Giáo dục

Liệu chương trình ngữ văn mới có 'vừa thừa vừa thiếu'?

TTO - Trong 6 tác phẩm văn học được chọn, có đến 5 tác phẩm thuộc dòng văn học trung đại, thiếu văn học dân gian - dòng văn học khởi đầu, vô cùng quan trọng.

Liệu chương trình ngữ văn mới có vừa thừa vừa thiếu? - Ảnh 1.

Thầy và trò cùng giao lưu, nhảy múa và hát ca trong buổi sinh hoạt chuyên đề "Trải nghiệm tác phẩm văn học - bồi dưỡng đời sống tinh thần và thể chất cho học sinh" của Trường THCS Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) - Ảnh: P.NGUYỄN

Theo chương trình môn học mới sắp được công bố, môn ngữ văn THPT chỉ còn 6 tác phẩm bắt buộc gồm: Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc Tuyên ngôn độc lập.

Là giáo viên văn, tôi băn khoăn với việc lựa chọn các tác phẩm này. 

Xưa nay, chúng ta nói nhiều đến giá trị của văn chương, và nghiễm nhiên ai cũng biết "văn học là nhân học", không ai phủ nhận giá trị đích thực mà văn chương đem lại. 

Học văn để hiểu được đời sống của dân ta qua nhiều thế hệ, học văn để tự hào về truyền thống của cha ông, học văn biết được nét đẹp trong tính cách và con người Việt Nam qua mỗi thời kì lịch sử...

Và tôi nhận thấy qua bản thân mình: học văn giúp con người sống tốt hơn, biết cảm nhận, sẻ chia và trân trọng những thứ xung quanh mình dù là những thứ nhỏ nhất, giúp cuộc song trở nên tươi đẹp. 

Vậy với 6 tác phẩm trọng tâm trên (còn những tác phẩm còn lại để trong phụ lục) liệu có đảm trách nổi những chức năng mà văn học xưa nay đã làm hay không? Tôi e là chưa đủ. Vì các lí do sau:

Thứ nhất,  văn - sử bất phân: Đó là nguyên tắc "bất di bất dịch" trong văn học. Mỗi tác phẩm luôn song hành, phản ánh với đời sống con người, hoàn cảnh xã hội nhất định, mỗi tác phẩm văn học luôn là một lát cắt về đời sống, tính cách của con người Việt Nam ta qua từng giai đoạn lịch sử. 

Có khi học văn, người học tái hiện lại lịch sử một cách rõ ràng, rồi từ đó người học dễ nhớ, dễ hiểu, dễ biết và đức tính tự tôn, tự hào về giống nòi được dâng lên. Như vậy, nghiễm nhiên giữa văn học và lịch sử có sự tích hợp liên môn.

Theo nhận định của TS Văn học Trịnh Thu Tuyết: "Quan sát 6 tác phẩm bắt buộc trong dự thảo chương trình ngữ văn mới, có thể thấy nội dung, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo, đặc trưng thể loại chưa thật cân đối".

Đúng như nhận định của tiến sĩ, trong 6 tác phẩm trên, có đến 5 tác phẩm thuộc dòng văn học trung đại, còn lại một tác phẩm thuộc văn học hiện đại (Tuyên ngôn độc lập).

Năm tác phẩm trung đại (Bài thơ Thần, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc), giá trị về mặt nội dung, nghệ thuật, tư tưởng của nó mang lại quá tuyệt vời. 

Trong khi đó lại thiếu văn học dân gian - dòng văn học khởi đầu, vô cùng quan trọng. Văn học hiện đại lại tiếp tục thiếu những tác phẩm trong thời kì xây dựng chế độ xã hội mới, với những con người mới, tư tưởng mới… mà đã ăn sâu vào bao thế hệ người dân Việt Nam ta.

Thứ hai, bốn trong sáu tác phẩm trọng tâm trên đã có giảng dạy ở chương trình ngữ văn THCS. 

Đội ngũ giáo viên hoan nghênh chương trình xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học, xây dựng theo định hướng mở, linh hoạt, nhằm hình thành và phát triển cách tiếp nhận văn bản, phương pháp đọc cho người học. 

Đây là phương pháp mà trong thời gian gần đây được áp dụng và ít nhiều đa phần các giáo viên đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện khi giảng dạy bốn tác phẩm trên: Bài thơ Thần (lớp 7); Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo (đoạn mở đầu) (lớp 8); Truyện Kiều với một số trích đoạn (lớp 9).

Như vậy để thấy rằng, kiến thức trên sẽ có sự lặp lại trên cơ sở nâng cao. 

Vậy tại sao những người biên soạn sách không cân nhắc kĩ lưỡng hơn nữa, nên chọn hài hòa các tác phẩm tiêu biểu trong từng thể loại, trong từng thời kì… phù hợp hơn, tránh bên thừa, bên thiếu như hiện tại.

Tập trung hơn nữa về phương pháp dạy học: Bên cạnh đảm bảo về mặt nội dung, người dạy phải rèn người học về phương pháp, để khi học sinh học xong một tác phẩm sẽ có phương pháp riêng, phù hợp với bản thân, với hoàn cảnh… để tiếp cận một văn bản văn học, cảm thụ văn học với dấu ấn cá nhân riêng, nhằm có cách nhìn riêng, tiếng nói riêng của bản thân. 

Đây là điều khó vì đa phần giáo viên ngữ văn nước ta quen với cách dạy truyền thống, áp đặt, một chiều. Và điều này không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.

Các tác phẩm khác (ngoài 6 tác phẩm trọng tâm trên) sẽ để trong phụ lục: Như thế sẽ nâng cao tính linh hoạt ở mỗi trường giảng dạy, tạo thuận lợi cho những học sinh có thiên hướng KHXH&NV, nhưng vô tình lại thiếu tính thống nhất trong người dạy và người học vì từng điều kiện cụ thể sẽ có trường chọn dạy bài này mà không dạy bài kia và ngược lại. 

Vậy thì người học khó mà nắm tổng thể của toàn bộ các tác phẩm văn học.

Từ những điểm trên, tôi cho rằng trước khi chương trình được công bố, xin Bộ giáo dục-đào tạo và những người biên soạn chương trình ngữ văn THPT hãy lắng nghe ý kiến và kịp thời sửa chữa, bổ sung phù hợp, đặc biệt là ý kiến của những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy bộ môn ngữ văn trong toàn cấp.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,510       7/1,336