Giáo dục

Nước ngoài: rất khó có được 'ghế' giáo sư

TTO - Ở các nước phát triển, không có việc phong giáo sư vô tội vạ mà phải căn cứ vào số ghế giảng dạy tại mỗi khoa, và tuyệt đối không có việc phong theo chu kỳ.

Nước ngoài: rất khó có được ghế giáo sư - Ảnh 1.

Giáo sư vừa là chức danh vừa là học hàm kèm trách nhiệm rất cao ở Mỹ - Ảnh: REUTERS

Từ câu chuyện "bội thực" phong giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) ở nước ta vừa qua, mời bạn đọc tìm hiểu thêm về việc phong chức danh nói trên ở các nước trên thế giới.

Mỹ: không còn giảng dạy, không được gọi giáo sư

Nước Mỹ từng trải qua nhiều cuộc tranh luận trước khi đi đến quyết định dù nghe rất phũ phàng nhưng hợp lý: không giảng dạy nữa thì không được gọi là GS, PGS.

Chính trường thế giới không quên gương mặt của Condoleezza Rice - nữ ngoại trưởng da màu đầu tiên của Mỹ. Được thuê bởi Đại học Stanford và được bổ nhiệm làm "assistant professor" năm 1981 (không hẳn là PGS nhưng cũng chưa đến mức như GS - NV), bà Rice trở thành GS năm 1993. 

Trong cùng năm đó, bà được đề bạt lên chức "provost" (hiểu nôm na là tổng hiệu trưởng) của Đại học Stanford, quản lý hàng trăm GS, PGS ở độ tuổi trẻ nhất trong lịch sử trường này.

Tuy nhiên, sau khi bà Rice dấn thân theo con đường chính trị và trở thành ngoại trưởng dưới thời tổng thống George W. Bush, chức danh GS hay "provost" không còn được đính kèm với tên bà như cách người ta hay gọi trước đó - GS Rice. 

Mãi cho đến khi bà rời chính trường và quay lại công việc giảng dạy ở Stanford, GS Rice mới thực sự trở lại.

Tại Mỹ, quy định tối thiểu là những người được đề cử hay tự đề cử chức danh GS, PGS phải có bằng TS trở lên. Việc xét duyệt qua ba bước, diễn ra tại trường mà ứng viên đang tham gia giảng dạy, trong đó quan trọng nhất là bước thứ 2 - bình duyệt. 

Hội đồng khoa học sẽ chọn ra những người bình duyệt, phần lớn là ngoài trường, để đánh giá hồ sơ của ứng viên. Không hiếm trường hợp người bình duyệt là các nhà khoa học tầm cỡ thế giới. Những trường càng danh tiếng thì những người bình duyệt càng là những người được giới khoa học biết đến rộng rãi.

Việc công nhận và bãi bỏ chức danh GS, PGS là sự kết hợp giữa cứng và mềm. Nếu GS, PGS không tiếp tục công việc giảng dạy hay định hướng nghiên cứu, thì hội đồng sẽ bỏ ngay chức danh của người này. 

Đức: phong GS căn cứ số ghế giảng dạy tại mỗi khoa

Ở Đức, bản chất của GS là đi dạy. Không giảng dạy, không là GS dù vẫn nghiên cứu khoa học. Đó là người giỏi nhất, đứng đầu một chuyên ngành ở cấp ĐH hoặc CĐ, do nhà trường bổ nhiệm, phong danh hiệu. 

Tại Đức có rất nhiều TS đủ tiêu chuẩn trở thành GS, nhưng họ không được phong GS vì số lượng đã đủ. Ở đây có hai vấn đề: tiêu chuẩn và điều kiện.

Tiêu chuẩn phong GS ở Đức do luật quy định cực kỳ khắt khe với hai loại bằng - TS và chứng chỉ giảng dạy. Trong đó, TS chuyên môn (PhD) và TS khoa học (doctor) phải khẳng định được khả năng nghiên cứu độc lập của mỗi người, bao gồm những công trình, bài báo đăng trên tạp chí khoa học. 

Ngoài ra, với TS đã qua 3-5 năm trợ giảng cho GS sẽ thi và lấy chứng chỉ do nhà trường cấp, xác nhận họ đủ khả năng giảng dạy ở bậc ĐH.

Về điều kiện được phong GS, không có việc phong GS vô tội vạ, phải căn cứ vào số ghế giảng dạy tại mỗi khoa. Ví dụ, một khoa có 10 chuyên ngành hẹp, đứng đầu mỗi chuyên ngành cần một GS, nếu khoa đã đủ 10 GS sẽ không có thêm bất kỳ GS nào nữa. 

Ngoài ra, tuyệt đối không có việc phong theo chu kỳ! Điều kiện quan trọng nhất trong việc phong GS là nhu cầu của nhà trường, quyền tự chủ về chuyên môn cho phép nhà trường bổ sung hoặc thay đổi ghế GS.

Nếu một GS về hưu, chuyển trường, bị bệnh ba tháng không giảng dạy hoặc qua đời, với ghế GS trống này, nhà trường sẽ thông báo trên phạm vi toàn quốc và quốc tế rằng: chúng tôi đang cần một GS! 

Mọi người đủ tiêu chuẩn (đã nêu) sẽ gửi đơn xin xét, nhà trường có ủy ban gạn lọc hồ sơ, sau đó thành lập ủy ban bổ nhiệm GS ở khoa đang cần; chọn ra 3-5 ứng viên, và mời họ đến trường để họ trực tiếp giới thiệu về bản thân. 

Người giỏi nhất, phù hợp nhất sẽ được phong GS. Quá trình từ khi thông báo đến lúc bổ nhiệm GS thường mất một năm, và chỉ có ủy ban bổ nhiệm GS của khoa mới có quyền quyết định về sự chọn lựa ứng viên.

Chức danh GS được xã hội trọng vọng

Vì những khó khăn trong việc phong GS, nên GS ở Đức được gọi là già nhất thế giới! Mỗi chuyên ngành chỉ có một GS đứng đầu. Do đó, không hiếm những học giả trẻ hơn, giỏi hơn nhưng không thể trở thành GS, đành "chờ thời" - khi có ghế trống.

Không phải tự nhiên mà chức danh GS được xã hội Đức trọng vọng. Nhà nước cấp cho GS ngân sách hoạt động hằng năm, để GS ký hợp đồng, trả lương cho thư ký, trợ lý khoa học...

Về mặt uy tín và tôn trọng xã hội, có đôi khi GS còn hơn cả bộ trưởng. GS chỉ giảng dạy 6 tiết/tuần, thời gian còn lại dành cho nghiên cứu, tư vấn bên ngoài nhà trường. Nếu ngày nào đó GS bệnh, sẽ cử người ủy quyền (đủ tiêu chuẩn trở thành GS, nhưng chưa có suất bổ nhiệm) dạy thay. TS cũng là người trợ giảng, giúp GS theo dõi, hỗ trợ các nhóm sinh viên, chấm bài...

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  186,253       3/1,108