TTO - Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên trung học, cơ sở vật chất thiếu thốn... là 'bài toán' ngành giáo dục phải đối mặt khi chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý GD, Bộ GD-ĐT trao đổi tại hội nghị - Ảnh: VĨNH HÀ
Hội nghị trực tuyến triển khai xây dựng và chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình SGK mới được UBND TP Hà Nội tổ chức vào ngày 20-1.
Thiếu thốn cơ sở vật chất, lúng túng, mơ hồ về kế hoạch tập huấn, bố trí giáo viên cho chương trình mới... là băn khoăn chung của nhiều hiệu trưởng, giáo viên tại hội nghị trên.
Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên trung học
Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, trước mắt không có nhiều biến động về giáo viên khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng kết quả rà soát giáo viên ở bậc tiểu học cho thấy có nhiều môn học mới ở bậc học này sẽ thiếu rất nhiều giáo viên.
Cụ thể, theo lộ trình triển khai chương trình mới từ năm 2021 đến 2024 thì mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung 2.000 giáo viên tiếng Anh và 2.000 giáo viên Tin học.
Theo tính toán, mỗi năm bình quân có 2% giáo viên tiểu học nghỉ hưu, tương đương với 7.940 giáo viên. Như vậy số được tuyển mới bổ sung hàng năm sẽ khoảng 3.940, cộng với mỗi năm tuyển mới 3.900 tăng quy mô, trung bình mỗi năm sẽ phải tuyển mới khoảng 7.000 giáo viên.
Ở bậc THCS, bình quân một năm có 2% giáo viên nghỉ hưu, tương đương với 6.219 giáo viên. Giáo viên tuyển bổ sung thay thế nghỉ hưu là 3.110, cộng với số tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 1.250. Nhưng hiện nay giáo viên THCS đang dư thừa (tùy theo môn học) là 9.246. Vì thế, việc tuyển dụng giáo viên ở bậc học này cần phải xem xét thận trọng, chỉ tuyển giáo viên cho các môn học thiếu.
Tương tự ở cấp THPT, theo tính toán số giáo viên tuyển mới thay thế nghỉ hưu hàng năm khoảng 1.507, cộng với số tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250. Nhưng theo rà soát hiện bậc học này còn thừa 8.874 giáo viên. Bài toán giải quyết tình trạng thừa giáo viên ở một số môn học sẽ khiến các địa phương đau đầu.
Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương xem xét ưu tiên tuyển trên 5.000 giáo viên dạy môn nghệ thuật, gồm 2.700 giáo viên Âm nhạc và 2.700 giáo viên Mỹ thuật để đón trước việc dạy chương trình mới vào năm 2021.
Trao đổi tại hội nghị trên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng việc sắp xếp giáo viên chuẩn bị cho thực hiện chương trình mới cần lưu ý tránh những khoảng hẫng có thể xảy ra.
Cụ thể là các giáo viên chỉ còn 1-2 năm là nghỉ hưu thì chỉ nên bố trí dạy ở các lớp cuối cấp và vẫn dạy theo chương trình cũ, trong khi các lớp đầu cấp đã học chương trình mới. Còn nếu sắp xếp không khéo, để số giáo viên này đón dạy lớp học sinh học chương trình mới đầu tiên thì 1-2 năm sau sẽ phải đối phó với tình trạng phải thay thế giáo viên nghỉ hưu.
Trả lời băn khoăn của một số hiệu trưởng tại Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng tư vấn: các nhà trường cần cố gắng sắp xếp giáo viên hiện có để đảm nhiệm chương trình mới ở các môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
"Không thể cho các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học nghỉ dạy để tuyển giáo viên mới được đào tạo dạy tích hợp môn Khoa học tự nhiên.
Để các giáo viên có thể đáp ứng việc dạy học môn tich hợp từ các đơn môn, ban soạn thảo chương trình đã tính toán để có các bước đảm bảo yêu cầu ở mức độ khác nhau. Song song đó sẽ thiết kế lộ trình tập huấn và đào tạo bổ sung giáo viên", GS Thuyết nói.
Ưu tiên đủ phòng học cho tiểu học
Theo số liệu Bộ GD-ĐT trao đổi tại hội nghị, điều kiện về phòng học, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học còn thiếu so với yêu cầu của chương trình mới.
Cụ thể nhiều địa phương còn thiếu phòng học để đảm bảo học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Về phòng học bộ môn, cấp THCS mới chỉ đạt tỷ lệ 66,8% so với quy định, cấp THPT là 72,8%.
Thiết bị dạy học tối thiểu ở tiểu học mới chỉ đạt 56%, cấp THCS đạt 55%, cấp THPT đạt 58%. Thiết bị trong phòng học bộ môn mới đáp ứng 68% yêu cầu.
Hiện trung bình 2,1 trường tiểu học mới có một phòng máy tính để học tập, ứng dụng công nghệ thông tin, cấp THCS là 1,3 trường/phòng máy, cấp THPT là 1,9 trường/phòng máy. Thiết bị dạy học ngoại ngữ, thư viện trường học cũng thiếu nhiều.
Theo ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và thiết bị trường học của Bộ GD-ĐT, để đón trước việc triển khai chương trình mới, các địa phương cần phải đầu tư có trọng điểm, ưu tiên đủ phòng học cho bậc tiểu học và ưu tiên xây dựng bổ sung phòng học bộ môn cho bậc trung học.
Trong đó, những môn học nhất thiết cần sử dụng phòng học bộ môn sẽ được ưu tiên đầu tư trước về thiết bị dạy học.
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm 2024 sẽ ban hành chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý; ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất cả nước. Trong đó, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới.
Hiện Bộ GD-ĐT giao các trường sư phạm trọng điểm xây dựng mới 50 chương trình đào tạo thống nhất trong cả nước. Các trường sư phạm này cũng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu và lộ trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.