TTO - Cùng lúc, nhiều học sinh bậc THCS ở TP.HCM phải học song song 2 chương trình tiếng Anh khác nhau và chênh lệch nhau một trời một vực.
Nhiều học sinh đã học chương trình tiếng Anh tăng cường ở tiểu học, nhưng lên THCS phải học lại tiếng Anh căn bản - Ảnh: NHƯ HÙNG
Sở GD-ĐT TP.HCM cần có hướng dẫn cụ thể về việc giảng dạy môn tiếng Anh ở trường THCS. Vì dạy một lúc 2 chương trình gây mệt mỏi cho cả học trò lẫn giáo viên
Ông VŨ VẠN XUÂN (phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
"Vì lớp em là lớp tiếng Anh tăng cường nên môn tiếng Anh phải học 2 loại giáo trình: một loại là của nước ngoài, còn loại kia là sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.
Những tiết học theo giáo trình nước ngoài là đi đúng với trình độ học sinh lớp em, tức là chúng em được học những gì mình chưa biết. Còn những tiết học theo sách giáo khoa Việt Nam thì rất chán vì toàn những kiến thức tụi em đã học từ hồi lớp 1, lớp 2", N.M., học sinh lớp 6 ở Q.7, tâm sự.
Nỗi khổ của giáo viên và học sinh
M. giở sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 6 của mình ra cho chúng tôi xem: "Em đã học tiếng Anh từ lớp 1 trong trường tiểu học, ngoài ra em còn học thêm tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ với người nước ngoài.
Ngay từ đầu năm lớp 5, em đã lấy chứng chỉ Flyer của ĐH Cambridge với số khiên tối đa 15/15 khiên. Vậy mà bây giờ lớp 6 em phải học lại Good morning, What’s your name? với How are you?, How old are you?...".
Tình trạng trên diễn ra trên toàn TP.HCM chứ không chỉ riêng Q.7. Một giáo viên tiếng Anh ở Q.3 cho biết: "Tâm lý giáo viên không ai thích dạy chương trình của Bộ GD-ĐT ở những lớp tiếng Anh tăng cường. Đã là lớp tăng cường nên trình độ học sinh rất khá, các em nghe và nói tiếng Anh không thua gì người nước ngoài.
Bắt học sinh phải học lại những kiến thức các em đã thuộc nằm lòng thì không thể tránh khỏi sự nhàm chán, uể oải, miễn cưỡng... Giáo viên đi dạy cũng không thể hào hứng nổi khi phải nói lại những điều mà học sinh đã biết hết rồi".
Một giáo viên tiếng Anh ở Q.Tân Bình phân tích: "Việc cùng lúc phải dạy song song 2 chương trình khiến giáo viên rất vất vả. Thường thì mỗi giáo viên sẽ phụ trách giảng dạy 2 khối lớp/năm học.
Ví dụ, tôi được phân công dạy khối lớp 8, lớp 9 đáng lẽ chỉ soạn 2 giáo án cho mỗi bài thì với 2 chương trình, tôi phải soạn 4 giáo án cho mỗi bài dạy cùng với việc đầu tư về phương pháp chuyển tải kiến thức, tổ chức cho học sinh hoạt động trong giờ học...".
Vì đâu?
Hiện nay các trường THCS trên địa bàn TP.HCM đang giảng dạy 3 chương trình tiếng Anh: chương trình tiếng Anh của Bộ GD-ĐT Việt Nam hệ 7 năm: dành cho đối tượng bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 6; chương trình tiếng Anh tăng cường của Sở GD-ĐT TP.HCM: học theo giáo trình nước ngoài do sở định hướng, dành cho đối tượng bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 1; chương trình tiếng Anh tích hợp: dạy và học các môn toán, khoa học, tiếng Anh tích hợp giữa chương trình của Anh và Việt Nam.
Như vậy, chương trình tiếng Anh tích hợp và tiếng Anh tăng cường có mục tiêu, yêu cầu học sinh phải đạt trình độ cao hơn so với chương trình hệ 7 năm của Bộ GD-ĐT. Tùy theo điều kiện về trình độ bản thân, kinh tế gia đình, học sinh sẽ chọn học 1 trong 3 chương trình trên.
Tuy nhiên, điều đáng nói là học sinh có chọn tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh tích hợp vẫn phải học cả chương trình tiếng Anh hệ 7 năm! Điều bất hợp lý này đã tồn tại nhiều năm nay ở TP.HCM.
Theo hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Tân Bình: "Học sinh các khối lớp học tiếng Anh tăng cường 5 tiết/tuần, nhưng vẫn phải học thêm 3 tiết/tuần theo sách giáo khoa tiếng Anh của Bộ GD-ĐT".
Tương tự, "tính tổng cộng, học sinh các khối lớp 6, 7, 8 của trường tôi học đến 8 tiết tiếng Anh/tuần; học sinh khối lớp 9 học 7 tiết tiếng Anh/tuần. Ngay cả chương trình tích hợp học sinh đã học 8 tiết/tuần (bao gồm cả toán, khoa học và tiếng Anh) vẫn phải học thêm 1 tiết tiếng Anh theo sách giáo khoa của bộ.
Số tiết môn tiếng Anh quá nhiều như thế là bất hợp lý và gây thêm áp lực không cần thiết cho học sinh" - một giáo viên tiếng Anh ở Q.3 bộc bạch.
Ban giám hiệu các trường và giáo viên đều nhận ra những bất cập của việc triển khai dạy song song 2 chương trình, nhưng "bắt buộc phải thực hiện vì đề kiểm tra cuối học kỳ do Phòng GD-ĐT biên soạn, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT biên soạn đều bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT. Nếu học sinh không học sách giáo khoa của bộ thì rất dễ bị rớt" - hầu hết các trường đều giải thích như thế.
Hiệu trưởng một trường THCS còn cho biết: "Học sinh hệ tiếng Anh tăng cường sẽ có học bạ riêng theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP. Trong đó các em sẽ được kiểm tra đủ 4 kỹ năng và được ghi điểm đầy đủ.
Ngoài ra, học sinh hệ tăng cường còn có một loại học bạ khác: học bạ bình thường như học sinh học tiếng Anh hệ 7 năm. Trong đó điểm kiểm tra thường xuyên và kiểm tra cuối học kỳ môn tiếng Anh hệ 7 năm cùng với điểm các môn khác như toán, lý, hóa, sinh, sử, địa... sẽ ghi vào sổ này. Do đó nhà trường không thể không dạy tiếng Anh hệ 7 năm".
Chênh lệch kiến thức giữa 2 loại giáo trình
Giáo trình hệ tăng cường là giáo trình của nước ngoài, dạy học sinh theo 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh THCS. Những bài tập trong giáo trình này cũng gần với dạng bài thi để lấy các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Còn sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT tập trung vào phần ngữ pháp nhiều hơn, dành cho học sinh bắt đầu học tiếng Anh, nên rất dễ đối với học sinh hệ tăng cường hoặc hệ tích hợp. Ngoài ra, sách giáo khoa này được viết cách đây hơn 10 năm, có nhiều nội dung đã lỗi thời nên khó hấp dẫn được học sinh.
Cô T. (giáo viên dạy tiếng Anh bậc THCS ở TP.HCM)