TTO - Chỉ dùng năng lượng mặt trời, chiếc máy tạo nước ngọt từ nước biển do nhóm sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn sáng chế đạt hiệu suất hơn 3-5 lần so với các máy cùng loại.
Nhóm trưởng Đinh Thành Tấn và Huỳnh Quang Đạt (bìa phải) bên chiếc máy tạo nước ngọt từ nước biển nhờ năng lượng mặt trời - Ảnh: DUY THANH
Đó là nhóm Water Team, gồm bốn sinh viên khoa vật lý và một sinh viên khoa quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quy Nhơn. Đinh Thành Tấn là trưởng nhóm, các thành viên cùng nghiên cứu, chế tạo máy gồm Huỳnh Quang Đạt, Trần Thị Lệ Thi, Nguyễn Hoài Huệ và thành viên phụ trách mảng kinh doanh là Phạm Thị Ánh Tuyết.
"Nhận thấy hiện nay ở các đảo, tàu đánh cá... nhu cầu sử dụng nước ngọt rất lớn, trong khi ở những nơi này nước ngọt lại khan hiếm nên nhóm quyết định dành gần 4 tháng nghiên cứu, chế tạo sản phẩm này" - nhóm trưởng Tấn cho biết.
Chiếc máy do Water Team sáng chế trông rất đơn giản, gồm một chảo parabol làm bằng thép không gỉ, nồi chưng cất nước biển bằng thủy tinh, bơm tự động sử dụng năng lượng mặt trời để lấy nước biển vào nồi chưng cất và chất xúc tác hạt nano titan nitrua (TiN).
"Nước biển được bơm lên nồi chứa. Ánh nắng mặt trời chiếu vào chảo parabol kim loại sẽ làm nước biển trong nồi chứa nóng lên, khiến nước trong thành phần nước biển bốc hơi lên phần bên trên nồi chứa và chảy ra thiết bị đựng nước" - Quang Đạt giải thích về quá trình sản xuất nước ngọt từ nước biển của thiết bị.
Ý tưởng về sản phẩm của nhóm Water Team đã được trao giải nhì cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp" tỉnh Bình Định năm 2017.
"Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu cải tiến để tối ưu hóa sản phẩm. Chẳng hạn như gắn môtơ để chảo parabol kim loại tự động quay theo hướng ánh sáng mặt trời chiếu, tìm chất liệu đảm bảo chống ăn mòn tốt hơn, làm tăng độ sáng của gương chiếu trong parabol để cường độ năng lượng mặt trời mạnh hơn..." - Tấn cho biết.
ThS Nguyễn Hữu Hà - phó giám đốc Sở KH&CN Bình Định - nhận xét: "Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời của nhóm Water Team có ý tưởng đột phá và phương pháp mới.
Hiện nay, thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt trên thị trường đã có nhiều, nhưng thường lọc theo phương pháp màng RO, hoặc có sản phẩm gia nhiệt bốc hơi nhưng tốc độ chậm hơn. Sở KH&CN Bình Định sẽ hỗ trợ và đang kêu gọi nhà đầu tư tài trợ thêm kinh phí để nhóm Water Team hoàn chỉnh sản phẩm, tối ưu hóa hoạt động, tính toán giá thành cạnh tranh".
Điều đặc biệt của sản phẩm này, theo Đinh Thành Tấn, là nhóm đã dùng chất xúc tác TiN đưa vào trong nồi chứa nước biển, giúp sản phẩm đạt hiệu suất sản xuất nước ngọt tăng gấp 3-5 lần so với những thiết bị lọc nước biển bằng năng lượng mặt trời hiện có trên thị trường.
"Nếu chỉ sử dụng năng lượng mặt trời để nung nóng nồi hơi theo kiểu thông thường thì nhiệt độ phải đạt 80-90 độ C và nung nóng cả nồi. Còn ở sản phẩm của chúng tôi, khi năng lượng mặt trời chiếu vào nước biển có chứa TiN, vùng chất lỏng xung quanh hạt này sẽ được làm nóng cục bộ rất nhanh, ở nhiệt độ 50-70 độ C là nước đã bốc hơi. Đây chính là bí quyết giúp sản phẩm của Water Team đạt tốc độ sản xuất nước ngọt từ nước biển rất nhanh" - Tấn kể.
Theo Tấn, sản phẩm mỗi ngày hoạt động 7-8 giờ là có thể lọc được 20-30 lít nước ngọt.