Giáo dục

Dạy con... khó trăm bề

TTO - Nhiều ông bố bà mẹ thừa nhận dạy con là cực kỳ khó. Để dạy con tốt, họ phải học hỏi khá nhiều thứ.

Dạy con... khó trăm bề - Ảnh 1.

Đọc sách cùng con giúp cha mẹ gần gũi và chia sẻ với con nhiều hơn - Ảnh minh họa: T.TR.

Dạy con có dễ không? Nhiều phụ huynh đáp ngay: không, nhưng bù lại họ được học thêm nhiều điều, được "mở rộng tầm nhìn" từ suy nghĩ, hành động của con trẻ...

Con hư tại... cha

Trái với đúc kết có phần đổ lỗi của ông bà xưa, nhiều ông bố đã là tác nhân làm cho con trở nên... khó dạy.

Chị Ng. ở TP.HCM chia sẻ: "Do mới làm cha và có lẽ tâm lý con trai nối dõi nên anh ấy (chồng chị Ng.) đã chiều con quá mức. Thằng bé làm gì cũng được cha xem là hành vi đúng, dần dà quen được tán thưởng, không chịu nghe lời, nhất là khi đòi hỏi gì đó mà không được đáp ứng đều nằm lăn ra, khóc lóc cho tới khi được mới thôi".

Đồng cảnh ngộ, chị L., mẹ của hai đứa con 3 và 5 tuổi ở Hà Nội, cho biết: "Chồng tôi là con một nên khi anh ấy lập gia đình, tôi sinh được con, cả nhà đều cưng. Tôi rất mừng vì tình thương của gia đình chồng dành cho, nhất là lo cho cháu nội. 

Nhưng việc không cho tôi dạy con dù cháu sai, ăn nói không có chuẩn mực đã khiến các con ỷ lại, mỗi lần bị tôi la là đi méc bố, bà nội và các cô". Khi đó, không những cả nhà không nhắc các cháu mà còn tỏ ra không hài lòng với chị L..

Vì sinh con khó (sau 5 năm cưới nhau, đi nhiều nơi khám và trị, cả đi chùa cầu con) nên khi vợ sinh được con, anh H. đã mừng khôn tả. Từ đó, anh dồn hết tâm sức vào việc cưng chiều con, cô bé 4 tuổi con anh rất lanh lợi nhưng cũng... ít nghe lời. 

Anh H. đã đi tham vấn vài chương trình về dạy con, nghe chuyên gia chia sẻ và phần nào nhận ra: "Dạy con là một nghệ thuật, nếu không được học kỹ trước khi kết hôn hoặc khi bắt đầu có con, cha mẹ có thể sẽ bỡ ngỡ. Cứ nghĩ thương con thật nhiều là tốt, ai ngờ không hay".

Dạy con cũng phải học

Chị Lê Thị Lan ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) khẳng định như thế. "Thực ra, sách dạy con bây giờ có nhiều, kể cả dạy con khi còn trong thai. Chỉ có điều, nhiều ông bố bà mẹ hiện đại có lẽ ít đọc sách chăng" - chị Lan nói.

Cô Ngọc Ánh ở Thủ Đức năm nay 65 tuổi cho rằng việc dạy con là cực kỳ khó bởi tính nết mỗi con một khác. Đôi khi, vì một lần không cẩn thận, do công việc nhiều hoặc áp lực dồn tới, cha hoặc mẹ nói một lời nào đó hơi nặng, có khi gây tổn thương lâu dài cho con. 

Rồi cô kể về người bạn của mình, có ba người con (2 trai, 1 gái) nhưng chỉ vì bé lớn đủ trưởng thành để đi bộ nên người mẹ mới cho hai con trai lên xe dắt đi, hình ảnh đó "ám thị" vào cô bé 9 tuổi, khiến cô nghĩ rằng mẹ cưng con trai hơn.

Mãi đến khi đã có chồng, cô con gái vẫn còn nhắc lại chi tiết đó, nhất là những lúc bị mẹ rầy, dù được mẹ nói rõ lý do "con lớn, em nhỏ nên mẹ dắt em đi chứ không phải cưng con trai hơn". 

Vì thế, theo cô Ánh: "Cần quan sát từng biểu hiện của con mình, để tâm sự, nghe con giãi bày và mình hóa giải kịp thời. Trẻ con có những khúc mắc vô lý, điều cơ bản là người lớn giải thích cho hợp lý để tuổi thơ của con không bị những tổn thương tinh thần từ bất cứ lý do nào".

Học cách dạy con là những bài học dạng kiến thức, kỹ năng cần thiết đã được rút ra thành sách, được chuyên gia chia sẻ một cách khoa học - chị Bình, một giáo viên ở Q.8 (TP.HCM), nhận định. Do vậy, theo chị, những bố mẹ trẻ cần đọc và thường xuyên góp nhặt trên nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh để đừng áp đặt con, thường xuyên nghe con chia sẻ (dù có thể những điều các con trình bày là ngây ngô, chưa đúng).

"Khi con bạn nói rằng: con ghét mẹ, nghĩa là trẻ đã có gì đó không hài lòng với bạn. Khi con nhõng nhẽo để đòi hỏi mà bạn chiều theo thì thể nào trẻ cũng tiếp tục chiêu cũ. Con trẻ thông minh, sẽ hiểu bạn đã thương chúng bằng sự nghiêm khắc, cẩn trọng hay dễ dãi, qua loa cho có" - một người mẹ chia sẻ.

ThS tâm lý học HOÀNG MINH PHÚ (giảng viên Đại học Công nghệ TP.HCM)

Không để con ỷ lại

Để làm cha làm mẹ thì các bậc phụ huynh cần phải học hỏi khá nhiều thứ. Trẻ em thường bắt chước hành vi và ngôn ngữ của người lớn, nên cha mẹ và người lớn trong nhà cần phải hết sức cẩn trọng trong lời nói và hành vi của mình, tránh hình thành các thói quen xấu cho trẻ.

Cha mẹ cần nghiêm khắc với con, đừng bênh con khi con chưa ngoan, chưa tốt. Đừng để con ỷ lại và nghĩ rằng cha mẹ luôn bảo vệ mình dù mình làm gì sai. Nếu để trẻ có ý nghĩ đó sẽ rất nguy hiểm.

Đồng thời, khi có con và nuôi con, cha mẹ sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của mình hơn trong cuộc sống. Cha mẹ cũng học được nhiều bài học trong cuộc sống từ sự hồn nhiên, trong sáng và thơ ngây của con. Không những thế, chính sự vô tư và không phán xét, không để bụng của trẻ con trong các mối quan hệ là bài học giá trị cho cha mẹ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  264,373       1/568