Chỉ tiêu học sinh giỏi, thầy cô, cha mẹ cùng khổ
Đọc bài Bao giờ thầy cô hết ‘bở hơi tai’ chạy theo chỉ tiêu?, tôi hiểu hơn về nỗi khổ khó nói của các thầy cô và tin chắc rằng điều này không phải mọi người nhất là những nhà quản lý giáo dục không biết.
Tuy nhiên, phụ huynh có con em được thầy cô chủ động nâng điểm cũng chẳng sung sướng gì. Nói thật, thầy cô khổ sở 10 thì phụ huynh chúng tôi cũng đau đầu 10. Lý do là điểm số ảo làm học sinh mất động lực học tập nên chúng tôi càng khó dạy con em mình.
Tôi có thằng cháu năm nay đang học lớp 12. Dù rất xấu hổ nhưng phải thừa nhận là cháu lên được lớp 12 tất cả là nhờ công của các thầy cô cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thằng bé vốn ham chơi hơn ham học, lại không thuộc diện thông minh học 1 hiểu 10 nên lúc nào điểm số cũng lẹt đẹt, chỉ xếp loại trung bình hoặc yếu.
Gia đình thường xuyên nhắc nhở nhưng cháu rất ít khi học bài quá 15 phút mỗi tối, chỉ trừ hôm nào đi thi cuối kỳ. Có bắt cháu ngồi vào bàn thì cháu cũng chỉ ngồi cho có.
Kiến thức đã bị mất căn bản nên càng học lên cao càng đuối, càng nản, không biết phải học từ đâu. Có hôm buổi chiều đi thi thì sáng đó nó mới chịu lôi sách vở ra xem.
Cháu cũng từng đi học thêm ở nhà cô nhưng không cải thiện được gì vì cháu chỉ ngồi cho có chứ trong đầu không chịu học nên gia đình cho nghỉ, chỉ học phụ đạo tại trường.
Nhiều lần tôi nhắc nhở thằng bé: không ai bắt con phải đạt loại khá giỏi vì khả năng con có hạn nhưng ít ra con phải được loại trung bình thì mới được lên lớp. Nếu con cứ lười biếng, không chịu học thì chỉ có ở lại lớp thôi.
Thằng bé nghe rồi để đấy, không thèm suy nghĩ gì. Kết quả, hết năm lớp 10: bị thi lại 2 môn. Trước khi đi thi, thằng bé chỉ xem sơ sơ bài vở nhưng rồi thi cũng qua, vẫn được lên lớp 11.
Giờ thằng bé đang học lớp 12 nhưng vẫn học bài mỗi tối không quá 15 phút như xưa giờ vẫn vậy. Nó bảo chỉ cần tốt nghiệp thôi chứ không có ý định học đại học. Gia đình tôi hết cách, không biết phải làm gì với nó.
Dẫu rằng khả năng học của thằng bé chỉ ở mức yếu thôi nhưng nếu như nhà trường làm nghiêm túc việc chấm điểm, đánh giá, không cho lên lớp những em không đạt thì ít ra nó còn có một chút động lực để cố gắng thay vì cứ ỷ y rằng dù có thế nào cũng vẫn được lên lớp.
Chính vì bệnh thành tích của ngành giáo dục mà phụ huynh chúng tôi nhiều khi không biết phải làm cách nào để dạy con em mình, muốn con được ở lại lớp mà sao khó quá!
Câu chuyện vì bệnh thành tích mà nhiều học sinh bị "đẩy" lên lớp trên cứ lâu lâu lại được khơi ra khi mọi người phát hiện nhiều em đang ngồi "nhầm" lớp, lên đến lớp 6 rồi mà đọc viết chưa thành thạo.
Dư luận xôn xao một thời gian rồi mọi chuyện lại chìm xuống, đâu lại vào đấy. Giáo viên vẫn tiếp tục khốn khổ vì áp lực thành tích, phụ huynh vẫn tiếp tục lãnh đủ hậu quả vì con em mình "bị" lên lớp.
Vậy ai đang được hưởng lợi từ sự vất vả này của cả phụ huynh và thầy cô giáo?