Giáo dục

Trở thành chuyên gia nhờ... học lóm

TTO - Chọn học nghề như giải pháp tình thế, nhưng nghề pha chế đã đưa Phạm Đình Song (28 tuổi, Hóc Môn, TP.HCM) nếm trải nhiều thú vị và gắn bó tới nay.

Trở thành chuyên gia nhờ... học lóm - Ảnh 1.

Phạm Đình Song (bìa phải) quan sát học viên thực hành tại trung tâm pha chế của mình - Ảnh: M.G.

18 tuổi, vừa tốt nghiệp phổ thông, không ai định hướng hoặc giúp Song trả lời các câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp sau này. Song hoang mang, phân vân giữa những ước muốn nghề nghiệp của bản thân và nguyện vọng của gia đình. 

"Rồi có người bạn đi học nghề quản trị nhà hàng - khách sạn ở Trường trung cấp nghề Khôi Việt, Song đi theo chứ thực sự không thích và cũng rất mơ hồ" - Song chia sẻ về lý do chọn nghề của mình.

Sớm thành công, nhanh trả giá

Một lần đi ngang phòng học pha chế, nhìn các anh chị bartender biểu diễn, tự dưng Song có cảm giác rất thích. "Chương trình học quản trị nhà hàng - khách sạn có nhiều nghiệp vụ khác nhau, chỉ có vài buổi thực hành pha chế. 

Lúc này tiền học chỉ đủ đóng học phí, không thể học thêm một khóa chuyên sâu về bartender. Tôi bèn nhờ bạn photo sách của khóa học pha chế, mày mò đọc, xem công thức pha chế rồi bắt chước theo. Tuy nhiên, nghề này phải thực hành nhiều trong khi mình chỉ học lóm, nên tất cả chỉ là lý thuyết" - Song chia sẻ. 

Để được thực hành, Song xin vào làm ở quán bar, cà phê để biết công việc cụ thể của một người pha chế như thế nào. Có chút nghề, khi đang học năm thứ 2, Song đánh liều xin vào làm pha chế ở khách sạn Caravelle. Qua 5 vòng phỏng vấn, Song trúng tuyển, lương 7 triệu đồng/tháng. 

"19 tuổi, nhận lương 7 triệu đồng ở thời điểm năm 2009 là con số rất lớn. Có tiền, tôi chuyển ra ngoài ở trọ cùng bạn. Tự lập giúp tôi trưởng thành hơn nhiều, biết lo toan và đối diện với các vấn đề của mình" - Song nói.

Hai năm làm việc ở đây, Song học được rất nhiều thứ từ nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng thích nghi, xử lý tình huống. Từ kinh nghiệm tích lũy được, Song dự thi các giải pha chế trong nước và quốc tế. Vài lần đầu thất bại, sau đó Song liên tiếp thành công ở giải vô địch Việt Nam, giải nhì châu Á, vô địch châu Á... 

Song chuyển qua một khách sạn 5 sao khác làm giám sát và quản lý đồ uống, rồi lên quản lý. Song đại diện khách sạn thi với hơn 300 người trong hệ thống của khách sạn này trên toàn thế giới về kỹ thuật quản lý, xử lý công việc. Song đoạt giải nhất.

Thế nhưng những bốc đồng, ngạo mạn của tuổi trẻ khiến Song trả giá. Mâu thuẫn với giám đốc khách sạn, Song nghỉ việc. "Cứ ỷ mình có tay nghề, kinh nghiệm sẽ có việc tốt hơn nhưng không phải vậy. Hai tháng trời thất nghiệp là điều kinh khủng nhất với tôi. Và tôi quyết định mình phải thay đổi" - Song nhớ lại.

Song làm đại sứ thương hiệu cho một nhãn rượu của Pháp. Từ việc chỉ pha chế, nêm nếm thức uống, giờ Song phải làm các công việc như marketing, tìm hiểu thị trường, làm giáo trình hướng dẫn, thuyết trình... Đó không chỉ là công việc mới, mà còn là bước ngoặt quan trọng đưa Song đến với nghề giảng dạy.

Pha chế cũng như âm nhạc

Dù chuyên tâm vào công việc mới nhưng nghề pha chế như có ma thuật, vẫn đeo bám Song không thôi. Có khiếu ăn nói, tay nghề pha chế tốt, Song được Trường Khôi Việt mời về dạy bán thời gian nghề pha chế. 

Tâm sự về ngã rẽ này, Song nói: "Tôi nhận lời nhưng rất áp lực. Lúc đó tôi có tiếng trong nghề nhưng còn quá trẻ, chưa từng đứng lớp, tôi rất sợ mọi người cho rằng mình không có khả năng - nhất là từ các thầy cô lớn tuổi hơn".

Thời gian này, nhiều trường cũng mời Song dạy. Đứng lớp được một năm, Song quyết định bỏ việc ở hãng rượu, đầu quân về một trường nghề làm giáo viên. 

Lúc đầu mọi thứ rất thuận lợi, nhưng làm việc được 2 năm Song nhận ra có nhiều bất cập trong các trường làm hạn chế tâm huyết, khả năng của giảng viên: "Lớp đông quá, tôi không thể kèm từng em được, chất lượng giảm rõ rệt. Vậy là tôi nghỉ".

Song mượn tiền mở trung tâm dạy pha chế. Với Song, pha chế cũng như thực hiện một sản phẩm âm nhạc. Bản nhạc hay nhưng người ca sĩ cũng phải giỏi chuyên môn lẫn kinh nghiệm biểu diễn để tạo ra một sản phẩm tinh tế, hoàn hảo. 

Song muốn các học viên tập trung cao độ khi pha chế. Vì thế ngoài trang thiết bị chuyên nghiệp, mỗi lớp Song nhận không quá 12 học viên để họ được thực hành nhiều hơn. Các loại sách và tài liệu Song mua từ nước ngoài, dịch và biên soạn lại theo kinh nghiệm của mình. Giáo viên đứng lớp chỉ mình Song bởi theo anh, không ai hiểu giáo trình của mình bằng mình.

Hoạt động hơn một năm, nhiều đối tác tìm đến Song đề nghị hợp tác, mở rộng hoạt động nhưng anh đã từ chối. 

"Tôi chấp nhận lời ít nhưng được làm mọi thứ theo ý mình, quản lý chất lượng như ý mình muốn. Nếu hợp tác, trung tâm sẽ lớn hơn, lợi nhuận nhiều hơn, nhưng rất có thể mình sẽ không kiểm soát được chất lượng. Hiện học viên của tôi học 1/2 thời gian đã có việc làm, đó là điều tôi hài lòng nhất" - Song chia sẻ.

Nghề pha chế vẫn bị xem thường

Song cho biết người Việt Nam quá nặng nề bằng cấp, phải vào ĐH, phải là bác sĩ, kỹ sư... và không coi trọng người làm nghề, trong đó có nghề pha chế, trong khi hiện nay nghề này có nhu cầu rất lớn, thu nhập tốt.

"Không ai giỏi hay dở hoàn toàn. Mỗi người đều có một thế mạnh nào đó. Quan trọng là mình có nhận ra thế mạnh của bản thân, hay ai đó giúp mình sớm nhận ra điều này để có thể theo đuổi và phát huy" - Song chia sẻ.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  186,474       3/1,121