Giáo dục

Cả xã làm 'rừng cây khuyến học'

TTO - Trong khu rừng ấy, cứ mỗi cây rừng phát triển là có thêm học sinh nghèo hiếu học được tiếp sức đến trường.

Cả xã làm rừng cây khuyến học - Ảnh 1.

Rừng cây khuyến học ở xã Tịnh Trà xanh tốt là thêm những cuộc đời học trò tươi sáng hơn - Ảnh: TRẦN MAI

Rừng này là của chung. Mình làm nhưng con em mình hưởng

Ông Ba Quyền (một người dân xã Tịnh Trà)

Đó là câu chuyện về "rừng cây khuyến học" ở xã Tịnh Trà (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi).

Từ những trò giỏi không thể đến trường

Ông Phạm Đình Thu - chủ tịch Hội Khuyến học xã Tịnh Trà - chạy xe máy băng qua con đường lởm chởm đá vào rẫy keo ở thôn Thạch Nội (xã Tịnh Trà).

Theo hướng tay ông, một diện tích keo rộng lớn đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch là nguồn quỹ khuyến học dành cho con em trong xã. "Đấy, cây cứ phát triển xanh tốt là mấy đứa nhỏ khỏi lo thiếu tiền đi học. Chỉ cần chăm chỉ là chúng tôi hỗ trợ tối đa".

Rồi ông chủ tịch hội nhiều năm gắn bó với lớp lớp học trò khốn khó ở vùng đất này nhớ về thời vận động giúp đỡ các trò nghèo khả năng "gãy gánh học tập". Vùng đất thuần nông như Tịnh Trà, để vận động được vài chục triệu đồng mỗi năm tiếp sức cho học trò quả là không dễ dàng. 

Tên những học trò được hỗ trợ ông đọc một mạch như thể nằm trong bộ nhớ. Rồi ông dừng lại ở cậu học trò tên Huy. "Huy học giỏi lắm nhưng hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Mồ côi cha, mẹ lại ốm đau triền miên. 

Dù giúp đỡ nhiều lần nhưng cũng chỉ giúp em đến hết lớp 12. Đậu đại học nhưng rồi phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền nuôi mẹ. Nếu hồi đó có được nguồn quỹ vững như bây giờ thì số phận Huy đã khác" - ông Thu nhớ lại.

Bên rừng keo, những câu chuyện của học trò như sợi dây vô hình kéo thời gian lại. Đỉnh điểm của khó khăn cho nguồn quỹ là vào năm 2009. Lúc đó có một lứa học trò rất giỏi nhưng quá nửa không thể tiếp tục đến trường. Ông Thu đi vận động được 1-2 đợt thì không thể tiếp tục vận động thêm. 

Thế rồi bên chén trà, ông trải lòng mình với người dân và chính quyền địa phương không lẽ đời mình đã khổ lại để đời con cháu tiếp tục khổ cực vì không thể đến trường. Người dân chỉ đáp lại bằng ánh mắt buồn. Họ bảo nếu như giúp được công thì sẵn sàng, còn tiền thì...

Rồi hôm ấy, ông Thu nói với chính quyền xã Tịnh Trà: "Hay là xã cho hội đất rừng. Chúng tôi sẽ vận động người dân trồng keo gây quỹ". Ý tưởng nhanh chóng nhận được sự tán thưởng của người dân và "rừng cây khuyến học" ra đời. 

"Lúc đó, tôi đi vận động bà con được 3 triệu đồng mua giống. Công thì người dân bỏ ra. Lứa đầu tiên bán được 30 triệu đồng, hội trích ra 18 triệu đồng mua giống và xin thêm đất trồng "rừng cây khuyến học". 

Số còn lại cùng với số tiền vận động được của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, Hội Khuyến học xã Tịnh Trà đã tặng 835 suất quà, trị giá hơn 41 triệu đồng cho con em có thành tích học tập khá, giỏi có hoàn cảnh khó khăn" - ông Thu nói.

Cứ nghe khó khăn là đến giúp

Từ 1ha đất rừng ban đầu xã giao, giờ hội đã có được nhiều rừng keo. Và cũng từ đó, chẳng còn học sinh phải nghỉ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí nữa.

Trưa muộn ngày giữa đông. Tranh thủ ngày nắng ráo hiếm hoi, người dân thôn Thạch Nội kéo nhau vào chăm sóc rừng keo. Tiếng chim hót, tiếng nói cười rộn vang một góc rừng. Rừng cây khuyến học ở thôn Thạch Nội qua năm sẽ khai thác lứa thứ hai. 

Ông Ba Quyền - một người dân - bảo: "Rừng này là của chung. Mình làm nhưng con em mình hưởng. Nói thiệt là chẳng ai mong nhận được tiền cho con cháu mình từ cái rừng này đâu. Ai mà muốn nghèo, chỉ tại cái khốn khó nó không tha cho dân mình nên các em mới phải nhận".

Trời vào đông nhưng trên khuôn mặt ai cũng lấm tấm mồ hôi. Sự góp sức chung của cả xã đã tạo ra một nguồn quỹ chủ động, lâu dài và rất ổn định. 

Rời khỏi khu rừng ở thôn Thạch Nội, ông Thu kéo chúng tôi đến thôn Phú Thành. Ở đó cũng có một "rừng cây khuyến học" rộng 2ha do những gia đình có con em đang đến trường đảm nhận. 

Ông Lê Minh Đúng - một người dân tham gia trồng, chăm sóc khu rừng - tâm sự rằng: "Lần trồng rừng đầu tiên người góp 20.000 đồng, người khá hơn góp 50.000 đồng. Rồi cả làng, cả xã đổ sức ra làm giờ bọn trẻ có cả trăm triệu. Nhà nào nghe khó là ông Thu tìm đến. 

Nói thiệt chứ giờ mà có cả trăm hecta chúng tôi cũng xung phong trồng. Thời bình rồi mà để con em thiếu cái chữ thì coi sao đành. Bà con nhìn rừng lớn nhanh là mừng lắm, bởi có chỗ dựa và bớt đi nỗi lo lắng".

Những người nông dân khuôn mặt đen nhẻm, ngồi cùng ông chủ tịch hội khuyến học nhẩm tính số tiền quỹ có được từ những rừng keo khi vào năm 2018 sẽ thu hoạch toàn bộ. 

Những con số viết trên nền đất cho ra con số 360 tấn keo, trừ hết chi phí thu hoạch mỗi tấn lãi được 750.000 đồng, quỹ sẽ có được 250 triệu đồng, cộng với số tiền 117 triệu đồng hội đang có sẽ "rủng rỉnh" giúp đỡ cho trò. 

Thay vì đi lựa, cân đo hoàn cảnh nào khó khăn hơn, bây giờ chỉ cần nghe khó là đến giúp. Phép tính ra kết quả cũng là lúc họ cùng nhau nở nụ cười, xen vào đó là dự tính sẽ hỗ trợ cho cháu này, em nọ. 

"Giờ có tiền quỹ "cứng rồi" chẳng phải lo lắng gì nữa. Bà con cứ động viên con em học cho giỏi. Khó khăn gì hội đứng ra "xử" hết" - ông Thu cười hiền.

Cách làm sáng tạo, linh hoạt

Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Trà Trần Văn Trường cho biết: "Mỗi năm địa phương phân bổ cho hội khuyến học 3 triệu đồng, số tiền này không đủ để hội hoạt động. Từ nguồn đất xã tạo điều kiện, hội huy động hội viên trồng cây, gây quỹ. Đây là cách làm hay.

Nhờ nguồn quỹ này mà công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương phát triển mạnh mẽ hơn. Đây là một mô hình mới, cách làm sáng tạo, linh hoạt cần được nhân rộng, nhất là ở những địa phương vùng cao, miền núi, gặp khó khăn trong công tác xây dựng quỹ khuyến học".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,304       1/567