Giáo dục

Ông thầy 8 năm đi xin học bổng, nước sạch... cho trò

TTO - Xin học bổng, vận động nước sạch, nhà vệ sinh cho học trò... 8 năm qua thầy Nguyễn Huỳnh Nguyên gắn với những mảnh đời bất hạnh và các ngôi trường miền núi.

Ông thầy 8 năm đi xin học bổng, nước sạch... cho trò - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Huỳnh Nguyên trong lần trao học bổng cho học sinh gặp khó khăn - Ảnh: NVCC

Như một lương duyên, mọi người tìm đến thầy như tìm chỗ dựa tin cậy trong lúc khó khăn nhất.

Chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Huỳnh Nguyên (31 tuổi, giáo viên môn toán Trường THPT Hoàng Văn Thụ, TP Quảng Ngãi) khi anh vừa trở về từ TP.HCM - chuyến đi chóng vánh vào ngày cuối tuần để trao 10 triệu đồng học bổng cho hai em Nguyễn Minh Ngọc - sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Đỗ Thành Bảo - sinh viên Trường CĐ Công thương.

Điểm tựa của học sinh nghèo

Thầy Nguyên kể: "Tôi chỉ là cầu nối, phía sau tôi có rất nhiều người thầm lặng giúp đỡ các em, chứ mình tôi thì sao làm nổi".

Bảo và Ngọc chỉ là hai trong số cả trăm học sinh, sinh viên nhận được học bổng hằng năm do thầy Nguyên kết nối. Thầy bảo: "Không nhớ hết tên các em. Tôi có cuốn sổ, ghi lại số điện thoại và địa chỉ từng em để tiện thăm hỏi, biết các em thiếu gì lại đi xin cho".

Năm 2009, ra trường, thầy Nguyên về công tác ở Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Quảng Ngãi) và tình cờ biết cảnh đời của một vài học sinh. Thầy liền tìm đến, dùng số tiền lương ít ỏi của mình chia sẻ cho các em. 

Thế rồi từ đó, nghe ở đâu có hoàn cảnh khốn khó, thầy lại tìm đến. Con số cần giúp nhiều dần theo thời gian. Sức mình không kham hết, thầy liền vận động người thân, bạn bè giúp đỡ.

Đi nhiều, càng gặp nhiều mảnh đời trái ngang hơn, và cũng gặp cả những người có cùng tấm lòng từ thiện. Trang Facebook của thầy giáo Nguyên đã trở thành kênh thông tin huy động sự giúp đỡ của mọi người.

Nước sạch, nhà vệ sinh cho trường vùng núi

Tám năm qua, cũng giúp được cả trăm em rồi. Có em giúp một lần, có em giúp từ tiểu học cho đến khi nào hết đại học thì dừng"

Thầy Nguyễn Huỳnh Nguyên

Cuối tuần, với thầy Nguyên là những ngày bận rộn nhất, khi phải đi đến những nơi xa xôi. Thầy nói đó là đi "tiền trạm" trước khi đi vận động. 

Và những chuyến đi không dừng lại ở những ngôi nhà ở thành thị, thôn quê mà vào cả các điểm trường thăm thẳm trong núi. Từ thực tế ở những nơi này, thầy Nguyên vận động nước sạch, nhà vệ sinh, sân chơi... từ các mạnh thường quân.

Năm 2014 đang trao học bổng ở xã Trà Phong (huyện Tây Trà), thầy Nguyên nghe cán bộ huyện chia sẻ điểm trường tiểu học xã Trà Quân thiếu sân chơi, đường đi... Sau lời tâm sự ấy, thầy Nguyên tìm đến trường. 

"Đi khảo sát về, tôi liền vận động các mạnh thường quân được 200 triệu đồng để làm đường dẫn vào trường, sân trường và xây lại nhà vệ sinh. Bọn trẻ mừng, thầy cô mừng, mình cũng mừng" - thầy nhớ lại.

Rồi thầy lại nghe cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Tây Trà kể về điểm trường tiểu học xã Trà Nham cũng rất khó khăn. Trong một ngày cuối tuần năm 2014, thầy vượt qua con đường lởm chởm đá, nhiều đoạn núi bị lở chỉ còn lối nhỏ đủ cho xe máy đi, đến được điểm trường. Ngôi trường nằm trên quả đồi, có nhà vệ sinh nhưng lại không có nước.

"Mới xin mấy trăm triệu làm ở Trà Quân xong, giờ không lẽ xin nữa. Ai mà cho" - thầy Nguyên tạm biệt các thầy cô trở về mà không hứa bất kỳ điều gì. 

"Tôi đăng thông tin lên Facebook. Thật bất ngờ là đã quyên góp được hơn 200 triệu đồng. Khổ nhất ở công trình này là phải leo núi, kéo hơn 1.000m đường ống dẫn nước từ nguồn về" - thầy Nguyên cười.

Bây giờ, sân trường, hệ thống nước, nhà vệ sinh... ở Trà Nham hoạt động rất tốt. Không chỉ phục vụ cho học sinh, thầy cô của trường mà trở thành sân chơi chung trong vùng. Mỗi buổi chiều nơi đây lại đông đúc người chơi bóng chuyền.

Từ hai công trình đầu tiên ấy, thầy Nguyên trở thành "trung tâm" hội tụ thông tin, được nhiều bạn bè, thầy cô chia sẻ những trường hợp khó khăn. Người thầy giáo trẻ ấy tiếp tục đi vận động để lắp đặt hệ thống lọc nước ở Trường PTTH Dân tộc bán trú Trà Trung, giếng khoan lấy nước sạch ở điểm trường thôn Trà Kem, xã Trà Xinh...

Chưa bao giờ trong đầu người thầy giáo này thiếu vắng hình ảnh những ngôi trường thiếu thốn mọi thứ ở miền núi. Hết điểm trường này, thầy lại được giới thiệu những điểm trường khác. 

Thầy Nguyên khoe: "Tôi đã xin được tiền rồi. Chuẩn bị khoan giếng ở Trường tiểu học và mầm non Trà Xinh (huyện Tây Trà), và lắp đặt hệ thống nước tinh khiết ở Trường PTDT bán trú Long Môn (huyện Minh Long)".

"Tấm lòng ấy biết nói sao cho hết"

Cô Ngô Thị Hoa, hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Nham, ồ lên khi chúng tôi hỏi về thầy Nguyên. Cô nói rằng: "Ở trường này, thầy cô và bọn trẻ ai cũng quý thầy. Mọi người luôn xem thầy Nguyên là một thành viên của trường. Mỗi khi thầy ghé thăm trường, lúc nào chúng tôi cũng đón như đón người thân".

Mấy năm nay, ngành giáo dục huyện Tây Trà đã nhận được nhiều sự giúp đỡ từ thầy Nguyên, cơ sở vật chất các ngôi trường đã dần tốt hơn, thầy cô thêm tinh thần bám trường, các em học sinh đồng bào thiểu số chăm chỉ đến lớp.

Nói như thầy Phạm Sơn, trưởng phòng GD-ĐT huyện này: "Tấm lòng ấy biết nói sao cho hết. Các điểm trường được thầy giáo Nguyên giúp đỡ đã đổi thay rất nhiều. Đầu năm học vừa rồi, ngành đã mời thầy Nguyên đến trao giấy khen, thư cảm ơn, dù biết như vậy vẫn chưa thể nói hết sự tri ân".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,836       1/259