TTO - Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật hiện nay khá nhập nhằng, đọc mà không biết vị trí của trường ĐH như thế nào, và ĐH tư có phải là doanh nghiệp?
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, phát biểu tại hội thảo - Ảnh: M.G.
Thời gian qua, hệ thống trường tư thục phát triển tốt hơn nhưng cũng còn nhiều vấn đề tồn tại, do các văn bản pháp luật chưa đầy đủ"
Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
Hội thảo "Hoàn thiện chính sách, pháp luật về ĐH tư thục" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22-1 tại TP.HCM đã thu hút nhiều ý kiến của nhiều trường ĐH tư thục, chuyên gia.
Các ý kiến cho rằng quy định trong dự thảo Luật giáo dục ĐH (lần thứ 4) đối với trường ĐH tư thục vẫn còn ít, thiếu thống nhất và chưa đề cập đến nhiều vấn đề nóng của trường tư thục hiện nay.
Bà Nguyễn Lan Hương - phó vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch và đầu tư) - đặt vấn đề có xem ĐH tư thục là doanh nghiệp hay không.
Theo bà, vì né tránh việc coi ĐH tư thục là doanh nghiệp nên các quy định liên quan đại hội đồng cổ đông không thống nhất, có điều khoản giống Luật doanh nghiệp, có điều khoản lại không giống.
"Dự thảo Luật giáo dục ĐH sử dụng một số điều của Luật doanh nghiệp, nhưng chưa đầy đủ và không thống nhất. Cần phải làm rõ ĐH tư thục là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện" - bà Hương nói.
Cùng quan điểm này, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho rằng Luật giáo dục ĐH cần xác định trường tư thục là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện.
Dự thảo luật hiện nay khá nhập nhằng, đọc mà không biết vị trí của trường ĐH như thế nào. Thực lực của một trường ĐH là đội ngũ giảng viên, nhưng hiện tại trong luật lại không đề cập đến vấn đề này.
Tỉ lệ sinh viên học ĐH tư thục tại các nơi - Nguồn: Tài liệu của TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến tại hội thảo. Đồ họa: TẤN ĐẠT
Đại diện các trường ĐH tư thục như Hoa Sen, Văn Lang... cho biết thực chất các hoạt động của trường cũng tương tự như một doanh nghiệp. Các quy định trong dự thảo về đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, tỉ lệ bầu bán còn nhiều nội dung chưa rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế.
GS Nguyễn Lộc - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng các vấn đề của ĐH tư thục trong Luật giáo dục ĐH được trình bày rải rác và xen lẫn với ĐH công lập, chưa phản ánh được tầm quan trọng của ĐH tư thục.
Ông đề nghị cần có một chương riêng về ĐH tư thục để có các quy định chi tiết, nhất quán và hệ thống hơn. Nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia đã có luật giáo dục ĐH tư thục từ rất lâu.
Còn PGS.TS Trương Quang Mùi - chủ tịch HĐQT Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn - nhận xét: "Dự thảo luật có những điều vênh. Không thương mại hóa, nhưng lại nêu có lợi nhuận và không lợi nhuận".
Bước lùi so với 10 năm trước
Theo các đại biểu tham gia hội thảo, nhiều năm qua hệ thống các trường tư thục phát triển ì ạch và có dấu hiệu chững lại. Các văn bản pháp lý liên quan, kể cả dự thảo Luật giáo dục ĐH sửa đổi, cũng chưa đề cập đến các vấn đề nóng của ĐH tư thục. Nghị quyết năm 2005 của Chính phủ nêu rõ đến năm 2020, 40% sinh viên theo học tại các trường tư thục. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 13,8%.
TS Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2012, bình quân một năm có 20 trường ĐH, CĐ được thành lập. Cứ 1 trường tư thục thành lập thì có 3 trường ĐH công lập ra đời. Nghị quyết 2005 nêu giải pháp đổi mới công tác quy hoạch phát triển mạng lưới ĐH, chuyển cơ sở giáo dục ĐH bán công và một số cơ sở giáo dục công lập sang loại hình tư thục.
"Thực tế quy hoạch 10 năm qua đã diễn ra theo chiều ngược lại, với sự bùng nổ của các cơ sở giáo dục công lập. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường CĐ, ĐH giai đoạn 2006-2020 không còn chỉ tiêu nào liên quan đến định hướng phát triển giáo dục ĐH tư thục. Đây là bước lùi so với 10 năm trước đây" - ông Tiến nói.
Một trong những vấn đề bất cập chưa được dự thảo luật đề cập là bình đẳng công - tư. TS Tiến nhấn mạnh: "Có một nguyên tắc chung trong khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH tư thục là đối xử bình đẳng về vị thế, quyền lợi của giảng viên và sinh viên giữa trường tư và trường công".