TTO - Theo đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, sinh viên tốt nghiệp ĐH phải đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu B1. Nhưng rất ít trường đạt được mục tiêu này.
Sinh viên học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ có giáo viên nước ngoài để nâng cao kỹ năng tiếng Anh - Ảnh: M.K.
Ngày 29-12, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo tổng kết việc triển khai tiếng Anh tăng cường trong các trường CĐ đào tạo giáo viên và các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2008-2016.
Tại đây, ông Trần Anh Tuấn - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT, đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia hướng đến năm 2020 đã bộc lộ những hạn chế.
Một số mục tiêu chính của đề án khó đạt được vào năm 2020 dẫn tới những băn khoăn về thành công, hiệu quả của đề án.
Sinh viên: chưa tới 20% đạt chuẩn
Theo quy định tại đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, sinh viên tốt nghiệp ĐH không chuyên ngữ đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu bậc 3 (B1, tương đương trung cấp).
Tuy nhiên, do trình độ tiếng Anh đầu vào sinh viên thấp, thời gian đào tạo ngoại ngữ bổ sung ít, cơ sở vật chất hạn chế, giảng viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn nên nhiều trường thực hiện đề án không đạt mục tiêu.
Theo các trường, trình độ tiếng Anh của sinh viên ở bậc phổ thông quá thấp khiến khi vào ĐH, các trường vất vả trong việc nâng cao trình độ. Do đó, việc đặt chuẩn B1 khi sinh viên tốt nghiệp khó khả thi.
TS Nguyễn Thị Lan Anh - trưởng bộ môn ngoại ngữ Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: "Sinh viên trình độ A2 cần từ 360 đến 400 giờ học để đạt trình độ B1. Nhưng toàn bộ thời gian giảng dạy tiếng Anh tổng quát tại trường là 120 tiết, tương đương khoảng 100 giờ.
Kết quả khảo sát tiếng Anh năm 2015 dành cho sinh viên năm thứ 4 và 5 của trường cho thấy chưa tới 20% đạt chuẩn đầu ra của trường".
GS.TS Đặng Văn Minh - phó giám đốc ĐH Thái Nguyên - cho biết qua đề án trình độ cán bộ giảng viên của đơn vị này tăng lên. Tuy nhiên, đối với sinh viên thì lại khác.
Trường ĐH Kinh tế quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) đặt chuẩn đầu ra B1. Sau vài năm thực hiện có đến 2.000 sinh viên không tốt nghiệp được, gây bức xúc trong sinh viên.
"Chúng ta đặt chuẩn quá cao trong khi không có giải pháp thực hiện để sinh viên đạt được. Sau đó ĐH Thái Nguyên phải giảm chuẩn đầu ra ở trường xuống còn A2" - ông Minh nói.
Giảng viên trình độ không đồng đều
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Trình độ giảng viên tiếng Anh cũng là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu của đề án không đạt được.
Kết quả rà soát năng lực tiếng Anh đối với giảng viên do Bộ GD-ĐT thực hiện năm 2013 cho thấy như sau: hơn 500 giảng viên tiếng Anh dự thi, không ai đạt khung C2, 71 người đạt C1, đa số đạt trình độ B2.
Trong khi đó có 19 người chỉ đạt trình độ A2, 3 người đạt A1 - thấp hơn chuẩn đầu ra bậc ĐH của nhiều trường ĐH (trình độ B1).
Đối với giảng viên chuyên ngành tiếng Anh (dạy tiếng Anh chuyên ngành cho các ngành), tỉ lệ này còn thấp hơn: 324 người dự thi nhưng chỉ có 5 người đạt C2, chủ yếu đạt B1 và có đến 115 người chỉ đạt A2, 24 người đạt A1.
Ông Trần Anh Tuấn chỉ ra các nguyên nhân khiến đề án ngoại ngữ 2020 không đạt được mục tiêu như: do một số trường xây dựng lộ trình triển khai nhanh nhưng không tính tới các điều kiện đảm bảo chất lượng trên cơ sở thực tế;
Sinh viên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ; giảng viên có trình độ ngoại ngữ không đồng đều, số người được đào tạo ở nước ngoài ít. Nhiều trường chưa có các kỳ kiểm tra tiếng Anh đối với các giảng viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh...
Phải thay đổi từ phổ thông
Để thực hiện hiệu quả đề án ngoại ngữ, đại diện nhiều trường cho rằng cần có giải pháp nâng cao trình độ giảng viên tiếng Anh. Bên cạnh đó, phải thay đổi phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh từ bậc phổ thông.
Đại diện một trường ĐH khác cho rằng để sinh viên đạt chuẩn, vấn đề cốt lõi phải thay đổi đó là chất lượng giảng dạy tiếng Anh bậc phổ thông. Bộ cần có giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên tiếng Anh bậc học này.
Hiện nay sinh viên được học tiếng Anh từ sớm nhưng kết quả kiểm tra tiếng Anh đầu vào của đa số sinh viên dưới mức cơ bản. Thời gian học tiếng Anh ở ĐH quá ít, không đủ để sinh viên đáp ứng năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu.
TS Trần Khắc Hoàn - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh - kiến nghị ban quản lý đề án tạo điều kiện bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho cán bộ giảng viên, đặc biệt ở nước ngoài - kể cả giảng viên các trường không thuộc Bộ GD-ĐT.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Tiến (ĐH Huế) đề nghị đề án nên dành kinh phí cố định hằng năm cho việc dạy và học tiếng Anh tăng cường cho các cơ sở giáo dục để họ có kế hoạch triển khai dài hơi.
Điều chỉnh đề án
Theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025 vừa được Chính phủ ký ban hành, đối với giáo dục ĐH, đến năm 2025 phấn đấu 100% các ngành đào tạo chuyên ngoại ngữ triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo của trường; 80% các ngành khác triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành đào tạo; triển khai một số chương trình đào tạo giáo viên bằng ngoại ngữ.
Như vậy, so với đề án 2020, đề án này không đặt ra mức năng lực cụ thể sinh viên đạt được (B1) khi tốt nghiệp ĐH, CĐ.