Giáo dục

Lớp học 'hạnh phúc' đông kỷ lục

TTO - Môn 'tâm lý học và cuộc sống tốt' lần đầu được dạy ở ĐH Yale (Mỹ) mới đây đã khai giảng với 1.182 sinh viên. - đông kỷ lục.

Lớp học hạnh phúc đông kỷ lục - Ảnh 1.

Giảng đường hơn 1.000 sinh viên đăng ký môn học 'tâm lý học và cuộc sống tốt' - Ảnh: New York Times

Trong lịch sử hơn 300 năm của trường, đây là môn học đông sinh viên đăng ký nhất. Việc này gây bất ngờ với cả chính GS Santos (42 tuổi) - người thiết kế môn học. 

GS Santos lý giải: "Sinh viên có thời gian dài đánh đổi hạnh phúc cho mục tiêu vào đại học khi còn học trung học và gặp các vấn đề khủng hoảng tâm lý khi học ở một trường nổi tiếng như ĐH Yale. Họ muốn thay đổi để bản thân được hạnh phúc hơn.

Tham gia khóa học, sinh viên có những thói quen tốt, chịu khó bày tỏ lòng biết ơn, ít để việc đến ngày mai, tăng cường các mối quan hệ xã hội thực sự (không phải trên mạng xã hội)".

Một báo cáo của hội đồng Trường ĐH Yale năm 2013 cho thấy hơn một nửa sinh viên hệ đại học cần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần trong thời gian học. 

Alannah Maynez (sinh viên năm nhất, 19 tuổi) trả lời báo New York Times: "Trên thực tế nhiều người trong chúng tôi rất lo lắng, căng thẳng, không vui vẻ hoặc lãnh đạm. Lớp học như thế này có lợi ích rất lớn đối với những sinh viên mỏi mệt và kiệt quệ về cảm xúc - cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhờ môn học này, các bạn có thể tập trung vào công việc và những mục tiêu mới".

Sinh viên ĐH Yale từ lâu đã đề nghị nhà trường mở lớp về tâm lý học tích cực. Con số 1.182 sinh viên tham gia - làm bất ngờ tất cả mọi người - đã nói lên được nhu cầu thực này. Hầu hết các môn học khác ở ĐH Yale đều không vượt quá 600 sinh viên. 

Lớp học này phải cần đến 24 trợ giảng. Môn học tập trung vào tư duy tích cực, những tính cách cho phép con người thăng hoa cảm xúc, thay đổi hành vi để ứng dụng những gì được học vào cuộc sống. Sinh viên cũng phải làm bài kiểm tra, thi giữa kỳ và bài thi cuối kỳ là "một kế hoạch thay đổi bản thân".

Quy mô quá lớn của lớp học khiến GS Santos không thể giám sát liệu sinh viên có làm những bài tập thực hành như "hành động tử tế" hoặc "tạo một mối quan hệ mới" hay không. 

Tuy nhiên, môn "tâm lý học và cuộc sống tốt" có vẻ là một "lớp học khó nhất ở Yale" vì để nhìn thấy những thay đổi thực sự trong thói quen sống, mỗi sinh viên phải phấn đấu từng ngày. 

Trong khi đó, những giá trị mà sinh viên ĐH Yale liên hệ với sự thỏa mãn cuộc sống thường là: đạt điểm cao, có chỗ thực tập tốt, có việc làm lương cao. Theo GS Santos, "đó là một quan niệm sai lầm, những điều này không làm tăng hạnh phúc".

Sẽ sớm có trên hệ thống học trực tuyến

Tại ĐH Harvard (Mỹ), năm 2006 môn "tâm lý học tích cực" cũng thu hút đến 900 sinh viên. Tuy nhiên, môn học của GS Santos tại ĐH Yale có điểm khác biệt là tập trung cả vào việc thay đổi hành vi. GS Santos cho biết sẽ không mở lại môn học vào những học kỳ sau vì:

"Một lớp quá đông sẽ lấy bớt sinh viên của những môn học khác và quá khả năng đáp ứng của đội ngũ giáo viên và nguồn lực". GS Santos cho biết các bài giảng và tài liệu đã được quay phim và sẽ sớm có mặt trên hệ thống Coursera - học trực tuyến miễn phí với tên gọi "Khoa học của chất lượng sống".

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,839       1/259