Giáo dục

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh

TTO - Sáng 28-1, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp trở lại với học sinh tỉnh Thanh Hóa. Bất chấp mưa rét, trên 6.000 học sinh đã có mặt tại trường THPT Hàm Rồng.

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh - Ảnh 1.

Học sinh tại Thanh Hoá vui nhộn tại ngày hội để tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018. Ảnh : CHÍ TUỆ

Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do Báo Tuổi trẻ, phối hợp với Bộ GD-ĐT, sở GD-ĐT Thanh Hóa và Tỉnh Đoàn Thanh Hóa tổ chức, với sự đồng hành của VinGroup.

PGS-TS Trần Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD-ĐT, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Cục GD nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh & xã hội, tham dự và  trực tiếp tư vấn tai chương trình. 

Ban tư vấn của chương trình tại Thanh Hóa có trên 20 thầy, cô giáo đến từ nhiều trường ĐH ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, khẳng định các chương trình tư vấn tuyển sinh trong bốn năm nay đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh học sinh và các thầy, cô giáo trên địa bàn tỉnh. Việc cung cấp thông tin kịp thời đã góp phần đáng kể giúp các em học sinh  lựa chọn nghề nghiệp đúng với năng lực, sở thích, đẩy mạnh việc phân luồng sau THPT trên địa bàn tỉnh.

Trên 20 trường ĐH-CĐ có gian tư vấn riêng trong khuôn khổ chương trình tư vấn bắt đầu tiếp đón học sinh từ trước 7h sáng. 

Hy vọng lớn vào vùng tuyển sinh nổi tiếng hiếu học này nên nhiều trường từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng đã có mặt để trực tiếp cung cấp thông tin, giới thiệu về trường, ngành đào tạo của mình, trong đó có nhiều ĐH, trường ĐH, học viện có "thương hiệu" như các trường thành viên của ĐHQGHN, Học viện Tài chính, trường ĐH Ngoại thương, trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Hàng hải VN….

Mặc dù được hút vào các gian tư vấn riêng từ sớm, nhưng 8h sáng, hàng ngàn học  sinh đã tập trung ở sân khấu tư vấn chung để lắng nghe những thông tin từ ban tư vấn của chương trình về những điểm mới về kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ, những thay đổi về định hướng ra đề thi năm nay, phương thức tuyển sinh với các quy định về số lượng nguyện vọng, về tổ hợp môn thi, thời gian công bố quy chế tuyển sinh chính thức…

"Chỉ là món phở" 

Nhiều học sinh muốn làm rõ hơn các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính Ngân hàng và nhiều ngành khác thuộc khối kinh tế có sự khác nhau thế nào? Cụ thể là mỗi ngành đó đào tạo gì? Ra trường thì làm được các công việc nào?  

Ví von một cách hài hước, PGS-TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế quốc dân nói " giống như món phở thì khác nhau về vị, nhưng đều là phở. Ví dụ phở Nam Định khác phở Hà Nội. Nhiệm vụ của học sinh muốn quan tâm tới khối ngành kinh tế là phải biết thế nào là phở. Rồi sau đó mới tùy theo sở thích chọn phở Nam Định hay phở Hà Nội.

 TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng phòng đào tạo Học viện Tài chính, thì nhận xét những băn khoăn của các em học sinh là dễ hiểu vì có khá nhiều ngành gần nhau trong khối ngành kinh tế.

"Nhóm ngành có xu hướng chuyên sâu hơn nên các ngành gần nhau thì có khối lượng kiến thức nền tảng. Phông kiến thức nền tảng ở đại học rất rộng. Trong khối ngành kinh tế, khối lượng kiến thức nền tảng chiếm 70% tổng khối lượng phải học tập, còn 30% là kiến thức chuyên sâu. Vì thế thí sinh nếu học tốt kiến thức nền tảng thì sau này vẫn có thể làm các công việc khác nhau trong khối ngành kinh tế, hoặc nếu muốn tốt nghiệp hai ngành thì chỉ cần học thêm phần kiến thức chuyên sâu của ngành thứ hai"- TS Nguyễn Đào Tùng chia sẻ.

Các thầy, cô tư vấn ở khối ngành Kinh tế cho rằng việc các em học sinh tiếp cận được thông tin và trao đổi kĩ lưỡng với các thầy, cô giáo rất có ý nghĩa với việc lựa chọn ngành học và phương thức học tập sau này.

Đố vui về hai cầu thủ Bùi Tiến Dũng - Bùi Tiến Dụng

Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội- nhân văn, sư phạm, báo chí, công an, quân đội đã được "hâm nóng" khi TS Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn tuyển sinh của Báo Tuổi Trẻ, phó trưởng khoa Công tác thanh niên Học viện Thanh Thiếu niên VN - đưa ra phần đố vui với phần thưởng là cuốn sách tự khám phá bản thân cho thí sinh có câu trả lời đúng nhất, nhanh nhất về hai cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam đến từ quê hương Thanh Hoá.

Những cánh tay đồng loạt giơ lên để xướng tên hai anh em cầu thủ Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng.

Dư âm của U23 vẫn còn tiếp diễn nếu TS Phạm Mạnh Hà không khéo léo chuyển sang nội dung tư vấn. Và độ nóng đã được chuyển sang khối ngành công an, quân đội.

Đại uý Tống Sơn Huy - cán bộ tuyển sinh Học viện Cảnh sát nhân dân - cho biết dự kiến các trường công an, quân đội sẽ không tuyển sinh hệ dân sự. Mặc dù vậy vẫn nhiều học sinh bày tỏ sự quan tâm tới các trường công an, quân đội và hỏi kĩ về những điều kiện để được tuyển sinh.

Các thầy đại diện cho khối trường công an, quân đội đều cho biết khi vào công an, quân đội vào môi trường rèn cho các em về sức khoẻ, tác phong, nguyên tắc làm việc. Đó là những điều đặc thù mà các trường khác không thể rèn giũa bằng các trường công an, quân đội. Đây là hành trang giúp thí sinh vào đời có thể thích nghi tốt với nhiều môi trường, kể cả những môi trường làm việc khó khăn.

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh - Ảnh 2.

PGS-TS Trần Anh Tuấn - Phó vụ trưởng vụ GD Đại học tư vấn cho các em học sinh Thanh Hoá về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 - Ảnh : CHÍ TUỆ

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh - Ảnh 3.

Các em học sinh tại Thanh Hoá nghe những giải đáp các thắc mắc từ các chuyên gia, khách mời về tuyển sinh hướng nghiệp 2018. - Ảnh : CHÍ TUỆ

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh - Ảnh 4.

Tổ tư vấn nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng... giải đáp những thắc mắc của các em học sinh Thanh Hoá - Ảnh : CHÍ TUỆ

Thanh Hóa: sôi động với hàng ngàn học sinh - Ảnh 5.

Dù có mưa nhưng rất đông học sinh đã có mặt tại ngày hội để tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 - Ảnh : CHÍ TUỆ

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,755       1/259