Giáo dục

Khi học sinh lớp 10 chuyển trường

TTO - Kết thúc học kỳ 1 năm học 2017-2018, nhiều học sinh lớp 10 ở TP.HCM đã xin chuyển trường với nhiều lý do. Vì sao?

Khi học sinh lớp 10  chuyển trường - Ảnh 1.

Một tiết học môn toán của học sinh lớp 10A4 Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM. Đây là trường luôn ổn định sĩ số học sinh lớp 10 - Ảnh: NHƯ HÙNG

"Vừa thi học kỳ 1 xong, các giáo viên còn chưa làm điểm hết, chúng tôi đã nhận được hơn 10 lá đơn của học sinh lớp 10 xin chuyển sang trường khác" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 12 cho biết.

Hơn 50 học sinh chuyển trường/năm

"Đợt này, trường chúng tôi có hơn 10 học sinh xin chuyển trường, con số này đã giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm học sinh xin chuyển trường nhiều nhất là khi kết thúc năm học, có năm hơn 50 học sinh xin chuyển trường" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 7 thông tin.

Tương tự, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Gò Vấp cũng bức xúc: "Đến hẹn lại lên, cứ hết học kỳ 1 và hết năm học là học sinh lớp 10, 11 thi nhau xin chuyển trường. Tình trạng này không phải bây giờ mới xuất hiện, mà kéo dài nhiều năm nay".

Theo hiệu trưởng trên, việc chuyển trường được xem là bình thường khi mỗi năm có 1-2 học sinh xin chuyển do gia đình các em có biến động (như thay đổi chỗ ở, ba mẹ chuyển công tác, không có người đưa đón...). "Đằng này có năm trường tôi phải ký giấy cho 50 học sinh chuyển sang trường khác thì khó có thể bình thường được. Học sinh xin chuyển trường thường nêu ra rất nhiều lý do nhưng nhà các em vẫn ở chỗ cũ, gia đình các em vẫn bình thường, chỉ có nguyện vọng của các em là thay đổi!" - hiệu trưởng này nói.

Trong khi đó, một giáo viên Trường THPT Ernst Thälmann cũng chia sẻ: "Đa số các trường hợp đều xin chuyển về trường THPT khác có đầu vào cao hơn, nổi tiếng hơn, chứ rất ít trường hợp do chuyển chỗ ở. Có học sinh xin chuyển về một trường THPT cùng địa bàn quận chỉ cách trường tôi vài trăm mét".

Vì top 1, top 2, top 3...

Nguyên nhân sâu xa tình trạng chuyển trường không bình thường của học sinh THPT trên địa bàn TP.HCM chính là do cách thức tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM. Theo đó, học sinh đã tốt nghiệp THCS được đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở bất kỳ trường THPT nào mà mình muốn. Sau kỳ thi tuyển, tùy thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh của từng trường THPT và điểm số của thí sinh, sở sẽ xét duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 cho các trường THPT.

Vì vậy mới có chuyện phân chia nhóm trường THPT thuộc top 1 (top có điểm chuẩn vào lớp 10 cao nhất), top 2, top 3, top trung bình, top gần cuối, top cuối...

Và để bảo đảm có một chỗ học trong trường công lập sau khi rớt nguyện vọng 1, 2, nhiều học sinh đã chọn nguyện vọng 3 vào những trường THPT có điểm đầu vào thấp, bất chấp quãng đường đi từ nhà mình đến trường rất xa và hay kẹt xe... 

Khi có danh sách trúng tuyển, học sinh vẫn làm thủ tục nhập học, nhưng chỉ học tạm hết một học kỳ hoặc một năm học là tìm cách xin chuyển về trường THPT nổi tiếng hơn hoặc gần nhà hơn. 

Đó là do sở ra quy định: sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, học sinh không được chuyển đổi nguyện vọng với bất kỳ lý do nào. Nhưng hết học kỳ 1 hoặc hết năm học, học sinh được chuyển trường theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Mới đây, tại buổi tập huấn về tuyển sinh lớp 10, ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu tình trạng: "Hiện rất nhiều học sinh lớp 10 đang xin chuyển trường vì cho rằng trường hiện tại không phù hợp. Thống kê sơ bộ của kỳ tuyển sinh lớp 10 năm ngoái cho thấy ở quận 3 có đến 500 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký vào lớp 10 các trường tận quận 8, huyện Nhà Bè, Cần Giờ... Nhiều nguyện vọng trong số này là vô lý, bất khả thi bởi khoảng cách địa lý quá xa, học sinh không thể theo học".

Gây ra xáo trộn

Việc chuyển trường như trên xét về mặt quyền lợi của người học thì không có gì xấu, học sinh có quyền chọn lựa và học ở một ngôi trường tốt nhất mà mình mong muốn, theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh được chuyển từ trường THPT công lập này sang trường THPT công lập khác trên cùng địa bàn tỉnh, thành nếu chuyển nơi cư trú theo cha/mẹ hoặc người giám hộ; học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về gia đình, hoặc có lý do thực sự chính đáng để phải chuyển trường. Do đó, hầu hết các đơn xin chuyển trường ở TP.HCM đều vin vào trường hợp thứ hai, nhưng lý do thực chất thì đã nêu ở phần trên.

Theo một số hiệu trưởng, xét ở khía cạnh nào đó, phương thức tuyển sinh lớp 10 theo 3 nguyện vọng của Sở GD-ĐT TP.HCM đã thất bại. "Không có lý do gì một học sinh không thi đậu vào trường X cách đây vài tháng, nhưng sau một học kỳ em lại được vào học trường X đó vì lý do chuyển trường. Như vậy, kỳ thi tuyển đã không còn ý nghĩa" - hiệu trưởng một trường THPT ở quận 7 nhận định.

Không những vậy, đối với những trường có đầu vào thấp, tình trạng học sinh chuyển trường đã gây ra nhiều hệ lụy. 

Một hiệu trưởng nói: "Chúng tôi cũng rất tâm tư khi học sinh chuyển trường quá nhiều như vậy. Nó gây nên sự xáo trộn trong cơ cấu lớp học, gây ra sự dao động đối với những học sinh còn lại, gây ra sự mất tự tin đối với giáo viên. Ai cũng biết ở những trường có đầu vào thấp thì học sinh khá, giỏi đóng vai trò "lá cờ đầu" của lớp, của trường. Mà học sinh xin chuyển đi đa số thuộc dạng khá, giỏi. Công tác giáo dục học sinh sẽ khó khăn đến cỡ nào khi lớp học không có học sinh khá, giỏi?".

Hiệu trưởng bị kiện vì… không cho học sinh chuyển trường

"Chỉ cần trong lớp có một học sinh chuyển đi là những học sinh còn lại chông chênh lắm. Một mặt chúng tôi phải tìm cách nâng chất lượng giáo dục để giữ học sinh, nhưng mặt khác cũng phải giữ sự ổn định cho ngôi trường.

Thế nên quan điểm của trường chúng tôi là không cho học sinh chuyển đi nếu không có lý do chính đáng như chuyển chỗ ở, hoặc ba mẹ chuyển công tác.

Tôi từng nhận đơn kiện của phụ huynh vì không cho con em họ chuyển trường. Nếu cứ cho học sinh chuyển đi thoải mái thì trường chúng tôi mất hết học sinh".

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,521       3/1,365