TTO - "Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn, thay vì chỉ nói "Thế đã là cái gì?"... Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con: "Khi nào được 9.0 thì hãy khoe"...
Các bạn trẻ đang lớn rất cần sự quan tâm, chia sẻ như một người bạn từ phụ huynh - Ảnh: T.T.D.
Cuộc họp phụ huynh một lớp 7 Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) mới đây dành thời lượng khá dài cho một nội dung đặc biệt: cô giáo chủ nhiệm đề nghị các phụ huynh lắng nghe cô đọc những lá thư của học sinh.
Những lá thư đều được mở đầu bằng dòng chữ "Bố mẹ kính mến" hoặc "Bức thư gửi bố, mẹ".
Những đứa trẻ không được lắng nghe
Nhưng thực chất, những lá thư này không được gửi cho bố, mẹ, mà được chuyển cho cô giáo chủ nhiệm - nơi những đứa trẻ tin rằng chúng sẽ không bị mắng, bị đánh khi thư được đọc.
Cô Thu Hà, giáo viên chủ nhiệm, cho biết: "Một buổi sáng, khi tôi vừa đến trường, một học sinh đã chạy ào ra ôm lấy tôi. Thấy em mắt đỏ hoe, tôi liền hỏi có chuyện gì, nhưng em chỉ khóc, nghẹn ngào nói rằng chuyện liên quan bố, mẹ...
Tôi bảo em hãy viết một lá thư cho bố, mẹ nhưng chuyển cho tôi. Trong giờ sinh hoạt lớp, tôi cũng nói với các học sinh khác trong lớp như thế".
"Những đứa trẻ tuổi 14-15 có rất nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nên cần chia sẻ, hướng dẫn, cần người lớn lắng nghe, tôn trọng. Nhưng nhiều em đã không nhận được điều đó ở bố mẹ.
Và tôi trở thành điểm đến của những lá thư các em gửi đến bố mẹ, với hi vọng giúp các em giải tỏa bức xúc, tin tưởng có người ở bên mình khi khó khăn" - cô Thu Hà giải thích trước khi đọc một số bức thư.
"Con muốn được bố khen ngợi"
Không nói là thư của học sinh nào, gửi cho phụ huynh nào, cô Thu Hà chỉ đọc một số trích đoạn thư. Và hầu hết phụ huynh trong buổi họp lặng đi khi nghe chúng.
Có lẽ cả những người trong cuộc cũng không lường được hết một câu mắng trong khi tức giận, một lời so sánh con với bạn khác, những kỳ vọng quá lớn đặt vào con... lại khiến các con mang một tâm trạng nặng nề, tổn thương đến thế.
Trong một lá thư, có học sinh viết:
"Thay vì hỏi "Điểm số thế nào?", liệu bố mẹ có thể hỏi con "Sức khỏe con thế nào?" là con vui lắm rồi, vui đến phát khóc ấy chứ. Nhưng lại không phải như thế. Ngày nào con cũng phải nghe nhắc nhở là con cả thì phải làm gương, phải thế này, thế kia. Trong mắt bố mẹ, con lười biếng, không biết giúp đỡ bố mẹ.
Những lúc thi hay kiểm tra, lúc nào con cũng phải cố gắng làm tốt nhất có thể, không phải vì con yêu thích việc học mà vì con sợ.
Con sợ bố mẹ sẽ không được ngẩng cao đầu khoe con với người ngoài. Sợ bố mẹ thất vọng. Nhưng những cố gắng của con hình như không chạm tới bố mẹ thì phải, cụm từ "con nhà người ta" vẫn được mang ra để so sánh"...
Một lá thư khác với nét chữ bị nhòe, như thể được thấm đẫm nước mắt: "Bố ạ, con muốn được bố khen ngợi con nhiều hơn, thay vì chỉ nói "Thế đã là cái gì?"... Có lần con đi thi IELTS về, khi nói kết quả, bố đã bảo con: "Khi nào được 9.0 thì hãy khoe".
Bố có biết con buồn lắm không, con đã khóc rất nhiều vì không hiểu sao bố lại nói như vậy. Khóc vì con không thể đạt được 9.0 cho bố vui. Con chỉ cần bố nói: "Ừ, tốt lắm", thôi mà".
"Con muốn mẹ hiểu con hơn"
Còn đây là thư của một cậu con trai nhút nhát luôn ám ảnh với những lời mắng của bố mẹ: "Có lẽ mẹ coi con là đứa con trai hư. Đã bao lần mẹ đánh con, mẹ quát mắng con, và những khi đó con giận mẹ. Nhưng con rất yêu mẹ. Nhiều điều mẹ nói đúng, nhưng con chỉ muốn mẹ hiểu con hơn.
Mỗi khi con nói gì đó, mẹ lại cho rằng con cãi láo. Chẳng lẽ con không có quyền nói lên suy nghĩ của mình sao? Điều này khiến con buồn và ức chế.
Con chỉ là một học sinh có học lực khá, học sinh tiên tiến, một điều mà mẹ rất ghét. Con xin lỗi vì đã học hành sa sút. Nghĩ tới điều này con chỉ muốn khóc mà thôi".
Rồi ước mong của một học sinh, chỉ xin được vui chơi như bao bạn khác:
"Con rất ghét môn toán. Nhưng khi con nói như vậy mẹ lại bảo con: "Không bao giờ được ghét gì cả". Chẳng lẽ con không được nói ghét một thứ mình ghét hay sao? Dù thế con cũng vẫn cố gắng học, nhưng con cần thời gian, vì con không thể tiến bộ trong một ngày, một tuần được.
Con muốn bố mẹ cho con có cơ hội được biết nhiều thứ trong cuộc sống thay vì chỉ học. Bố mẹ có thể cho con thời gian chơi cùng bạn không?".
Những thông điệp để người lớn suy ngẫm
Trong tập thư của học sinh chuyển cho cô Thu Hà, còn có những bức thư vô cùng nặng nề. Có học sinh đã cho rằng "dù bố mẹ luôn cố tạo hình ảnh đẹp, hoàn hảo trong mắt con, nhưng hình ảnh đó giờ đã sụp đổ rồi".
Một vài học sinh còn kể về nỗi sợ hãi phải học thêm hết ca này đến ca khác. Càng học, càng áp lực, các con càng học sa sút và sợ hãi với kết quả sút kém. Có nhiều học sinh còn kể chuyện từng bị đánh chỉ vì điểm số học tập thấp...
Những lá thư là thông điệp đáng để người lớn suy ngẫm. Dĩ nhiên, những suy nghĩ của trẻ là non nớt, còn phiến diện, và các em chưa đủ chín chắn để hiểu đằng sau những lời trách mắng, những kỳ vọng, lo âu là tấm lòng của bố mẹ.
Nhưng điều này cũng cho thấy người lớn cần nghiêm túc suy xét về ứng xử của mình trước con trẻ, để thấu hiểu những cảm xúc, tâm trạng, mong muốn của con em mình.