Giáo dục

Nhiều ý kiến trái chiều học tín chỉ ở trung học

TTO - Theo chuyên gia, chương trình giáo dục phổ thông và ĐH hoàn toàn khác nhau, muốn đào tạo tín chỉ ở bậc phổ thông phải chuẩn bị thật kỹ.

Nhiều ý kiến trái chiều học tín chỉ ở trung học - Ảnh 1.

Phải chuẩn bị kỹ lưỡng khi triển khai học theo tín chỉ ở bậc trung học. Trong ảnh: tiết học của học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Phải có quá trình chuẩn bị. Ở bậc THCS, các em được chuẩn bị như thế nào để lên THPT học theo tín chỉ. Chứ áp dụng ngay từ bậc THPT sẽ khiến nhiều em gặp khó khăn

Ông Nguyễn Thành Nhân (phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM)

ThS Lê Hùng Cường - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết ở bậc ĐH, có những môn học độc lập nên sinh viên có thể học hết môn này rồi đến môn kia. 

Tuy nhiên, ở bậc phổ thông, nhiều môn học có liên quan với nhau nên phải học hết chương trình lớp 10, 11 rồi mới đến lớp 12.

Sẽ gặp khó khăn

"Thế nên tôi cho rằng bậc trung học chỉ nên thực hiện niên chế năm học theo hướng linh hoạt. Đó là thay vì hiện tại người học phải học theo niên chế 9 tháng/năm học, có thể học chương trình ấy trong 8 tháng hoặc 12 tháng tùy sức học và điều kiện của từng người. Chứ nếu để học sinh trung học học theo hình thức tín chỉ như bậc ĐH thì chưa ổn lắm", ông Cường nói.

Tương tự, ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng áp dụng đào tạo tín chỉ ở bậc THPT sẽ có nhiều khó khăn liên quan đến cách đánh giá quá trình học tập của học sinh, quy chế, chương trình và cách thức tổ chức. 

"Về tổ chức môn học, một trường ĐH với hơn 10.000 sinh viên nhưng vẫn có nhiều môn không đủ số lượng đăng ký phải hủy mở lớp. Một trường phổ thông với vài trăm đến vài ngàn học sinh, việc tổ chức lớp theo đăng ký của người học sẽ gặp khó khăn. 

Hơn nữa, nhiều môn học ở trường phổ thông chỉ có vài giáo viên, liệu có đủ đáp ứng nhu cầu mở lớp hay không?", ông Sơn góp ý.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Lê Quan - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nêu quan điểm áp dụng đào tạo tín chỉ ở phổ thông là chưa cần thiết. 

Theo ông Quan, vấn đề quan trọng là học sinh phổ thông chưa ý thức được mình cần cái gì, thiếu cái gì, chưa tự chủ được kế hoạch học tập. Do vậy, học theo một chương trình định sẵn sẽ tốt hơn để các em tự chọn theo dạng tín chỉ. 

"Ngay cả sinh viên năm nhất trường cũng chưa để các em đăng ký tín chỉ, mà sắp xếp theo chương trình đào tạo của trường. Bởi lúc đó các em còn nhiều bỡ ngỡ, phải tiếp cận dần", ông Quan nói.

Xu hướng chung của thế giới

Ngược lại, TS Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết đào tạo theo tín chỉ là xu hướng chung của thế giới bởi có nhiều ưu điểm: người học được chủ động chọn môn học, chọn số lượng kiến thức cần tích lũy trong một học kỳ, chọn thời gian, địa điểm học và chọn cả giáo viên.

"Trường chúng tôi có đưa ra sơ đồ kế hoạch học tập cho sinh viên, với một số điều kiện ràng buộc về trình tự môn học. Ví dụ sinh viên phải học hết môn A mới đến môn B. Bởi phải có kiến thức môn A mới học được môn B. 

Ở bậc trung học, nếu cần thiết nhà trường cũng có thể đưa ra điều kiện này để học sinh có kế hoạch học tập logic hơn. Khó khăn lớn nhất khi dạy theo tín chỉ là phần mềm sắp xếp thời khóa biểu, xếp lớp cho giáo viên. 

Lúc đầu có thể chưa linh hoạt, nhưng trong quá trình thực hiện sẽ rút kinh nghiệm. Thêm vào đó, đội ngũ cố vấn học tập sẽ tư vấn cho học sinh cách chọn môn học, quản lý học sinh, giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ phát huy hiệu quả của hình thức tín chỉ", ông Mỵ Giang Sơn phân tích.

Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết việc tổ chức cho học sinh trung học học theo tín chỉ là một trong những đề xuất của sở trong đề án phát triển ngành GD-ĐT TP.HCM đến năm 2020 - tầm nhìn 2030. 

Nếu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sở sẽ xây dựng đề án cụ thể để có cách thực hiện phù hợp với đối tượng học sinh trung học và có thể không hoàn toàn giống tín chỉ các trường ĐH đang thực hiện.

Đề xuất trên đi cùng với những đề xuất khác được xem như điều kiện cần và đủ để thực hiện tín chỉ như: giao quyền tự chủ về giảng dạy cho nhà trường và giáo viên; cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của mỗi bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng; chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá học sinh; TP.HCM tự tổ chức kiểm tra và công nhận học sinh tốt nghiệp THPT...

Nhiều lợi ích khi học tín chỉ

Theo bạn đọc Đan Vy, học tín chỉ giúp học sinh tiếp thu kém có thêm thời gian để hấp thụ kiến thức. Trong khi học sinh ham học, có năng lực rút ngắn được thời gian học của bản thân và tham gia thêm các hoạt động bổ trợ khác để tự phát triển.

Đây là xu hướng nhân văn của giáo dục hiện đại, phát triển theo năng lực cá nhân để phát huy tính cơ động của xã hội, thúc đẩy phát kiến mới.

Ngoài ra, nếu làm hợp lý và có hướng dẫn phù hợp, dạy học theo tín chỉ còn nhiều lợi ích phụ khác như tận dụng được trường lớp vào mùa hè, tận dụng được năng lực của giáo viên giỏi (do việc tự do đăng ký lớp, giờ), giúp họ tăng thu nhập (lương thưởng có lẽ cũng sẽ được tính theo tín chỉ) và giải phóng phần nào giáo viên khỏi các đánh giá lượng hóa thành tích hiện nay.

"Trước mắt, tôi cho rằng nên làm thí điểm ở THPT trước và thực hiện hạn chế hơn ở THCS. Vừa làm vừa thu thập dữ liệu để phân tích, hoàn thiện kinh nghiệm, hệ thống hỗ trợ (phần mềm, chuyên gia - cố vấn) và tư tưởng xã hội trước khi áp dụng rộng rãi", bạn đọc này nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  191,359       7/633