Giáo dục

Đổi mới môn học theo hướng mở

TTO - Đây là khẳng định của GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tại họp báo công bố dự thảo các chương trình môn học và hoạt động giáo dục chiều 19-1.

Đổi mới môn học theo hướng mở - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12A7 Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM trong giờ học môn địa lý - Ảnh: NHƯ HÙNG

Hầu hết các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố đều đưa ra hướng mở. 

Có nghĩa sẽ cho phép các nhà trường, giáo viên chủ động trong thiết kế nội dung dạy học trên cơ sở bám sát chương trình và linh hoạt trong lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu dạy học khác nhau.

Chương trình môn học theo hướng mở

Đây được coi là điểm rất mới, phá bung những trì trệ, thụ động của hoạt động dạy học ở phổ thông hiện nay với thói quen "phải dạy hết sách giáo khoa" giống như pháp lệnh.

Trả lời thắc mắc của rất nhiều nhà báo về vấn đề thi cử, đánh giá, GS Nguyễn Minh Thuyết đã khẳng định: kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định tới năm 2020. Sau năm 2020, khi lớp học sinh đầu tiên học chương trình mới bước vào THPT thì kỳ thi quốc gia sẽ bắt buộc phải thay đổi.

"Bộ GD-ĐT đang giao cho một trung tâm đo lường và kiểm định giáo dục nghiên cứu phương án đổi mới thi để trình cho bộ. Phương án này phải phù hợp với những điểm mới của chương trình, giải quyết những bất cập hiện nay của việc tổ chức thi cử, đánh giá" - GS Thuyết nói.

Còn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình môn tiếng Việt/ngữ văn, cho biết: "Với môn ngữ văn, giáo viên, học sinh được tự chọn ngữ liệu khi dạy và học. 

Ở chương trình mới, khi thi cử, chúng tôi đảm bảo học sinh tiếp cận tác phẩm văn học khác nhau cũng có thể làm bài được, chỉ cần các em bám sát yêu cầu của chương trình".

Giáo viên dạy tích hợp, trải nghiệm là ai?

Khá nhiều câu hỏi tập trung vào các môn học mới tích hợp từ các đơn môn như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý (bậc THCS), hoạt động trải nghiệm.

PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, chủ biên môn khoa học tự nhiên, giải thích: "Đây là một môn học, chứ không phải ba môn vật lý, hóa học, sinh học cộng lại. 

Mạch kiến thức sẽ được tiếp nối từ tiểu học lên, nên học sinh không gặp khó khăn. Khó khăn tập trung ở các nhà trường, giáo viên khi phải xây dựng kế hoạch dạy học, chuẩn bị cơ sở vật chất và tập huấn giáo viên. 

Chúng tôi xây dựng nội dung tích hợp ở mức vừa phải để giáo viên vật lý vẫn có thể dạy được mạch kiến thức vật lý trong môn học. Tương tự như thế với môn sinh học, hóa học".

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm: "Giáo viên các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý sẽ được tập huấn như giáo viên môn học khác. Nhưng bên cạnh đó, họ sẽ được học các tín chỉ để có thể một mình đảm nhiệm được môn học". 

Như vậy, giáo viên dạy các môn học mới có thể là giáo viên các đơn môn nằm trong thành phần môn tích hợp bây giờ.

Theo GS Thuyết, ngay từ khi bắt tay xây dựng chương trình, Bộ GD-ĐT đã rà soát giáo viên từng môn, từng cấp, đánh giá việc đáp ứng yêu cầu của giáo viên, căn cứ vào đó quy hoạch mạng lưới giáo viên. 

Việc này đang làm song song với chương trình và sẽ giải quyết được những vướng mắc phát sinh khi triển khai.

PGS.TS Đinh Kim Hoa, chủ biên hoạt động trải nghiệm, khẳng định môn học này nằm trong chương trình bắt buộc, không phải tự chọn nên kinh phí nằm trong kinh phí giáo dục cho các nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đều có thể tham gia hoạt động này, tùy theo sự chủ động thiết kế chương trình trải nghiệm của các nhà trường.

Giảm tải bằng nhiều cách

"Chương trình sẽ được giảm tải" là khẳng định của các thành viên soạn thảo chương trình bộ môn và tổng chủ biên - GS Nguyễn Minh Thuyết.

Theo ông Thuyết, có nhiều cách giảm tải. Như giảm nội dung hàn lâm, không cần thiết. 

Điển hình là môn toán đã bỏ đi các kiến thức không thiết thực với học sinh hoặc quá khó, mang tính đánh đố. Ngoài ra, giảm tải từ việc tổ chức lại nội dung môn học để không bị trùng lặp.

Ví dụ, môn lịch sử sẽ chỉ dạy lịch sử qua câu chuyện gần gũi với học sinh ở tiểu học, dạy thông sử ở THCS và lên tới THPT không dạy lại kiến thức đã học ở cấp dưới...

GS Thuyết cũng cho rằng chủ trương mở, linh hoạt, giao chủ động cho các nhà trường, giáo viên và người học cũng là hình thức giảm tải. 

Người dạy, người học có thể đạt yêu cầu chương trình bằng nhiều cách khác nhau mà không bị bắt buộc phải dạy bao nhiêu nội dung kiến thức.

Sẽ có những chủ đề học tập chưa từng được dạy

Theo GS.TS Bùi Tùng - thành viên ban soạn thảo chương trình, ở bậc THPT, các môn độc lập như vật lý, sinh học, hóa học, lịch sử, địa lý sẽ được thiết kế theo các chủ đề phục vụ việc định hướng nghề nghiệp.

Trong đó sẽ có những chủ đề chưa từng được dạy trước đây, ví dụ lịch sử văn hóa (nằm trong môn lịch sử).

Với chủ đề lịch sử văn hóa, học sinh sẽ có cơ hội mở rộng hiểu biết, yêu thích các nền văn hóa và có thể được gợi mở những nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa vốn có rất nhiều nghề "nóng".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,246       1/876