Giáo dục

Cho con nghe nhạc Mozart nhưng lại khuyên con nên kiếm tiền

TTO - Đây là một cuộc tọa đàm hiếm hoi bàn về sự tưởng tượng, điều mà ít được quan tâm đúng mức trong xã hội Việt Nam.

Mặc dù cha mẹ ngày nay đã hiểu về vai trò của sự tưởng tượng. Họ cho con nghe nhạc Mozart để kích thích não của đứa trẻ. 

Nhưng sau này lớn lên, đứa trẻ có bày tỏ ước mơ được trở thành Mozart thì chả có mấy cha mẹ ủng hộ. Họ sẽ khuyên con học ngành nào kiếm được nhiều tiền hơn.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang

Tưởng tượng đại diện cho sự phi lý, vô tổ chức hay là những dòng thác ý tưởng, tràn đầy sáng tạo? Tưởng tượng có vai trò như thế nào trong đời sống?

Xã hội cần sự tưởng tượng

Từ câu hỏi nói trên, Trung tâm Văn hóa Pháp đã xây dựng Đêm Ý tưởng 2 - Tọa đàm Khi tưởng tượng lên ngôi: vị trí của hoạt động sáng tạo trong xã hội.

Hai diễn giả Pháp: giáo sư Alain Patrick Olivier, giáo sư Arnaud Mercier đều cho rằng sự tưởng tượng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển trong xã hội.

Cho con nghe nhạc Mozart nhưng lại khuyên con nên kiếm tiền - Ảnh 2.

Tọa đàm Khi tưởng tượng lên ngôi tại Trung tâm Văn hóa Pháp hôm 25-1 - Ảnh: L'ESPACE

Ở Pháp vào năm 1968 đã có những phong trào sinh viên, với khẩu hiệu "Khi tưởng tượng lên ngôi". Đó là một chủ đề  sau đó đã được thảo luận sâu sắc trong xã hội Pháp. Nhưng ở Việt Nam, xã hội chưa thực sự quan tâm đến vai trò của sự tưởng tượng trong đời sống.

Giáo sư Arnaud Mercier nhận định hầu hết các hệ thống giáo dục ngày nay đều mới chỉ dạy học để con người tái tạo lại các ý tưởng hay, chứ chưa giúp được họ sáng tạo.

Vị giáo sư đầy nhiệt huyết này cho rằng giới trẻ Việt Nam đang sống trong giai đoạn công nghệ phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi.

Các bạn hãy luôn khát khao khám phá, luôn tò mò để phát triển sự tưởng tượng, từ đó mới tiến tới sáng tạo. Hãy quan sát mọi thứ xung quanh, học hỏi, chắt lọc, tái tạo những cái hay và phối kết hợp nhiều thứ để sáng tạo nên cái của riêng mình.

Giáo sư Arnaud Mercier

Cho con nghe nhạc Mozart nhưng lại khuyên con nên kiếm tiền - Ảnh 4.

Giáo sư Arnaud Mercier (đứng) trình bày quan điểm của mình - Ảnh: L'ESPACE

Giáo sư Alain Patrick Olivier cho rằng giáo dục phải tích hợp sự tưởng tượng, để liên tục đổi mới. Ở thời công nghệ, đưa trí tưởng tượng lên ngôi sẽ là một cuộc cách mạng.

Trước ý kiến phản biện của Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, cho rằng thời đại số với quá nhiều thông tin khiến cho con người có cảm giác cái gì cũng biết, và bị thui chột dần ý tưởng sáng tạo.

Giáo sư Arnaud Mercier cho biết ngoài những mặt trái thì internet đã đem lại cơ hội tiếp cận kiến thức một cách công bằng cho nhân loại. Và việc của con người là phải học được cách sử dụng kho kiến thức đó hiệu quả thay vì lệ thuộc vào nó.

Cần có sự tưởng tượng để thấu cảm

Góp mặt trong tọa đàm, tác giả Thiện, Ác và Smart phone Đặng Hoàng Giang tiếp tục đưa ra khái niệm thấu cảm, khái niệm đã từng gây ra rất nhiều tranh luận tại Việt Nam. Theo Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang khái niệm này liên quan chặt chẽ đến sự tưởng tượng.

Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang kể câu chuyện nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành vào thời kì Hiệp định Paris có hiệu lực (1973), đã chụp bức ảnh người lính Cộng hòa khoác vai người lính Quân giải phóng tại Quảng Trị. Đó là khoảng thời gian hai bên đình chiến, họ tạm không còn coi nhau là kẻ thù.

Cho con nghe nhạc Mozart nhưng lại khuyên con nên kiếm tiền - Ảnh 5.

Giáo sư Alain Patrick Olivier và Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang - Ảnh: L'ESPACE

Điều gì đã xảy ra trong óc họ, nếu không phải là họ đã dùng sự tưởng tượng của mình để tưởng tượng về suy nghĩ của người kia. Khả năng tưởng tượng cơ bản là để thấu cảm cảm xúc của người khác. Nếu không có khả năng này con người sẽ vô cảm. Không ai muốn sống trong xã hội vô cảm cả.

Ông Đặng Hoàng Giang

Ông Giang cũng lấy ví dụ về một thanh niên sắp chết đuối ở một cái hồ tại Đà Nẵng đã không được mọi người cứu vì cho rằng anh ta bị "ngáo đá", không đáng được sống.

Ví dụ này cho thấy khi con người thiếu sự thấu cảm "sẽ dễ quy chụp, dán nhãn người khác, họ coi con người hoặc tốt, hoặc xấu chứ không thể là cả hai".

Tác giả này cũng cho rằng hiện trí tưởng tượng không được khuyến khích phát triển ở Việt Nam, và người Việt bị rơi vào trạng thái lưỡng phân.

Với tư cách là một nghệ sĩ độc lập, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương cho rằng trước khi có khả năng thấu cảm người khác, thì các cá nhân phải hiểu được chính bản thân mình.

Cho con nghe nhạc Mozart nhưng lại khuyên con nên kiếm tiền - Ảnh 7.

Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương - Ảnh: L'ESPACE

Nghệ sĩ này đặc biệt đề cao tính cá nhân. Trước câu hỏi của một khán giả, than thở về một môi trường không ủng hộ cho sự tưởng tượng và sáng tạo, Diệu Hương cho rằng sứ mệnh của nghệ sĩ là phải đi đến cùng ý tưởng của mình.

Chị cho rằng sáng tạo phải trở thành lẽ sống của nghệ sĩ, thay vì nghĩ nếu không có đủ điều kiện thì tôi sẽ không sáng tạo.

Cuối buổi các diễn giả đều chia sẻ quan điểm để trí tưởng tượng của con người được bay bổng cần có môi trường kích thích đam mê sáng tạo.

Đó là môi trường con người có quyền biểu đạt tư tưởng của mình, được tôn trọng, được chấp nhận vì họ khác biệt. Nếu không xã hội sẽ chỉ tạo ra những con người đúc khuôn.

Đêm ý tưởng do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Laurent Fabius khai mạc lần đầu tiên vào năm 2015 và được tổ chức lần thứ 3 vào ngày 25-1 năm 2018 trên toàn thế giới.

Chủ đề năm nay do Viện Pháp tại Paris lựa chọn Khi tưởng tượng lên ngôi.

Các diễn giả tham gia cuộc tọa đàm tại Đêm ý tưởng tổ chức hôm 25-1 tại Hà Nội gồm: Giáo sư Alain Patrick Olivier, bộ môn triết học, Đại học Nantes; Giáo sư Arnaud Mercier, bộ môn truyền thông chính trị, Trường Đại học Paris 2; Tác giả Đặng Hoàng Giang; Nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương. Chương trình do ông Étienne Rolland-Piègue, Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam dẫn dắt.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  187,467       7/1,148