Giáo dục

Học trò chế hệ thống định vị phà, ứng dụng xem nhà từ xa

TTO - Hệ thống giao tiếp giữa con người và thiết bị điện, định vị tàu qua xã đảo Thạnh An... thật sự hữu ích nếu được áp dụng vào đời sống.

Học trò chế hệ thống định vị phà, ứng dụng xem nhà từ xa - Ảnh 1.

Võ Ngọc Khang trình diễn hệ thống máy tính đã được dạy về khung xương người - Ảnh: K.N.

Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ đã có những sáng tạo thú vị.

Lớp 11 mày mò trí tuệ nhân tạo

Lấy cảm hứng từ bộ phim Iron man với căn phòng thông minh dựa trên trí tuệ nhân tạo, Võ Ngọc Khang, học sinh lớp 11 chuyên toán - tin Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên, An Giang), đã thiết kế hệ thống giao tiếp giữa con người và thiết bị điện qua động tác chỉ tay.

HoverRoom là sản phẩm thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) do Khang thực hiện. Sản phẩm đã đoạt giải nhì tại cuộc thi Young Makers Challenge 2017. 

Để bật, tắt đèn, tivi, người dùng chỉ vào vật trong ba giây; để chuyển kênh truyền hình, người dùng chỉ ngón tay lên hoặc xuống. Đó là những bài học cơ bản do hệ thống máy tính tiếp nhận và tìm hiểu về khung xương, cử động tay người...

Sử dụng nền tảng OpenCV3, Caffe Deep learning và MSCOCO Model, Khang tạo ra một máy chủ có khả năng nhận biết khung xương con người trên ảnh chụp, hiểu các hướng chỉ tay. Trong đó, OpenCV3 là một mã nguồn mở đọc hình ảnh từ camera, truyền ảnh sang Caffe cũng như hiển thị khung xương người lên màn hình. 

Còn Caffe Deep learning là một phần mềm xây dựng mạng neuron nhân tạo - cơ sở cho AI. MSCOCO là mã nguồn chứa dữ liệu dành cho AI có thể học được, ở đây Khang sử dụng phương pháp Keypoint model (đánh dấu) để máy tính học khung xương con người.

Tận dụng server của Amazon và GPU có sẵn trên laptop, Khang tạo môi trường cho máy tính học dữ liệu (cử động khung xương người dùng). 

Khang cho biết: "Em đang mày mò giúp hệ thống học và nhận diện cảm xúc để lựa chọn bài hát phù hợp tâm trạng người dùng. Toàn bộ kiến thức tạo ra HoverRoom là do em học từ thầy... Google!". 

Ban giám khảo cuộc thi nói vui rằng nếu sản phẩm đạt mức hoàn thiện, Khang có thể sẽ trở thành "Iron man" đầu tiên của Việt Nam.

Định vị tàu qua xã đảo Thạnh An

Hiện tại phải mất 45 phút để đi tàu đò từ Cần Thạnh sang xã đảo Thạnh An. Vì nhiều nguyên nhân, các chuyến tàu thường xuyên xuất phát trễ giờ, người dân phải chờ đợi rất mất thời gian. 

Câu chuyện đó được bí thư Đoàn biên phòng TP.HCM kể lại cho đại diện Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), từ đó các bạn này nảy sinh đề tài nghiên cứu mang tính phục vụ cộng đồng, dự kiến thử nghiệm vào tháng 3-2018.

TS Trịnh Lê Huy (giảng viên khoa kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin) đã thực hiện hệ thống định vị thời gian thật trên tàu phà sử dụng tại huyện đảo Cần Giờ. Hệ thống định vị tàu, bến và người dùng cho biết chính xác tàu đang ở đâu, cách bờ bao xa, khi nào đến bờ, người dùng có kịp đến bến đón chuyến tàu tiếp theo hay không... 

Hệ thống này bao gồm nhiều module phát/nhận tín hiệu gắn trên tàu, ở bốn bến và phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động…

Anh Lê Đức Thịnh, bí thư Đoàn trường, cho biết: "Nhóm nghiên cứu đã chạy thử hệ thống trên xe gắn máy trong nội ô, chuẩn bị sau tết sẽ liên hệ địa phương, chủ tàu để chạy thử trên tàu ở Cần Giờ. Ngoài ra, chúng tôi đang hoàn chỉnh đề án gửi doanh nghiệp để họ tài trợ dự án xã hội này, chi phí 50-60 triệu đồng".

Thiết bị điện giao tiếp với người dùng

anh_thietbidien_6

Thiết bị điện giao tiếp với người dùng bằng ngôn ngữ - Ảnh: Đ.A.

Tổng hợp nhiều cách tương tác giữa người dùng và căn nhà, tác giả Nguyễn Anh Đồng, sinh viên khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã thực hiện đề tài ứng dụng IoT trong nhà.

Theo đó, nhóm của Đồng đã tạo hệ thống với chuẩn bảo mật SFL giúp thiết bị điện trong nhà "hiểu ý" con người thông qua nhiều ngôn ngữ như tiếng vỗ tay, trạng thái Facebook, gương mặt, giọng nói... Nhóm cũng ứng dụng phần mềm thực tế ảo giúp người mua nhà có thể xem trước căn hộ, căn nhà từ xa, cứ như đang đi lại, tương tác với căn nhà ảo bằng giọng nói, vỗ tay.

"Nhiều đơn vị đang nghiên cứu và phát triển mảng này nhưng chưa thật sự bật lên, một phần vì chi phí đắt, một phần vì giới nghiên cứu chê dễ quá, không làm nên họ làm những công trình to lớn hơn. Nhưng tôi cho rằng để làm đến cùng, sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất thì không có gì dễ cả" - tác giả Nguyễn Anh Đồng nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,049       3/869