TTO - Môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở bậc THCS được tích hợp từ các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Môn tiếng Việt, ngoại ngữ chú trọng kỹ năng vận dụng, thực hành...
Chiều 19-1, Bộ Giáo dục - đào tạo đã công bố dự thảo chương trình của 20 môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục sẽ được công bố rộng rãi trong hai tháng, kể từ ngày 19-1.
Ban soạn thảo chương trình sẽ tập hợp các ý kiến, góp ý và giải trình với Bộ GD-ĐT những nội dung góp ý sẽ tiếp thu và nội dung không tiếp thu.
Sau khi tiếp thu và hoàn chỉnh chương trình, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành thẩm định và dự kiến ban hành chương trình vào tháng 4-2018.
Theo định hướng chuyển từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, các chương trình môn học và hoạt động đều hướng tới việc học sinh thực hành, vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tế.
Các môn học, hoạt động cũng chú trọng phát triển các kĩ năng, phẩm chất cần thiết để học sinh có nền tảng cơ bản ở giai đoạn từ tiểu học đến THCS và tăng tính định hướng nghề nghiệp, mềm dẻo hơn trong lựa chọn môn học ở bậc THPT.
Có một số môn học tích hợp mới như môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở bậc THCS tích hợp từ các đơn môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý với thiết kế gồm những chủ đề giao thoa giữa các môn học.
Những kiến thức mang tính đặc thù của môn học khi nằm trong đơn môn sẽ được soi sáng, mở rộng qua các chủ đề liên môn được chú trọng tính ứng dụng.
Môn đạo đức, giáo dục công dân đổi mới theo hướng đưa những vấn đề gần gũi với cuộc sống, hướng học sinh có những hiểu biết và kĩ năng xử lý các vấn đề liên quan tới lối sống, ý thức pháp luật, kinh tế, ý thức về gìn giữ, bảo vệ chủ quyền dân tộc và văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Các môn trước đây được góp ý là còn "hàn lâm", xa rời thực tiễn và yêu cầu chưa hợp lý với đối tượng học sinh phổ thông cũng được điều chỉnh.
Cụ thể, môn tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ chú trọng nhiều vào kĩ năng vận dụng, thực hành. Môn Toán ngoài các khái niệm, kiến thức nền tảng cũng thay đổi để học sinh hiểu được giá trị ứng dụng Toán trong cuộc sống trên cơ sở kết hợp vơi các môn khoa học tự nhiên khác.
Chương trình mới cũng đưa hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp vào như một nội dung bắt buộc, bao gồm các nội dung học tập độc lập và xen kẽ trong môn học theo các chủ đề.
Các chương trình bộ môn được thiết kế cũng thể hiện sự tiếp thu các ưu điểm của chương trình hiện hành, đặc biệt là tiếp thu các nỗ lực đổi mới, thử nghiệm đổi mới trong thực tiễn dạy học ở phổ thông các năm qua như mô hình trường học mới (theo dự án VNEN), việc thực hiện dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Chương trình mới được biên soạn theo hướng mở cho phép các nhà trường, giáo viên và các nhóm viết sách giáo khoa linh hoạt trong sử dụng các nội dung kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu bắt buộc.
Các chương trình cũng cho phép nhà trường, giáo viên được linh hoạt trong tổ chức dạy học, áp dụng phương pháp dạy học đa dạng.
Tuy nhiên, với yêu cầu của chương trình mới, việc chuẩn bị các điều kiện dạy học, tập huấn giáo viên và đào tạo nguồn giáo viên theo yêu cầu mới là thách thức. Trong đó, thay đổi tư duy quản lý từ cấp trường trở lên là vấn đề quan trọng cần đặt ra để chương trình có thể khả thi.
Môn ngoại ngữ mới: giữ 3-4 tiết/tuần
Trả lời Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Lộc - chủ biên chương trình ngoại ngữ mới, khẳng định chương trình kế thừa những thành quả có được khi thực hiện đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.
Cụ thể, chương trình sẽ giữ nguyên 4 tiết học/tuần (lớp 4,5) và 3 tiết/tuần (với bậc THCS và THPT), nội dung chương trình bám sát 6 chuẩn năng lực Việt Nam. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các hình thức nghe, nói, đọc, viết.
Các kỹ năng giao tiếp được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp Bậc 1, khi kết thúc bậc trung học cơ sở đạt được Bậc 2 và khi kết thúc cấp trung học cơ sở đạt Bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24-1-2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo).
Chương trình ngoại ngữ là chương trình hoàn thiện sau cùng trước ngày Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo công bố dự thảo chương trình môn học và hoạt động giáo dục.