Giáo dục

Tốc độ tăng trưởng của đại học Việt Nam quá chậm

TTO - Bảng xếp hạng đại học mới nhất của tạp chí Times Higher Education không có trường Việt Nam nào. Các chuyên gia nói gì về điều này?

Tốc độ tăng trưởng của đại học Việt Nam quá chậm - Ảnh 1.

So với các nước, năng lực nghiên cứu khoa học của các ĐH Việt Nam còn yếu. Trong ảnh: sinh viên ĐH Quốc gia Singapore trong phòng thí nghiệm - Ảnh: Y.T.

Nhận định chung của chuyên gia là các ĐH Việt Nam cần cải thiện năng lực nghiên cứu khoa học.

PGS.TS NGUYỄN HỘI NGHĨA (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM):

Công trình khoa học giá trị tầm quốc tế còn yếu

Tạp chí Times Higher Education có bộ tiêu chuẩn riêng đánh giá, xếp hạng các trường ĐH, trong đó nhấn mạnh tiêu chí số bài báo đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.

Trong khi đó, việc đăng các công trình khoa học có giá trị tầm quốc tế Việt Nam rất yếu. Số nhà khoa học Việt Nam có đăng bài báo trên các tạp chí khoa học này cực hiếm. 

Một điểm yếu nữa của ĐH Việt Nam là định vị trong xã hội, việc tạo nguồn lực từ xã hội, gắn với xã hội của trường ĐH. 

Thực tế, việc chuyển giao công nghệ, bán sản phẩm nghiên cứu cũng như thu hút tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ xã hội của các trường ĐH Việt Nam còn rất yếu. 

Điều này lý giải việc không có trường ĐH nào của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng hơn 350 trường ĐH ở châu Á năm nay của Times Higher Education.

PGS.TS ĐỖ VĂN XÊ (nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ):

Cần cải thiện năng lực nghiên cứu

Mỗi tổ chức đánh giá, xếp hạng ĐH có tiêu chí riêng tùy theo mục đích của tổ chức đó. Nhiều tổ chức xếp hạng ĐH đưa ra những tiêu chí đánh giá các trường ĐH Việt Nam không có thế mạnh, nên việc trong một số bảng xếp hạng ĐH không có trường nào của Việt Nam cũng là điều dễ hiểu.

Theo tôi, không nên quá xem trọng xếp hạng ĐH, vì bản thân việc xếp hạng này rất khó để đánh giá chính xác năng lực của trường ĐH. 

Chúng ta chỉ nên dùng những kết quả xếp hạng này để tham khảo, quan trọng hơn là cần chú ý đến mục đích của trường là gì và xem mình đã đạt được điều đó hay không.

Tuy nhiên, một vấn đề mà ĐH Việt Nam cần cải thiện so với các trường ĐH trên thế giới là năng lực nghiên cứu khoa học. 

Ở các trường ĐH trên thế giới, việc nghiên cứu khoa học thường thực hiện theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hoặc của nhà nước. Vì vậy, khi có kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng ngay. Trong khi việc nghiên cứu ở các trường ĐH Việt Nam chủ yếu để lấy điểm công trình là chính.

Các đại học được xếp hạng ra sao?

Bảng xếp hạng của The Times Higher Education dựa vào các tiêu chí như giảng dạy, nghiên cứu, truyền đạt kiến thức và triển vọng quốc tế. Nhờ vào yếu tố toàn diện, đây là một trong những bảng xếp hạng được các sinh viên tương lai chú ý đến.

Trong khi đó, bảng xếp hạng đại học thế giới Quacquarelli Symonds (QS World University Rankings) của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Anh quốc dựa vào 4 tiêu chí: nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế. Đây cũng được đánh giá là một trong những bảng xếp hạng có uy tín và ảnh hưởng hàng đầu thế giới.

Do các tiêu chí và cách thu thập thông tin đánh giá khác nhau nên các bảng xếp hạng có nhiều khác biệt.

Chẳng hạn giai đoạn 2015-2016, QS xếp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ đứng đầu thế giới, ĐH Cambridge đứng đầu Vương quốc Anh (top 3 thế giới), trong khi bảng xếp hạng của THES lại cho rằng Học viện Công nghệ California đứng đầu thế giới và ĐH Oxford đứng đầu nước Anh (top 2 thế giới).

Vào tháng 10-2017, bảng xếp hạng QS World University Rankings xếp ĐH Quốc gia TP.HCM ở thứ 142 và ĐH Quốc gia Hà Nội thứ 139 trong Top 400 trường ĐH châu Á.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  261,864       1/259