Giáo dục

Đề tham khảo khó, học và làm bài thế nào để điểm cao?

TTO - Nhiều giáo viên tỏ ra lo lo với đề thi tham khảo THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, vì hầu hết các môn thi đều khó hơn năm trước.

Đề tham khảo khó, học và làm bài thế nào để điểm cao? - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 CV Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tham khảo đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được Bộ Giáo dục - đào tạo công bố - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cụ thể với môn văn, đa số giáo viên ở TP.HCM đều nhận định: đề minh họa khó hơn đề thi năm 2017, nhưng phù hợp với thực tế dạy và học hiện nay.

Đề văn: khó hơn nhưng hợp lý

Theo cô Hoàng Thị Thu Hiền - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, đề minh họa môn văn hợp lý, có những câu hỏi cơ bản để học sinh đạt điểm trung bình và khá mà không phải tốn quá nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, đề thi vẫn dành "đất dụng võ" cho những thí sinh giỏi văn, điều này thể hiện rõ nhất ở câu nghị luận văn học. Câu hỏi này không ra những tiểu tiết có tính chất đánh đố mà hướng vào trọng tâm, linh hồn của tác phẩm, tạo hứng thú cho người viết.

Còn theo cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, đề thi minh họa môn ngữ văn năm nay bám sát chương trình - SGK, có tính phân hóa cao hơn các năm trước. Đề bao gồm phần đọc hiểu và làm văn. 

Phần làm văn gồm yêu cầu tạo lập văn bản nghị luận xã hội, nghị luận văn học (trong đó có 30% là phần kiến thức của cả lớp 11). Việc đưa kiến thức lớp 11 vào đề thi là điểm mới của tất cả các bài thi năm nay.

So với đề thi năm trước, câu hỏi nghị luận trong đề minh họa này khó hơn. Tuy nhiên, vấn đề đưa ra cũng gần gũi với học sinh. Các em chỉ cần có kỹ năng làm bài tốt, biết cách vận dụng, so sánh những vấn đề trong cuộc sống thực tế mà mình hiểu biết và bày tỏ mạch lạc, thuyết phục suy nghĩ cá nhân là có thể đạt điểm tối đa ở câu hỏi này.

Đề lịch sử: 80% kiến thức lớp 12

Cô Lê Thu - giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội - cho biết: đề thi minh họa môn lịch sử gồm 40 câu, được chia làm hai phần nội dung: lịch sử Việt Nam (70%) và lịch sử thế giới cận hiện đại (30%). Trong đó kiến thức lớp 11 có 8 câu (20%) và kiến thức lớp 12 có 32 câu (80%). 

Đề minh họa này được xây dựng theo ma trận đề hợp lý, bám sát chương trình học và các mức độ nhận thức, xoáy vào những vấn đề trọng tâm nhất. Phần kiến thức lớp 11 tương đối cơ bản, nếu đã nắm chắc kiến thức sẽ giải quyết dễ dàng.

"Các em học sinh cần phân bổ thời gian ôn tập khoa học, sử dụng các phương pháp học tập hiện đại, những vấn đề trọng tâm và khó cần lập bảng biểu, vẽ sơ đồ tư duy, tiến trình lịch sử" - cô Thu nói thêm.

Đề tham khảo khó, học và làm bài thế nào để điểm cao? - Ảnh 2.

Cô trò lớp 12CV Trường THPT Gia Định, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trao đổi về đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đề địa lý: kiến thức lớp 11 hơi nhiều

Cô Nguyễn Thị Mai - tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM - cho rằng: "Có 8/40 câu hỏi thuộc phần kiến thức lớp 11 là hơi nhiều. Vì học sinh phải học phần kiến thức cuối học kỳ 1 và toàn bộ học kỳ 2 của chương trình lớp 11 mới làm được 8 câu đó. 

Tuy vậy, đề thi năm nay cũng có điểm mới là cho nhiều câu hỏi có liên quan đến atlat: 10/40 câu. Đây là những câu giúp học sinh gỡ điểm để có thể tốt nghiệp THPT".

Đề GDCD: câu hỏi nâng cao nhiều hơn

Cô Vũ Thị Bích Thúy - tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - nhận định: "Đề minh họa năm nay khó, đưa ra nhiều tình huống thực tế, câu hỏi nâng cao cũng nhiều hơn năm trước. 

Đề thi có hơn 20% câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là vừa phải và chấp nhận được. Với đề thi dạng trên, học sinh cần bổ sung kiến thức thực tế nhiều hơn, suy nghĩ thấu đáo và thận trọng trước khi chọn đáp án cho những tình huống".

Đề sinh: cần đa dạng các câu hỏi

Theo thầy Nguyễn Quang Minh - tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM, đề môn sinh có 8/40 câu hỏi thuộc chương trình lớp 11 là hợp lý. 

Cơ cấu đề có 10 câu dạng cơ bản, chỉ cần học bài là làm được; 10 câu phân hóa cao dành cho những học sinh khá, giỏi; số câu còn lại thuộc dạng thông hiểu và vận dụng thấp là khá ổn.

"Chỉ mong đề thi chính thức sẽ có những câu hỏi đa dạng hơn, khơi gợi sự tư duy ở thí sinh. Chứ trong đề minh họa tôi đếm có 16/40 câu thuộc dạng "có bao nhiêu phát biểu sau đây là đúng?" thì chưa hay lắm" - thầy Minh nói.

Đề hóa học: 50% câu hỏi ở mức độ dễ

Theo thầy Phạm Thanh Tùng - giáo viên thuộc hệ thống giáo dục trực tuyến tuyển sinh 247.com, đề minh họa môn hóa học có 18 câu hỏi về hữu cơ, 22 câu về vô cơ với tỉ lệ điểm tương đương 4,5-5,5 trên tổng điểm 10. 

Trong đó tỉ lệ câu dễ chiếm 50%. Các câu hỏi có tính phân hóa khoảng 8 câu (chiếm 20%), còn lại là mức trung bình, khá. Nội dung đề thi chủ yếu là lớp 12. Trong đó mảng lý thuyết không có nhiều câu mang tính phân hóa. Tuy nhiên, thí sinh cần chú ý những câu hỏi nhận định đúng - sai và chọn số lượng.

Với đề thi minh họa này, hướng ôn tập của học sinh là tập trung bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình - SGK lớp 12, nắm vững lý thuyết. Phần kiến thức lớp 11 có trong đề thi chỉ là tiếp nối từ lớp 11 sang lớp 12. 

Ngoài ra, học sinh cần làm thành thạo các dạng bài tập từ dễ đến khó có liên quan tới kiến thức thuộc chương trình hóa học lớp 12 và các chuyên đề trọng tâm của lớp 11.

"Nếu học sinh muốn đạt điểm tối đa thì cần lưu ý thêm các dạng câu hỏi khó hoặc câu hỏi gây tranh cãi như dạng bài chọn số lượng, phát biểu đúng - sai; dạng bài về giá trị gần đúng nhất; dạng bài về thí nghiệm, thực hành..." - thầy Tùng phân tích.

Đề vật lý: có sự thay đổi về cơ cấu đề

Theo thầy Đoàn Hồng Hà - tổ phó tổ vật lý Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, đề thi minh họa năm nay có sự thay đổi về cơ cấu - số câu cơ bản tương đương số câu nâng cao. Cơ cấu này nhằm phân loại thí sinh rõ ràng hơn, đáp ứng mục tiêu tuyển sinh ĐH và CĐ.

Trong đó đề thi có hơn 10% câu hỏi thuộc chương trình lớp 11. Nhưng để giải quyết được số câu hỏi này, thí sinh phải nắm vững toàn bộ chương trình lớp 11.

"Tuy nhiên, đề minh họa vẫn còn những câu hỏi hàn lâm mang tính đánh đố về mặt toán học. Chúng tôi vẫn mong chờ những câu hỏi vật lý thực tế để học sinh vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề của cuộc sống" - thầy Hà hi vọng.

Đề toán: phải nắm vững lớp 12, ôn lại lớp 11

anh_hoctoan

Thầy trò lớp 12 Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM trong tiết học môn toán - Ảnh: N. Hùng

Thầy Trần Văn Toàn - tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie, TP.HCM - nhận định: "Đề minh họa môn toán năm nay khó hơn đề thi chính thức môn toán THPT quốc gia năm 2017. Nếu như đề thi năm trước có 30 câu thuộc dạng cơ bản thì đề minh họa năm nay chỉ còn 20 câu cơ bản, mà học sinh trung bình có thể làm được.

Trong số 50 câu hỏi thì đề minh họa có 20 câu thuộc dạng phân loại thí sinh. Mức độ khó của những câu này cao hơn so với năm trước. Thêm nữa, đề thi có khoảng 11 câu thuộc kiến thức chương trình lớp 11, nhưng thí sinh phải học và nắm được gần như toàn bộ chương trình lớp 11 mới có thể giải được những câu này. Những câu hỏi còn lại cũng bao quát toàn bộ chương trình lớp 12.

Nói chung, thí sinh năm nay sẽ rất vất vả khi phải nắm vững chương trình lớp 12 và ôn lại toàn bộ chương trình lớp 11 để đi thi THPT quốc gia.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,771       1/259