Giáo dục

Giá trị của giáo sư ở đâu, đo như thế nào?

TTO - Năm 2017, Việt Nam có thêm hơn 1.200 GS và PGS đạt chuẩn, đó là tin vui, nhưng nhiều người cũng muốn biết giá trị của GS nằm ở đâu và đo lường giá trị ấy như thế nào?

Giá trị của giáo sư ở đâu, đo như thế nào? - Ảnh 1.

Sự gia tăng đột biến số lượng GS, PGS đã được Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước giải thích do thời gian làm thủ tục được kéo dài ra so với lần trước và chất lượng tốt hơn qua các công trình công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới.

Vui nhưng nhiều người cũng muốn biết giá trị của GS nằm ở đâu và đo lường giá trị ấy như thế nào?

Đất nước hội nhập sâu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến rất gần nhưng dường như giới GS và PGS nước nhà còn quá ít các phát minh sáng chế, đi tắt đón đầu công nghệ, giúp cho tăng trưởng kinh tế ổn định, xã hội phát triển bền vững. 

Nhiều vấn đề như nghèo đói, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn tràn lan, nạn tham nhũng chạy chức quyền chưa có dấu hiệu suy giảm, năng suất lao động thấp, nhiều dự án hàng ngàn tỉ hoặc đắp chiếu hoặc phá sản..., dường như chưa thấy có bóng dáng các công trình nghiên cứu của các GS, PGS để giúp ngăn chặn hiệu quả những vấn nạn nói trên.

Thế giới hội nhập đòi hỏi sự giao lưu học thuật giữa nước ta và thế giới cần được tăng cường, nhưng các dự án hợp tác tầm cỡ trên nhiều lĩnh vực mà người Việt Nam chủ trì vẫn còn thưa thớt. 

Phải chăng vì GS của ta chưa tự tin hay do hạn chế năng lực và khả năng giao tiếp tiếng Anh còn rất hạn chế, khiến GS Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - phải lưu ý các ứng viên tương lai cần chú trọng đầu tư vào ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Điều đó phần nào cho thấy ngay cả một số GS, PGS được công nhận cũng có thể được "vớt" ngoại ngữ.

Giá trị của GS hay các PGS rất cần thể hiện ở việc đào tạo ra những thế hệ các nhà nghiên cứu tài năng. Trong thực tế, nhiều GS và PGS của ta thiếu hẳn năng lực dẫn dắt, chỉ đường, hỗ trợ, làm giàu năng lực nghiên cứu cho nghiên cứu sinh trẻ đến với chân trời khoa học chân chính. 

Có lẽ vì hạn chế như thế mà cái đề án nối tiếp đề án 911 vẫn phải tính đến việc gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài học tập và nghiên cứu lên đến 9.000 người.

Giá trị của GS còn phải thể hiện ở việc có ký được nhiều hợp đồng, dự án với doanh nghiệp và mang tiền về cho trường đại học hoặc viện nghiên cứu, làm tăng tiềm lực nghiên cứu khoa học của cơ sở đào tạo hay nghiên cứu. Những dự án hoặc hợp đồng cạnh tranh với nước ngoài mà thắng thì giá trị GS ắt hẳn sẽ được ghi nhận. 

Thật khó gọi là GS khi anh không còn là thầy cô giảng dạy đại học. Giá trị chân chính của GS là ở đào tạo, nghiên cứu và phát minh... chứ không phải là quan chức của một cơ quan hành chính nào đó.

Vì thế, tiêu chuẩn để được công nhận GS hay PGS nên chăng cần bổ sung một thước đo giá trị, đó là phải có đóng góp xứng đáng cho đất nước nói riêng và cho loài người nói chung, đừng để dư luận có cơ hội so sánh phát minh của người nông dân với công trình của các GS đáng kính.

Nông dân sáng chế đưa sản phẩm đi hơn 10 quốc gia Nông dân sáng chế đưa sản phẩm đi hơn 10 quốc gia ​Hàng nghìn nhà khoa học sáng chế không bằng nông dân ​Hàng nghìn nhà khoa học sáng chế không bằng nông dân Sáng chế bạc tỉ của anh Hai Lúa Sáng chế bạc tỉ của anh Hai Lúa
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  186,487       5/1,121