Giáo dục

Sinh viên: 'Vào hội đồng trường để làm gì?'

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng để sinh viên tham gia hội đồng trường là tín hiệu tích cực, nhưng các chuyên gia và sinh viên lo ngược lại.

Sinh viên: Vào hội đồng trường để làm gì? - Ảnh 1.

Giờ học của sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Điểm mới được Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, theo đó để sinh viên tham gia vào hội đồng trường, đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cân nhắc chọn người vào hội đồng

Theo TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT), các nghị quyết của hội đồng trường phụ thuộc nhiều vào thành phần nhân sự của hội đồng trường.

Điều đó đồng nghĩa nếu muốn xây dựng hội đồng trường là hội đồng quyền lực thực sự thì phải tập hợp được những người rất ưu tú để tham gia, tuyển chọn cẩn thận, chứ không phải chỉ cơ cấu cho đủ thành phần.

Ở các nước tiên tiến, trong hội đồng trường thường có thành phần đại diện sinh viên. Nhưng khi học tập mô hình nước ngoài cũng cần xem xét cụ thể điều kiện VN, xem có thực sự tương đồng, phù hợp để áp dụng.

Ngoài ra, trong thành phần hội đồng trường phải tính toán để thành viên trong trường không thể chiếm số lượng áp đảo quá mức so với thành viên ngoài trường. Nếu hội đồng trường chủ yếu là người trong trường thì sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT) thì đồng ý rằng đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường sẽ giúp hội đồng trường có thêm tiếng nói của người học. 

Tuy nhiên, trong điều kiện VN - đa số sinh viên đồng thời là đoàn viên - khi hội đồng trường có thành phần của Đoàn thanh niên thì cũng chính là đại diện của sinh viên. Vì vậy, nếu đưa cả hai thành phần này vào hội đồng trường là trùng lắp, không hợp lý.

Đặc biệt, dự thảo đưa ra quy định nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm, trong khi thời gian học ĐH của sinh viên chỉ thường là 4 năm, và tới đây còn có thể rút gọn xuống 3 năm. Như vậy, theo quy định này, sinh viên sẽ tham gia hội đồng trường theo nhiệm kỳ nào?

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh (chủ tịch hội đồng Trường ĐH Thủy lợi) lại băn khoăn: "Thực tế, sinh viên VN chưa chủ động để có thể phản biện như sinh viên nước ngoài. Vì thế, việc tham gia của sinh viên vào hội đồng trường là không cần thiết, do các em không phát huy được vai trò của mình".

Sinh viên vào hội đồng trường để làm gì? 

Đó là ý kiến của Phạm Xuân Chiến - sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Theo sinh viên này, hiện nay dư luận đang đánh giá hội đồng trường chỉ mang tính hình thức, hoạt động không hiệu quả, chủ tịch hội đồng thì không có thực quyền. Vậy trước thực tế ảm đạm như vậy, có thêm đại diện của sinh viên tham gia vào hội đồng trường để làm gì? 

"Theo tôi, vấn đề quan trọng là phải tăng quyền tự chủ cho các trường, trao thêm quyền cho hội đồng trường, chứ không phải đưa sinh viên vào hội đồng trường", sinh viên này nói.

ThS Trương Tiến Sĩ (giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cũng cho rằng sinh viên không nên tham gia hội đồng trường, vì đây là tổ chức thay mặt Nhà nước quản lý trường. 

"Tiếng nói của sinh viên đã được thể hiện qua các diễn đàn khác: Đoàn, hội sinh viên, cơ chế giao ban hằng tuần/tháng. Bản thân sinh viên chưa đủ nhận thức xã hội, vì thế khó có thể tham gia những vấn đề mang tính quản trị của trường. 

Trong trường hợp cá nhân sinh viên được chọn "non" bản lĩnh, cũng rất khó thể hiện chính kiến và tiếng nói của tập thể sinh viên", ThS Trương Tiến Sĩ nói.

Không nên chọn kiểu cơ cấu

Theo TS Trần Quang Huy (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh - ĐH Thái Nguyên), trong thành phần hội đồng trường có sự tham gia của sinh viên là tín hiệu tích cực.

"Chúng ta không trông chờ sinh viên có thể đóng góp cho chiến lược phát triển của nhà trường, nhưng với vai trò mới này, sinh viên có thể đề đạt những mong muốn, nguyện vọng để nhà trường có định hướng đào tạo đáp ứng nhu cầu người học", TS Huy chia sẻ.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Tuyết Phương (giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) nói việc cử đại diện sinh viên tham gia hội đồng trường ĐH học là nên làm.

Vấn đề quan trọng là phải chọn cho được sinh viên xứng đáng đại diện. Không nên chọn kiểu cơ cấu, mà phải tranh cử công khai. Ngoài ra, khi sinh viên tham gia hội đồng trường, các em cần sự tôn trọng và đối xử như người trưởng thành.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,814       1/259