Giáo dục

ĐH Tôn Đức Thắng nói 'kiểm định trong nước là chuyện tào lao'

TTO - Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM đã trả lời lý do trường này không tham gia kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

ĐH Tôn Đức Thắng nói kiểm định trong nước là chuyện tào lao - Ảnh 1.

Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong giờ học với giảng viên người nước ngoài - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, hiện có hai cơ sở giáo dục đại học không hợp tác để các Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng. 

Đó là Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

"Tước đi quyền tự chủ của trường ĐH"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về việc này, đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 1-12 cho biết vừa qua, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM có lên lịch để thực hiện thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường ĐH Tôn Đức Thắng theo phân công Bộ GD-ĐT.

Trước đó một tuần, đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT do Phó Chánh thanh tra Đặng Thị Thu Huyền dẫn đầu đã vào làm việc với nhà trường trong hai ngày để kiểm tra toàn bộ các điều kiện tuyển sinh của trường. 

"Sau đó, tôi đã thông báo việc này cho ông Nguyễn Hội Nghĩa - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM. Đồng thời cho rằng không lý do gì mà đoàn thanh tra của bộ vừa làm việc với trường cách đây một tuần, nay Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM lại làm một việc giống vậy nữa", đại diện Trường ĐH Tôn Thắng cho biết.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến với Trường ĐH Tôn Đức Thắng về sự việc trên. "Vì vậy, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã báo cáo với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga rằng toàn bộ báo cáo kết quả thanh tra đã có sẵn chỗ Thanh tra Bộ GD-ĐT. Không thể nào trong vòng 1,2 tuần phải kiểm tra nhà trường hai lần. 

Chỉ riêng trong năm nay, đã có 12 đoàn kiểm tra, thanh tra của các cơ quan, ban ngành làm việc với trường chúng tôi. Nếu kiểm tra liên tục như vậy làm sao nhà trường làm việc được", đại diện nhà trường nói thêm.

Lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng còn cho biết trường này đang thực hiện kiểm định bởi HCERES - một tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu và kiểm định AUN-QA, nên sẽ không thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục trong nước.

Kiểm định trong nước là chuyện tào lao. Trường nào được kiểm định cũng đều đạt hết. Kiểu kiểm định như thế chỉ làm xấu mặt những trường đàng hoàng. Vì thế ngày nào kiểm định trong nước chưa chấn chỉnh cho tốt, ngày đó những trường đại học đàng hoàng sẽ không chơi.

Một cán bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng

Đại diện Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho rằng Đảng và Nhà nước nhiều lần chỉ đạo khuyến khích các trường kiểm định quốc tế. Việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải kiểm định theo hệ thống của bộ là tước quyền tự chủ của trường, đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ".

208 trường đại học đã được thẩm định

Theo Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 30-6, cả nước có 208 cơ sở giáo dục đại học được thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017, 24 cơ sở giáo dục đại học khác do đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trước ngày 15-4-2017 nên được miễn thẩm định.

Ngày 27-3-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch số 203/KH-BGDĐT về việc triển khai công tác thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học năm 2017. Đến ngày 30-6-2017, công tác thẩm định và xác nhận đã hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Theo Bộ GD-ĐT, kết quả thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng các cơ sở giáo dục đại học sẽ là cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm cung cấp thông tin cho các chủ thể liên quan như người học, nhà trường và cơ quan quản lý tham khảo.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết trung tâm này luôn chủ động liên hệ với các trường đại học để thực hiện việc thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng theo sự phân công của Bộ GD-ĐT, và nếu có trường không trả lời công văn lần đầu thì gửi công văn nhắc lại lần 1, lần 2. 

Đến nay, trung tâm đã thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng năm 2017 cho 55 trường, không tính các trườngng đã được kiểm định chất lượng giáo dục.

Trước đó, tháng 11-2016, văn phòng Bộ GD-ĐT đã công bố thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH trong thời gian tới, cho biết sẽ chế tài các trường ĐH không tham gia kiểm định chất lượng.

Theo đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD-ĐT) xây dựng kế hoạch, lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục cho tất cả các cơ sở giáo dục ĐH (cả công lập và ngoài công lập), khuyến khích các trường chủ động chuẩn bị điều kiện, tự nguyện tham gia kiểm định, nhằm minh bạch các điều kiện bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu trường.

Xác định rõ quyền lợi đối với các trường đạt kiểm định, và chế tài cụ thể đối với các trường không tham gia hoặc không được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kết quả kiểm định phải được công bố công khai, trên cơ sở đó bộ sẽ xem xét, lựa chọn khoảng 15-20 trường trọng điểm để tăng cường đầu tư.

Hiện nay có bốn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Các trung tâm này có chức năng thẩm định và xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng chính (diện tích đất, sàn xây dựng; thư viện, trung tâm học liệu; quy mô sinh viên, đội ngũ giảng viên cơ hữu) đối với các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  192,484       1/649