Giáo dục

Chương trình phổ thông mới: lo 'nội lực' người thầy

TTO - Người thầy cần sâu kiến thức, giỏi phương pháp, mẫu mực, tâm huyết... để truyền cảm hứng học tập cho học trò.

Chương trình phổ thông mới: lo nội lực người thầy - Ảnh 1.

Sau những bài viết trên Tuổi Trẻ giới thiệu hệ thống chương trình môn học của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Tuổi Trẻ đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc là các nhà giáo. 

Phần lớn ý kiến đều tập trung ở một điểm: lo lắng người thầy không đáp ứng nổi chương trình mới. Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến của bạn đọc.

TS Nguyễn Hoàng Chương: 

Quan trọng nhất là người thầy

Trong tháng 1, theo dự kiến, Bộ GD-ĐT sẽ công bố chương trình môn học được xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (đã được thông qua). Dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT đang dõi theo vì mỗi đổi thay của ngành sẽ tác động đến hàng chục triệu học sinh, phụ huynh và tiêu tốn không ít tiền bạc của nhân dân.

Mới đây, tôi có dự tọa đàm tại khoa quản lý giáo dục Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội). Theo giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, lần này các chương trình nhằm mục đích phát triển phẩm chất, năng lực cho (mỗi) người học và giúp giáo viên, nhà trường chủ động, sáng tạo xây dựng kế hoạch dạy học. 

Mục đích này lạ về hình thức, còn nội dung thì khá quen thuộc. Chúng ta luôn hướng đến mục đích đó cho mỗi lần cải cách, thay sách trước đây, chỉ khác nhau cách diễn đạt mà thôi.

Thiết nghĩ chương trình môn học chi tiết cần được quản lý chặt chẽ. Theo đó, nên để cá nhân - tổ chức - từng địa phương biên soạn SGK (nếu có đủ điều kiện). Bộ GD-ĐT không tập trung cho việc biên soạn SGK, bộ mạnh dạn giao thì các địa phương sẽ làm được. 

Ở các vùng khó có thể liên kết với các tỉnh, thành phố có nền giáo dục phát triển, sử dụng chung SGK và thay đổi cho phù hợp với địa phương mình. Còn việc đánh giá trong quá trình (dạy - học) thuộc thẩm quyền của cơ sở giáo dục và đánh giá đầu ra thuộc thẩm quyền Bộ GD-ĐT. Trong quá trình đó, trung thực là yêu cầu đặt lên hàng đầu.

Bên cạnh đó người thầy cần được đào tạo - bồi dưỡng để thông hiểu chương trình môn học, biết vận dụng để xây dựng kế hoạch dạy học. Quan trọng hơn, người thầy phải là hình mẫu của phẩm chất (hướng đến phát triển ở học sinh): kỷ luật, sáng tạo, trách nhiệm, khoan dung... 

Không thể có khi người thầy còn ngại khó, dửng dưng, hạn chế năng lực nghề nghiệp, đồng lương tháng quá thấp, môi trường quản lý chưa thực sự công khai, dân chủ và chưa được tự chủ.

Người thầy nông kiến thức, yếu phương pháp thì hậu quả là lối dạy nặng về đọc - chép, học sinh phải học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo vở ghi và SGK. SGK dù biên soạn hay đến đâu cũng không thể phát huy được khi qua lăng kính của người thầy non kém nghiệp vụ.

Vì thế, biên soạn SGK không phải là vấn đề quá ưu tư, thời kỳ 4.0 - kiến thức được cập nhật đầy đủ trên mạng xã hội: người thầy điện tử. 

Mỗi giờ lên lớp, chúng ta lại cần người thầy mẫu mực, tâm huyết; dạy học sinh biết yêu thương, sống làm người tử tế. Và đây là điều mà người thầy điện tử không thể làm được!

Thận trọng, tôn trọng mục tiêu, xác định đúng sứ mạng - tầm nhìn của giáo dục phổ thông để lần thay đổi chương trình, SGK này thành công như mong đợi.

Hi vọng nhen lên ở lần thay đổi này.

Lê Đức Đồng (Sóc Trăng):

Cần nội lực giáo viên

Tôi rất tán thành việc đổi mới theo hướng mở của môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ lâu tôi đã có quan niệm: dạy văn là dạy cho học sinh (HS) thích học môn văn, chứ không phải càng dạy thì HS càng chán nản như bây giờ!

Chỉ cần học một số tác phẩm bắt buộc, còn lại chương trình đưa ra nhiều tác phẩm, phong phú hơn, đa dạng hơn cho giáo viên (GV) và HS lựa chọn dạy và học. Nhưng còn đó nhiều nỗi lo bởi còn nhiều bất cập trong năng lực dạy học của đội ngũ GV. Vì đội ngũ GV là yếu tố quyết định sự thành công của việc đổi mới này!

Một là việc học mở: khâu chọn tác phẩm cần có sự đồng thuận giữa GV và HS, tránh sự áp đặt từ người dạy. GV để cho HS tự chọn khi nào có sự "trùng khớp" ý kiến để dạy và học. Mặt khác, GV cũng có thể tự chọn một số tác phẩm theo "gu" của mình (theo sở trường, sở đoản) và bằng tài năng, bằng nhiệt tình để dạy cho các em "tâm phục khẩu phục".

Chắc chắn việc học văn thế này sẽ có sự phản biện, tranh luận nhiều chiều giữa GV và HS. Điều này đòi hỏi GV phải đủ bản lĩnh; có tư duy sắc bén để định hướng, dẫn dắt vấn đề. GV cũng sẵn sàng công nhận cái đúng, cái có lý của HS bởi cách học mới không có chỗ cho sự tự ái!

Hai là việc ra đề mở: kiểu đề mở sẽ đánh giá được mọi năng lực của HS. Vấn đề đặt ra là ra đề mở như thế nào, mở tới đâu và lường trước được những phát sinh trong cách hiểu, cách cảm nhận của HS. Nếu không cẩn thận, đề mở sẽ mất phương hướng và hiệu quả của việc đánh giá không cao. GV phải "cứng" mới ra được đề mở có chất lượng...

Ba là việc chấm theo đáp án mở: đây là khâu thử thách cao nhất của GV khi chấm bài theo đáp án mở này. Không đơn thuần là "đếm ý cho điểm" nữa, mà là sự đánh giá nhiều mặt; vì HS có nhiều cách thể hiện, trình bày, muôn hình muôn vẻ...

Người chấm theo đáp án mở cần có năng lực thực sự; phải "phân thân" ra nhiều tình huống, nhiều giọng điệu để đánh giá chính xác bài làm của HS.

Có ý kiến cần được tập huấn kỹ, nhưng điều quan trọng là GV tiếp thu được bao nhiêu và có năng lực đáp ứng được yêu cầu của việc đổi mới không? Vì vậy, theo tôi, nội lực của GV, năng lực thực sự của GV mới là điều cốt yếu...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,534       4/1,327