Giáo dục

Học sinh làm khu bán hàng miễn phí cho người dân tộc

TTO - Đi xin kinh phí, tự đổ đất san mặt bằng, phụ hồ, lợp mái tôn…các em học sinh Trường THPT Trường Chinh đã xây khu bán hàng miễn phí cho người dân.

Học sinh làm khu bán hàng miễn phí cho người dân tộc - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Trường Chinh đang làm khu bán hàng cho người dân - Ảnh: TẤN NGỌC

Khu bán hàng nằm trong chợ nhỏ đường Nguyễn Thái Học, thị trấn Chư Sê, là món quà học sinh Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) dành tặng đồng bào dân tộc. Đầu tháng 1-2018, khu vực bán hàng miễn phí này (rộng 5m, dài 12m) đã xây dựng xong.

Chuyện bắt nguồn sau khi dạy tác phẩm Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, cô giáo Đinh Thị Phương Chi cho học sinh làm bài tập trải nghiệm chụp ảnh "Những cảnh đời cơ cực quanh em". 

Trong quá trình tìm hiểu về những cảnh đời cơ cực quanh em, học sinh thấy tình cảnh những người phụ nữ dân tộc thiểu số ngồi bán hàng ven đường ở khu chợ cũ, đường Nguyễn Thái Học (tổ dân phố 1, thị trấn Chư Sê). 

Họ không có điều kiện thuê chỗ bán trong chợ nên phải ngồi ngoài đường, gây cản trở giao thông, phải hít khói bụi, thực phẩm bán cũng nhiễm khói bụi nên không an toàn.

Từ đó, các bạn học sinh mong muốn họ có chỗ bán hàng văn minh, lịch sự trong chợ. Với sự hướng dẫn của cô giáo, các em đã liên hệ với quản lý chợ và chủ mảnh đất sát chợ (đang để trống) và được đồng ý cho xây dựng khu vực bán hàng miễn phí cho đồng bào dân tộc.

Tiếp đó, học sinh đi bán hàng để lấy kinh phí, đi xin sự ủng hộ của các nhà hảo tâm được 9 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã ủng hộ nhiệt tình. Học sinh tham gia dự án đã trực tiếp đổ đất san mặt bằng, phụ hồ đổ nền, phụ làm khung sắt, lợp mái tôn…

Theo kế hoạch, từ tháng 1 đến tháng 4-2018, học sinh sẽ phân công nhau hướng dẫn các mẹ, các chị biết cách bán hàng để tăng thu nhập.

"Nhà trường mong muốn qua dự án này, học sinh biết trân trọng cuộc sống mình đang có, hiếu thảo với cha mẹ, biết quan tâm đến cộng đồng. Nhờ trải nghiệm và hiểu biết xã hội, các em sẽ giảm hành vi tiêu cực, bạo lực, tránh xa lối sống ích kỷ, thực dụng" - cô Đinh Thị Phương Chi nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,800       1/259