Giáo dục

'Bùng nổ' đào tạo thạc sĩ

TTO - Số nơi đào tạo thạc sĩ nở rộ trên cả nước dẫn đến nghịch lý: trường càng uy tín càng khó tuyển sinh, vì người học chỉ cần lấy tấm bằng là đủ.

Bùng nổ đào tạo thạc sĩ - Ảnh 1.

Học viên học Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong ngày tốt nghiệp. Đây là trường uy tín về đào tạo sau ĐH ở khu vực phía Nam - Ảnh: K.T.

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có 180 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô 105.801 học viên (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016). Số ĐH, học viện trong năm học trên là 235.

Tính từ năm 2010 đến nay, số cơ sở giáo dục tuyển sinh và đào tạo thạc sĩ nở rộ...

Khắp nơi tuyển sinh

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, năm 2010 trở về trước chỉ có Trường ĐH Cần Thơ đào tạo sau ĐH. Đến nay, thống kê chúng tôi có được cho thấy hầu như tất cả các trường ĐH ở khu vực này như Đồng Tháp, An Giang, Tây Đô, Nam Cần Thơ, Cửu Long, Kinh tế công nghiệp Long An... đều có tuyển sinh thạc sĩ. 

Nhiều trường ở khu vực này từ CĐ đến ĐH đã liên kết với trường khác tổ chức tuyển sinh đào tạo hàng chục chuyên ngành sau ĐH.

Đơn cử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long. Kỳ tuyển sinh cao học đợt 1 năm 2018, trường thông báo tuyển 23 chuyên ngành khác nhau với hơn 600 chỉ tiêu. Đây là các chương trình liên kết với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Vinh đào tạo. 

Tương tự, Trường ĐH Bạc Liêu cũng liên kết với các trường ĐH khác tuyển sinh 24 chuyên ngành cao học. Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Tiền Giang, Cửu Long cũng liên kết với ĐH miền Bắc, miền Trung tuyển sinh sau ĐH. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang cũng là điểm tiếp nhận hồ sơ, nơi học tập của nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ...

Ở Đông Nam Bộ (trừ TP.HCM), năm 2010 chỉ có Trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Bình Dương đào tạo thạc sĩ. Đến nay có 8 đơn vị đào tạo thạc sĩ (2 đơn vị liên kết). Còn ở TP.HCM và Hà Nội, hầu như trường ĐH nào cũng có tuyển sinh đào tạo thạc sĩ...

"Né" trường tuyển khó

Chính việc "bùng nổ" các chương trình, trường đào tạo thạc sĩ thời gian qua đã dẫn đến một điều nghịch lý: trường càng uy tín càng khó tuyển sinh. 

Thống kê từ ĐH Quốc gia TP.HCM cho thấy từ năm 2012 đến nay, lượng học viên nhập học bậc sau ĐH tại các trường thành viên giảm rất mạnh. Cụ thể, năm 2012 đơn vị này có 10.000 thí sinh dự thi. Đến năm 2017 chỉ còn 2.912 thí sinh đăng ký dự thi/3.683 chỉ tiêu.

Cũng so sánh hai năm kể trên, số thí sinh đăng ký thạc sĩ vào các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM như Trường ĐH Bách khoa giảm 6 lần; ĐH Khoa học tự nhiên giảm 3 lần; ĐH Công nghệ thông tin giảm 8 lần, ĐH Kinh tế - luật giảm 6 lần... Số lượng thí sinh đăng ký dự thi thạc sĩ trong các năm gần đây đều thấp hơn so với chỉ tiêu.

Tương tự, số thí sinh dự thi cao học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng liên tục giảm những năm gần đây. Thời đỉnh điểm, số lượng thí sinh dự thi cao học ở trường này cả chục ngàn người, nhưng trong kỳ tuyển sinh đợt 2-2017 chỉ có hơn 1.700 thí sinh dự thi. 

Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tình trạng cũng tương tự. Năm 2011, trường này tuyển được 3.053 học viên cao học theo học tại 32 chương trình đào tạo thạc sĩ. Và cả hai đợt tuyển sinh năm 2017 trường chỉ tuyển được khoảng 800 học viên cao học, chỉ bằng 1/4 so với cách đây 6 năm.

Theo đánh giá của ĐH Quốc gia TP.HCM, số lượng thí sinh sau ĐH giảm có một số nguyên nhân chính như số trường ĐH đào tạo thạc sĩ tăng nhanh kể từ năm 2010. Nếu so các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ của ĐH Quốc gia TP.HCM và các trường ĐH bên ngoài, số ngành trùng là 48%. 

"Số lượng thí sinh đăng ký học cao học tại ĐH Quốc gia TP.HCM sụt giảm nghiêm trọng do có quá nhiều trường đào tạo thạc sĩ. Trong đó có nhiều trường tuyển sinh dễ, điều kiện ngoại ngữ không cao nên thu hút nhiều người đi học vì mục tiêu kiếm bằng hơn nâng cao kiến thức" - một cán bộ ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá.

Tuyển thạc sĩ dễ hơn... đại học

Hai năm 2016 và 2017, Trường ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) không tuyển được thí sinh nào cho bậc ĐH chính quy. Tuy nhiên, dù chỉ tuyển sinh một ngành thạc sĩ là quản trị kinh doanh, nhưng sáu năm qua không khóa nào trường tuyển dưới 200 học viên.

Có bằng là được

Hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho hay nhiều người chọn học thạc sĩ để làm giảng viên ĐH. Do tâm lý chỉ có bằng là được nên nhiều người bỏ qua các trường thi đầu vào khó, học nghiêm túc, chuẩn đầu ra và yêu cầu tiếng Anh cao để tìm đến các trường đầu vào, đầu ra dễ hơn.

"Nhiều nơi vẫn coi trọng tấm bằng hơn năng lực, nên nhiều người vẫn đổ xô đi học thạc sĩ. Trường tôi thông báo rõ cho cán bộ nhân viên trong trường bằng thạc sĩ một số trường được chấp nhận, chứ không phải cứ có bằng là được" - vị này nói thêm.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,891       1/259