Giáo dục

Làm tròn điểm sao cho hợp lý?

TTO - Trong một kỳ thi quy mô gần 1 triệu thí sinh, đòi hỏi phải đạt độ phân cách thích hợp về điểm để đáp ứng yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH, việc làm tròn điểm vừa phải hợp lý vừa phải chính xác.

Làm tròn điểm sao cho hợp lý? - Ảnh 1.

TS Nguyễn Đức Nghĩa - Ảnh: M.K

Trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH 2017, những quy định về làm tròn điểm môn thi, làm tròn điểm bài thi, làm tròn điểm khi xét tốt nghiệp và làm tròn điểm khi xét tuyển ĐH được quy định khác nhau, nhìn chung có sự thay đổi hợp lý hơn so với năm 2015 và năm 2016.

Tuy nhiên, vẫn còn một vài quy định chưa hợp lý, cần xem xét điều chỉnh.

Làm tròn điểm môn thi và bài thi

Tuy năm 2017 học sinh lớp 12 thi theo bài thi để xét tốt nghiệp, nhưng trên thực tế các bài thi này vẫn là các môn thi độc lập. Trong 9 môn thi của 5 bài thi, chỉ duy nhất môn văn còn thi theo hình thức tự luận.

Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017, bài thi môn văn được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. 

Đối với các môn thi trắc nghiệm (8 môn còn lại), về thực chất cũng không quy tròn điểm, mà để nguyên điểm chấm theo thang quy về 10 điểm cho từng môn thi. 

Ví dụ, bài thi môn toán có 50 câu, mỗi câu đúng được 0,2 điểm. Như vậy điểm thi môn toán của thí sinh chỉ có 1 số lẻ (0, 2, 4, 6 hoặc 8). 

Còn các môn trắc nghiệm khác (lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân), do đề thi mỗi môn chỉ có 40 câu, nên mỗi câu đúng được 0,25 điểm; và điểm các môn thi này sẽ có 2 số lẻ (00, 25, 50 hoặc 75).

Tóm lại, đối với điểm của từng môn thi trắc nghiệm, không có việc làm tròn, mà là để nguyên điểm được chấm của thí sinh.

Tuy nhiên, công thức tính điểm xét tốt nghiệp lại được tính theo điểm bài thi, khi đó các bài thi tổ hợp như bài thi khoa học tự nhiên (KHTN) với 3 môn thi lý, hóa, sinh và bài thi khoa học xã hội (KHXH) với 3 môn thi sử, địa, giáo dục công dân cũng được quy về thang 10 và làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Ví dụ, thí sinh A có điểm môn lý là 6,25; môn hóa 7,50 và môn sinh 8,25; điểm bài thi KHTN của thí sinh này sẽ là 7,33. 

Khi làm tròn điểm bài thi có thể có trường hợp được lợi, có trường hợp bị thiệt, nhưng chênh lệch thiệt - lợi này khá nhỏ, không gây nên mất công bằng cho thí sinh. 

Chẳng hạn, thí sinh B có điểm môn lý là 7,25; môn hóa 7,50 và môn sinh 8,25; điểm bài thi KHTN của thí sinh này sẽ là 7,67. 

Như vậy thí sinh B được lợi 0,0033 điểm, trong khi thí sinh A thiệt 0,0033 điểm, quả là những giá trị rất nhỏ, không ảnh hưởng gì đến kết quả chung.

Làm tròn điểm sao cho hợp lý? - Ảnh 2.

Học sinh đặt câu hỏi trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2017 của báo Tuổi Trẻ. Năm nay, ngày hội được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 28-1 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Làm tròn điểm khi xét tốt nghiệp

Trên nguyên tắc, công thức tính điểm xét tốt nghiệp cũng cố gắng giữ nguyên vẹn điểm thi của thí sinh, để đạt độ chính xác cao khi xét tốt nghiệp. 

Nếu thí sinh không có điểm ưu tiên và điểm khuyến khích, thì điểm để xét tốt nghiệp của thí sinh là trung bình cộng của điểm trung bình 4 bài thi và điểm trung bình năm học lớp 12, được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Theo quy chế thi THPT quốc gia 2017, để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh không có môn thi nào bị điểm liệt, và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên. 

Vấn đề trở nên "nhạy cảm", khi điểm xét tốt nghiệp của thí sinh đạt xấp xỉ dưới 5,00 (ví dụ 4,95-4,99 điểm...) thì sẽ rớt tốt nghiệp. 

Tất nhiên, khả năng này cũng khó xảy ra khi trên thực tế điểm trung bình năm lớp 12 hiện nay khá cao, đủ để giảm thiểu nguy cơ rớt tốt nghiệp của thí sinh.

“Việc làm tròn điểm phải tạo được công bằng khi xét tuyển, tránh thiệt thòi cho một số thí sinh

Làm tròn điểm khi xét tuyển ĐH

Theo quy chế tuyển sinh ĐH 2017, điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10, đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và được làm tròn đến 0,25; cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực. 

Với quy định này, mức độ thiệt - lợi của thí sinh sẽ cao hơn nhiều so với khi làm tròn điểm bài thi. 

Thí sinh X có điểm thi môn toán 6,2; môn hóa 7,50 và môn sinh 8,25, khi xét tuyển theo khối B sẽ có điểm xét tuyển là 22 (điểm tổng thô 3 môn là 21,95). 

Nhưng thí sinh Y có điểm thi môn toán 6,6; môn hóa 7,50 và môn sinh 8,25, khi xét tuyển theo khối B sẽ có điểm xét tuyển là 22,25 (tổng điểm thô 3 môn là 22,35). Như vậy thí sinh X được lợi 0,05 điểm, trong khi thí sinh Y thiệt đến 0,1 điểm.

Thiết nghĩ, việc xét tuyển rất cần có độ chính xác và độ phân cách, việc làm tròn điểm phải tạo được công bằng khi xét tuyển, tránh thiệt thòi cho một số thí sinh. 

Các phần mềm tuyển sinh hoàn toàn có thể xử lý xét tuyển với các giá trị mức điểm chuẩn bất kỳ, không nhất thiết phải làm tròn điểm xét tuyển của thí sinh ở mức khá "thô" 0,25 điểm.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,019       1/869