Giáo dục

Những tiết học 'đón tết' của học sinh Hà Nội

TTO - Đó là tiết học mà ngoài học sinh có cả bố mẹ, hoặc ông bà cùng các thầy cô. Người lớn dạy con trẻ những công việc chuẩn bị để đón tết theo văn hóa truyền thống.

Những tiết học đón tết của học sinh Hà Nội - Ảnh 1.

Một phụ huynh dạy các em học sinh gói bánh chưng trong "tiết học cuối năm" của trường THPT Phan Huy Chú - Hà Nội - Ảnh: VĨNH HÀ

Không chỉ có một lịch nghỉ tết thông báo qua sổ liên lạc điện tử như nhiều trường phổ thông khác, những tiết học ý nghĩa, vừa chơi vừa học, trải nghiệm, quan sát nhưng cũng để suy ngẫm là các món quà mà một số trường THPT đã cố gắng tổ chức cho học sinh của mình.

Dạy gói bánh chưng, bày ngũ quả

Gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả cúng tổ tiên và cắm bình hoa bày phòng khách trong dịp tết là những việc mà các em học sinh trường THPT Phan Huy Chú thực hiện.

Mỗi nhóm học sinh của một lớp có một người lớn hướng dẫn. Đó là bố, mẹ hoặc ông bà. Nhưng người lớn chỉ góp ý, tư vấn còn các em học sinh phải tự làm mọi việc. Tất cả được diễn ra trên sân trường vào một tiết học cuối năm có tên gọi "Xuân yêu thương".

"Không dừng ở việc tổ chức một hoạt động vui chơi, chúng tôi muốn các bậc phụ huynh cũng bớt chút thời gian để dạy con về "nếp nhà", muốn học sinh biết phải làm gì giúp bố mẹ và từ đó thấy tết ý nghĩa hơn ở sự chia sẻ với người thân", cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú, người thiết kế nội dung chương trình, cho biết.

Những tiết học đón tết của học sinh Hà Nội - Ảnh 2.

Cắm một bình hoa ngày tết là việc đơn giản nhưng không phải học sinh nào cũng biết làm nếu không tạo cho các em một cơ hội để thử - Trong ảnh, học sinh HN thi cắm hoa trong buổi học cuối năm - Ảnh: VĨNH HÀ

"Tôi hay trách con chẳng biết làm gì giúp mẹ nhưng không nghĩ rằng nhiều khi phải hướng dẫn, hoặc tạo cơ hội để con cùng làm với mình. Cách tổ chức của nhà trường như thế này khiến tôi thấy bố mẹ bận rộn quá mà quên mất việc đó. 

Nhiều khi mình cứ làm luôn, nhanh hơn là giao việc hay hướng dẫn nên bọn trẻ không biết làm những việc đơn giản, cũng không hiểu ý nghĩa của việc chuẩn bị tết", một bà mẹ vừa hướng dẫn các học sinh lớp 11 đặt lá vào khuôn bánh vừa chia sẻ.

Theo thầy hiệu trưởng Hà Xuân Nhâm, năm nào thầy cũng là người trông nồi bánh chưng tại trường suốt đêm. 

Khi vớt bánh các thầy, cô trực nồi bánh chưng phải bật cười vì có chiếc bánh vuông, có cái méo, có chiếc thì cả bốn góc đều bị thòi cả nhân ra ngoài do học sinh chưa có kinh nghiệm gói bánh chặt tay. 

Nhưng những chiếc bánh vuông, tròn, méo mó đó có thể là chiếc bánh đầu tiên trong đời những cô, cậu bé 16-17 tuổi tự làm được. Ý nghĩa là ở điều đó nên dù nó chưa thật hoàn hảo thì cũng đáng quý.

Nhiều học sinh lớp 10 trường Phan Huy Chú thích thú vì lần đầu biết gói bánh chưng như thế nào. 

Em Thùy Linh cho biết nhờ chương trình này của trường mà biết bày mâm ngũ quả ngày tết và ý nghĩa của các loại quả theo quan niệm truyền thống như thế nào. Linh cho biết lớp em có các bác phụ huynh dẫn từ cách mua trái cây thế nào là tươi, ngon và có đủ các màu đẹp mắt.

"Năm nay con sẽ trổ tài bày ngũ quả cho mẹ con", một nữ sinh chia sẻ sau khi hoàn thành mâm ngũ quả của lớp mình dưới sự hướng dẫn của một mẹ.

Tái hiện không gian văn hóa

Ở một số trường tại Hà Nội như THPT Phan Huy Chú, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, trong "tiết học cuối năm" còn có các phần thi hoặc trình bày hiểu biết về các phong tục ngày tết.

Những tiết học đón tết của học sinh Hà Nội - Ảnh 3.

Trò chơi kéo co trong "không gian hội làng" do trường phổ thông liên cấp Olympia HN tổ chức - Ảnh: THANH PHÚC

"Chúng tôi sẽ tìm những câu hỏi giản dị, gần gũi nhưng liên quan tới tết cổ truyền để các em học sinh tự trình bày hiểu biết của mình và thầy, cô chia sẻ để các em hiểu hơn. Ví như vì sao nhiều gia đình Việt Nam cúng cơm mời tổ tiên ba ngày tết, các tục lệ xông nhà, lì xì đầu năm có ý nghĩa thế nào? Tại sao ngày tết kiêng nói tục, chửi bậy, khi gặp nhau thì nên chúc nhau những điều gì?", cô Nguyễn Thị Thu Anh, hiệu trưởng trường Nguyễn Tất Thành cho biết.

Những tiết học đón tết của học sinh Hà Nội - Ảnh 4.

Một cảnh trong "chợ tết" được thầy, trò trường phổ thông liên cấp Olympia thực hiện - Ảnh: THANH PHÚC

Trường phổ thông liên cấp Olympia tái hiện cả một "hội làng", trong đó các em học sinh vận dụng nhiều kiến thức văn học, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa dân gian và kĩ năng xã hội để thực hiện các yêu cầu của chương trình. 

Các em học sinh tự tổ chức và thực hiện phiên chợ quê với món ăn dân dã, viết câu đối, vẽ tranh Đông Hồ, tổ chức các trò chơi dân gian như bắt chạch trong chum, ô ăn quan, đập niêu, kéo co, cướp cờ, tái hiện không gian "trường làng" với việc dạy các bài ca dao, tục ngữ… 

Các phụ huynh thăm quan không gian sẽ được xem nhật kí thực hiện dự án của học sinh để biết quá trình chuẩn bị thực hiện của các em như thế nào. Những khó khăn mà các em học sinh đã phải nỗ lực vượt qua để thực hiện.

Tại trường THPT Yên Hòa, Hà Nội các em học sinh có một trải nghiệm đặc biệt với tên gọi "Ký ức mậu dịch". Những hình ảnh do học sinh tái hiện, hoặc trình diễn đã cho những người từng sống ở thời bao cấp trước đây một cảm giác thú vị, từ những bộ trang phục của các năm 80-90 đến các hình ảnh, thói quen, đặc biệt là không khí Tết của "thời mậu dịch".

Những tiết học đón tết của học sinh Hà Nội - Ảnh 5.

Trang phục những năm 90 do học sinh trường THPT Yên Hòa, HN trong tái hiện kí ức thời bao cấp - Ảnh: T.THỦY

"Tôi muốn các em học sinh biết đến một thời khó khăn của ông bà, cha, mẹ mình trước đây và trân trọng những điều các em đang có bây giờ. 

Ngoài ra, cái tết "thời mậu dịch" tuy khó khăn nhưng lại ấm áp tình người, cũng là một giá trị tích cực mà các em học sinh thời hiện đại cũng nên biết", cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa, nói về ý tưởng tái hiện kí ức mậu dịch.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,856       1/259