển ngành GD-ĐT TP.HCM đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép TP tự thực hiện kiểm tra, đánh giá công nhận tốt nghiệp THPT. 

Với cơ chế "mở" như đã nói ở trên, Sở GD-ĐT TP sẽ giao quyền tự chủ về giảng dạy cho nhà trường và giáo viên, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh... 

TP.HCM cũng sẽ có bài thi chuẩn nhằm kiểm tra và công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh trên địa bàn. Bài thi này được tổ chức nhiều lần trong năm để đáp ứng biên chế mở.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu:

Nằm trong khuôn khổ thi hành Luật giáo dục

Đề xuất về việc định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì 9 tháng/năm học như hiện nay) là đề xuất của UBND TP, nằm trong khuôn khổ văn bản báo cáo về tình hình thi hành Luật giáo dục trên địa bàn TP.HCM.

Đây là tài liệu nhằm phục vụ buổi làm việc giữa UBND TP với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong thời gian sắp tới. Đề xuất này chỉ là một trong số nhiều đề xuất liên quan đến giáo dục của UBND TP.

Tại buổi làm việc với đoàn giám sát, các vấn đề này sẽ được bàn thảo cụ thể hơn. Sở GD-ĐT TP - cơ quan tham mưu cho UBND TP - sẽ là đơn vị giải trình, thông tin cụ thể các đề xuất đó. Theo quy trình thông thường, đoàn giám sát của Quốc hội sẽ ghi nhận, xem xét cụ thể từng đề xuất.

Nếu nhận thấy đề xuất hợp lý, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội sẽ lắng nghe, ghi nhận thêm ý kiến của các bộ, ngành. Trên cơ sở đó mới có đề xuất cụ thể trình Quốc hội xem xét quyết định.

Các địa phương mềm dẻo tùy điều kiện
Việc chủ động linh hoạt thời gian năm học được Bộ GD-ĐT quy định nhiều năm qua chính là để các địa phương có thể mềm dẻo thực hiện tùy theo điều kiện. Ví như các vùng miền núi rét đậm kéo dài, bị thiên tai, bão lũ phải nghỉ học thì việc tựu trường sớm có thể giúp các nhà trường bù đắp, duy trì được thời gian thực học, đảm bảo chất lượng tối thiểu.

Linh hoạt thực hiện thời gian năm học khác với việc giảm thời gian năm học từ 9 tháng xuống 8 tháng. Vì nếu giảm thời gian một cách cứng nhắc sẽ ảnh hưởng đến thời gian thực học của học sinh, không đảm bảo chất lượng. 

Tôi thấy mỗi địa phương có thể tùy theo tình hình khách quan bố trí giờ học trong ngày, cơ cấu tiết học, thời gian tựu trường linh hoạt mềm dẻo. Nhưng cần đảm bảo nguyên tắc không rút ngắn thời gian thực học, đảm bảo thời gian học sinh được nghỉ hè, nghỉ lễ theo đúng quy định.

GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên chương trình - sách giáo khoa mới)

Xu thế chung của các nước tiên tiến
Tôi ủng hộ đề xuất của TP.HCM vì đây là xu thế chung của các nước tiên tiến, chúng ta không thể cưỡng lại được. TP.HCM là một TP lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, hội nhập với thế giới, nếu không thực hiện thì học sinh TP sẽ rất thiệt thòi. 

Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP cần chuẩn bị đầy đủ các yếu tố trước khi thực hiện, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Làm sao để họ hiểu được tường tận tinh thần đổi mới và thực hiện đúng theo tinh thần đó. 

Nếu không khéo, cuộc đổi mới rất dễ tạo ra những mặt trái, mà người chịu hậu quả chính là học sinh. Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng khi thực hiện đổi mới, bộ và Sở GD-ĐT TP.HCM nên tính toán tới việc liên thông về giáo dục giữa TP.HCM và các tỉnh, thành khác, tạo sự thuận lợi cho học sinh khi chuyển từ các tỉnh, thành về học tại TP.HCM và ngược lại.

TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Điều chúng tôi mong đợi
Việc UBND TP.HCM đề xuất cho các trường được chủ động về thời gian năm học là điều mà trường chúng tôi đang mong đợi. Trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện theo mô hình trường tiên tiến - hội nhập, chúng tôi đã được chủ động trong việc thực hiện nội dung chương trình, nay chờ đợi để được tự chủ hoàn toàn vì đây là điều kiện cần và đủ để thực hiện mô hình trường tiên tiến - hội nhập.

Ông Hà Hữu Thạch (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,617       3/603