Giáo dục

Lập trình game cho trò học toán, hóa, sử...

TTO - Không chỉ giúp học trò học và ôn kiến thức toán, hóa, sử, game này còn giúp các em tiếp cận với hình thức thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia.

Lập trình game cho trò học toán, hóa, sử... - Ảnh 1.

Học trò giới thiệu dự án cho khách nước ngoài đến tham quan triển lãm - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Với tiêu chí giúp học trò thoải mái trong việc tiếp cận và ghi nhớ kiến thức, thầy Lê Chân Đức (Trường Trung học Thực hành ĐH Sư phạm TP.HCM) đã thiết kế và lập trình game mang tên "Đấu trường huyền thoại" với đồ họa, giao diện đẹp mắt cùng cách thức chơi đơn giản, dễ hiểu.

Đây là một trong số 168 sản phẩm vào chung kết cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2017-2018".

Nhập game, người chơi sẽ chọn khối kiến thức mà mình muốn thực nghiệm, như toán, lý, hóa, sử, địa... Các kiến thức này sẽ được chia theo lớp. Mỗi thử thách là một câu hỏi với 4 đáp án: A-B-C-D.

Cấu trúc game bao gồm: đánh đôi trực tuyến (người chơi có thể so tài kiến thức của mình với bạn chơi khác); đánh với máy (tự kiểm tra kiến thức của bản thân); tham gia sự kiên nhận quà và tích lũy kinh nghiệm điểm thưởng để tăng level.

Với khối lượng kiến thức rộng và sâu đã được thầy Đức tham khảo, chắt lọc từ sách giáo khoa, đề thi trắc nghiệm của các bộ môn, đồng nghiệp và các nguồn trên mạng... trò chơi còn giúp học trò tiếp cận với hình thức thi trắc nghiệm của kỳ thi THPT QG của Bộ GD-ĐT đồng thời kích thích sự hứng thú của các em.

Trong tương lai, thầy Đức dự định sẽ cải tiến game, bổ sung mini game và nguồn tài liệu tham khảo cho học sinh, mở rộng kiến thức cho hầu hết các môn học và các cấp học...

Tương tự, thầy trò Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q.8) đã thực hiện dự án "Học vật lý qua trò chơi". Các em học sinh lớp 8 đã dựa vào những định luật, quy tắc vật lý để chế tạo các trò chơi như tên lửa nước, lon phát sáng nhiều màu sắc, mô hình các loại động vật dễ thương và nhiều màu sắc có thể đứng cân bằng trên mọi địa hình...

"Chúng em cũng nhau tự tìm hiểu các quy tắc chế tạo trò chơi. Trò này dựa theo định luật gì, hoặc trên quy tắc kia có thể làm được những gì. 

Ngoài ra, chúng em còn tổng hợp lại kiến thức và cách thức làm các trò chơi vào một cuốn cẩm nang hướng dẫn được viết bằng song ngữ để các bạn khác cũng có thể tự chế tạo trò chơi cho mình. 

Khi làm những trò chơi này, em thấy môn vật lý thú vị hơn hẳn, em có thể áp dụng nó vào rất nhiều thứ trong cuộc sống" - Huỳnh Thuận Duy, lớp 8/11 chia sẻ.

Trồng rau sạch cho gia đình

gv sang tao 2

Cô Phạm Thị Vân (Trường Tiểu học Nguyễn Huệ Q.1) giới thiệu dự án "Rau mầm cho mẹ" - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Đứng trước một vườn rau mầm be bé, xinh xinh cùng những hộp nhựa đựng sản phẩm rau mầm đã được sơ chế, cô Bùi Thị Ngọc Dung - Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1) giới thiệu về dự án Rau mầm cho mẹ: "Khi dạy môn tự nhiên-xã hội, tôi rất mong muốn các em được trải nghiệm thực tế, được trồng cây xanh, được tiếp xúc với thiên nhiên hay các thí nghiệm.

Tuy nhiên điều kiện không cho phép, nên tôi quyết định hướng dẫn các em trồng rau mầm cho gia đình. Cách trồng rất đơn giản lại ít tiện lợi ít tốn kém. Các em có thể quan sát sự phát triển của cây trồng đồng thời biết được cách chăm sóc cây như thế nào là tốt".

Khi được tự tay trồng rau, sơ chế sạch sẽ và mang về cho mẹ chế biến thành các món ăn cho cả gia đình, các em học sinh lớp 3 vô cùng hứng thú và tự hào. Các em ngày ngày chăm sóc cho vườn rau bé nhỏ của mình.

Cô Dung chia sẻ: "Ngoài dạy những kiến thức về tự nhiên-xã hội, tôi muốn các bé hình thành cho mình tình yêu thiên nhiên, thói quen trồng cây và giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà như nấu ăn, dọn dẹp..."

1.132 sản phẩm dự thi

Dự án "Cho em tuổi thơ" của cô Võ Thị Như Nhi (Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), dự án "Chinh phục tương lai" của thầy Âu Thái Ngọc (Trường THCS Sương Nguyệt Anh, Q.8), dự án "Trong tiếng Việt, sáng hồn Việt" của cô Trịnh Thị Minh Hương (Trường THPT Phú Nhuận) đã giành giải nhất hạng mục Dạy học theo dự án của cuộc thi "Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin cấp thành phố năm học 2017-2018".

Thầy Âu Thái Ngọc đồng thời giành giải nhất hạng mục Phần mềm và trang web cho giáo dục, với sản phẩm "Website hướng nghiệp dành cho học sinh THCS".

Ở hạng mục Thiết kế bài giảng trên bảng tương tác, bài giảng "Máy tính - người bạn tốt" của cô Nguyễn Hồng Trâm, "Hệ sinh thái" của cô Lê Phạm Mộng Hằng, "Cấu tạo chất - Thuyết động học phân tử chất khí" của cô Nguyễn Thị Kim Vân đã vượt qua hơn 30 bài giảng trong vòng chung kết để giành giải nhất.

Năm nay, hai hạng mục được bổ sung là Thiết kế bài giảng điện tử E-Learning và Thiết kế bài giảng trên phần mềm MS PowerPoint với giải nhất thuộc về các cô: Đặng Thị Cẩm Loan, Nguyễn Thị Phương Thanh, Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Thị Kim Thanh, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Trần Thị Phương Diệp.

Theo ban tổ chức, số lượng bài dự thi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm 2016-2017, với 1.132 sản phẩm tham gia. Ban tổ chức đã chọn ra 168 sản phẩm vào vòng chung kết, triển lãm vào ngày 21-1 tại Trường ĐH RMIT.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,982       2/878