Giáo dục

Cô ơi nhiệt huyết em cạn hết rồi...

TTO - 'Dạy hợp đồng 21.000 một tiết, em không đủ nuôi sống bản thân. Rồi sinh con, bị người khác thay thế. Em tính Tết xong sẽ đi làm công nhân may cô ơi'.

Cô ơi nhiệt huyết em cạn hết rồi... - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ThoughtCo

Nghề giáo - hai tiếng thiêng liêng làm nên niềm hãnh diện của bao người. Ngày xưa, thầy cô giáo cũ của tôi mỗi ngày một chút gieo vào tâm hồn chúng tôi giấc mơ trong trẻo về phấn trắng bục giảng.

Mười ba năm trước, giấc mơ ấy hóa hiện thực đầy ngọt ngào với tôi với hai tờ thông báo trúng tuyển ở hai huyện thị trong tỉnh.

Sau ngày đặt bút ký hợp đồng làm việc với phòng giáo dục địa phương, tôi bắt đầu hành trình dài hai mươi cây số đến công tác ở một trường học thuộc khu vực miền núi của thị xã. Học sinh đa số là thuần nông, chân chất, mộc mạc và nghĩa tình vô cùng.

Tám chuyến đò đưa trò sang sông, hàng trăm học sinh rời bến với bao cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Sang năm học thứ chín, tôi được chuyển công tác về một trường học ở gần nhà, con đường dạy học lật sang trang mới với những cảm xúc mới. 

Nhưng dòng ký ức về mái trường xưa, học trò cũ vẫn vẹn nguyên, lắm lúc gợn lên, bồi hồi, xao xuyến. Những cuộc điện thoại, dòng tin nhắn từ trò cũ thỉnh thoảng lại vang lên nối gần khoảng cách thầy trò. Vui nhất vẫn là nhận tin báo về sự thành công, thành nhân của trò cũ.

Có em đã là một bác sĩ răng hàm mặt mở phòng khám tư. Có em vẫn đeo đuổi việc học tại một trường trung cấp nghề. Có em đang bôn ba ở miền đất hứa Sài Gòn. Có em gọi về từ mảnh đất đầy cát và gió của xứ bạn. Và có cả cuộc gọi của trò cũ nay đã khoác áo tu hành…

Nhưng có một nỗi đau khó nói thành lời khi tôi gặp lại trò cũ, nay đã là một đồng nghiệp cùng bộ môn. Em tên Phương và trong ký ức của tôi, đó là một cô bé hiền ngoan, học giỏi đều các môn. Tôi chủ nhiệm em năm lớp 9, em lại là lớp trưởng nên cô trò gần gũi nhau vô cùng.

Mấy hôm trước, tôi tình cờ gặp em. Em mập mạp hơn trước nhiều và cao hơn cô giáo cả một cái đầu. "Lâu lắm rồi mới gặp cô, em mừng quá", em reo vui, níu chặt tay tôi. Tôi hỏi: "Em đang làm gì? Đã có gia đình chưa?".

"Một tin vui và một tin buồn cô ạ. Con gái em vừa tròn một tuổi. Và em thất nghiệp gần một năm nay". Giọng em chùng dần xuống.

"Em dạy văn giống cô đó. Em hợp đồng ở trường mình ngày xưa đó cô. Nhưng chỉ dạy được gần một năm thì em ‘mất dạy’ vì nghỉ sinh con…".

Một mớ cảm xúc hỗn độn dâng lên trong tôi. Ôi! Thất nghiệp - cơn ác mộng của bao người! Đối với cử nhân sư phạm thì cơn mộng mị lại càng u tối hơn bao giờ hết.

Tôi chỉ biết an ủi em bằng những câu từ sáo rỗng. Được dịp cởi mở nỗi lòng, em tâm sự: "Bạn bè cùng lứa với em ổn định công việc cả rồi. Mỗi đứa một nghề và đều ấm êm cửa nhà. Nhiều lúc thấy mình còn lông bông, em nản vô cùng.

Dạy hợp đồng 21.000 một tiết, em chẳng đủ nuôi sống bản thân. Rồi sinh con, chỗ dạy của mình bị người khác thế chân, gánh nặng kinh tế càng ám ảnh. Nhiệt huyết nghề giáo ngày ra trường trong em hết rồi.

Em dự định Tết xong sẽ xin đi làm công nhân may, chứ đợi việc đúng nghề sao khó quá. Giá như ngày xưa em không chọn sư phạm thì…".

Bóng em khuất dần giữa dòng người nườm nượp và háo hức chuẩn bị đón năm mới. Nhưng câu nói bỏ lửng "Giá như…" và khuôn mặt đượm buồn của em cứ mãi vấn vương trong tôi. 

Phương ơi! Cô vẫn còn lưu giữ ánh mắt biết nói của em năm xưa khi thủ thỉ "Em sẽ chọn nghề giáo giống cô" trong ký ức. Ước mơ nghề "gõ đầu trẻ" của em có lời động viên, vun đắp của cô. Vậy mà giờ đây sao bẽ bàng thế này?

Em là một trong hàng ngàn cử nhân thất nghiệp ngoài kia. Mỗi cảnh đời là một số phận buồn. Gánh nặng kinh tế, rồi áp lực tâm lý bủa vây buộc người ta phải tự xoay xở. 

Dẫu yêu nghề giáo bao nhiêu, có năng lực sư phạm thế nào đi chăng nữa thì giữa lúc thế này, cơ hội nào cho em?

Và mỗi khi hướng nghiệp cho học sinh sau bài giảng ở lớp, điểm tựa nào cho tôi truyền tình yêu nghề giáo trong lòng thế hệ trẻ?

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,259       1/876