Giáo dục

Đề xuất bỏ bộ chủ quản với đại học

TTO - Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tại hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học" tổ chức ngày 25-12 ở TP.HCM.

Đề xuất bỏ bộ chủ quản với đại học - Ảnh 1.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng bỏ bộ chủ quản, đại học sẽ phát triển vì không có rào cản. Khi đó, thị trường sẽ quyết định sự sống còn của các trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn “quản” vẫn còn. Tự chủ hiện nay của các trường đại học chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản. Vừa rồi, chúng tôi lát sàn của nền trong trường cũng phải xin phép bộ

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức, thu hút hơn 100 nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học tham dự.

Tại hội thảo, các chuyên gia đề xuất Luật giáo dục đại học sửa đổi cần có một chương về tự chủ đại học.Một trong những điểm rất quan trọng là cần phải có định nghĩa cụ thể tự chủ đại học trong điều kiện VN.

Lát sàn trườngcũng xin ý kiến bộ!

PGS.TS Đỗ Văn Dũng thừa nhận nếu không "xé rào", trường sẽ không được như ngày nay. 

Theo ông Dũng, vướng mắc lớn hiện nay là bước chuyển tư duy từ bao cấp sang cơ chế thị trường trong quản lý vẫn chưa kịp. 

Ông Dũng đề nghị phải nhanh chóng đưa vào luật quy định bỏ bộ chủ quản.

"Khi có bộ chủ quản thì tư duy muốn "quản" vẫn còn. Tự chủ hiện nay của các trường đại học chỉ là tự chủ nửa vời. Tất cả đầu tư công của các trường đều phải xin phép bộ chủ quản. Vừa rồi, chúng tôi lát sàn của nền trong trường cũng phải xin phép bộ. Việc này giống như người dân sửa chuồng heo cũng phải xin phép" - ông Dũng nói.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, ông Dũng nói thêm: "Khi không còn bộ chủ quản, các trường đại học sẽ phát triển nhanh do không có rào cản. Các nước chỉ quản chất lượng trường đại học khi đăng ký kiểm định, còn lại do thị trường quyết định. Anh đào tạo kém chất lượng thì sinh viên thất nghiệp, rồi trường sẽ bị đóng cửa vì không có sinh viên".

Tôi chưa thấy rõ Bộ GD-ĐT và Chính phủ muốn gì ở đạo luật này. Tôi có cảm giác hình như Chính phủ chỉ muốn đại học tự lo lấy.
Trước đây, đại học được coi như đơn vị hành chính, sau đó là đơn vị sự nghiệp và nay như một doanh nghiệp nhà nước. Đây là xu hướng làm cho nền giáo dục đại học nước ta ngày càng manh mún, phân tán và chất lượng không so được với ai” - TS Phạm Duy Nghĩa , Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đến nay, Trường đại học Kinh tế TP.HCM đã hết thời hạn thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ theo quyết định của Chính phủ.

PGS.TS Phan Thị Bích Nguyệt - phó hiệu trưởng nhà trường - nêu ra những khó khăn trong quá trình thí điểm tự chủ: vấn đề huy động nguồn lực cho các hoạt động của trường đang bị vướng rất nhiều bởi các luật (Luật ngân sách, Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài, Luật đầu tư công...). Trong các hoạt động của trường khi trình các cơ quan, ban ngành đều vướng vì cho rằng cơ chế thí điểm này không nằm trong luật.

"Nếu muốn tự chủ tốt phải có nguồn lực từ xã hội, không chỉ là nguồn thu học phí. Nếu chỉ dựa vào học phí thì không phù hợp với thông lệ quốc tế (các nước khác, nguồn thu từ học phí chỉ chiếm 30-40% tổng thu của nhà trường). 

Tuy nhiên, Luật giáo dục đại học chưa có điều khoản nào rõ ràng để các trường có hành lang pháp lý huy động nguồn vốn từ bên ngoài hiệu quả nhất. Đây là rào cản rất lớn nếu các trường tự chủ bị cắt 100% ngân sách. 

Về vấn đề nhân sự, bước đầu nhà trường thực hiện thu hút nhân sự từ nước ngoài, nhưng lại bị ràng buộc nhiều bởi các quy định ký hợp đồng lao động, thuế đối với sử dụng người lao động nước ngoài chưa hợp lý... 

Chúng tôi rất muốn được cụ thể hóa hơn, rõ ràng hơn để các trường tự chủ khi thực thi nhiệm vụ của mình không bị một câu "những điều này luật chưa quy định" hoặc vượt luật" - bà Nguyệt nói.

Hai "nút thắt" của tự chủ

Theo GS.TS Mai Hồng Quỳ - hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM, về tự chủ đại học có hai mảng quan trọng nhất hiện nay là tự chủ về công tác nhân sự và tự chủ về tài chính. Nếu chưa giải quyết được hai nút thắt này thì tất cả những vấn đề về tự chủ đại học đều không có ý nghĩa gì cả.

"Cái vướng lớn nhất hiện nay là vấn đề nhân sự. Nên cho phép nhà trường có quyền đánh giá năng lực làm việc, có cơ chế ký kết hợp đồng lao động mềm dẻo, linh hoạt, được sử dụng người tài. Đồng thời, phải có giải pháp căn cơ về vấn đề tự chủ trong tổ chức hành chính. 

Trong Luật giáo dục đại học đưa ra phòng ban, khoa, bộ môn... theo cơ chế liệt kê, trong khi đó các tổ chức trong một trường đại học có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Cơ chế tự chủ tài chính hiện nay không có gì khác so với trường bình thường, chưa có chuyển biến gì đáng kể" - bà Quỳ nói.

TS Nguyễn Thiên Tuế - hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp TP.HCM - cũng kiến nghị cần có khái niệm về tự chủ đại học và quy định tự chủ nhiều cấp độ.Ông nói: "Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích các trường công tự chủ. Tuy nhiên, trong 10 năm tới không thể tất cả các trường đại học tự chủ hoàn toàn. Cần phải có những trường đặc thù được hưởng ngân sách nhà nước và có những trường chỉ được hưởng một phần ngân sách, nên cần phân loại tự chủ. 

Nếu trường tự chủ 100%, xem như một doanh nghiệp thì cho phép trường được hưởng cơ chế khác. Liên quan đến việc sử dụng lao động hiện nay đang vướng, các trường rất khó xử. Một doanh nghiệp sử dụng lao động nếu không có việc làm sẽ cắt hợp đồng, nhưng trường tự chủ bị điều chỉnh bởi Luật viên chức nên cho người lao động nghỉ không đơn giản. Vì vậy, cần phân loại các đối tượng làm việc trong trường đại học".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,507       1/571