Giáo dục

Người trẻ thiếu kỹ năng số, vì đâu?

TTO - Giới trẻ bây giờ sinh ra trong thời số hóa, nên giải mã mọi vấn đề cũng bằng thuật toán. Nhiều em ở nhà cứ cắm đầu vào máy tính, chẳng nói chuyện với ai.

Người trẻ thiếu kỹ năng số, vì đâu? - Ảnh 1.

Một gia đình trẻ đi chơi với nhau nhưng mỗi người chỉ quan tâm chiếc điện thoại của mình - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chị nói: "Suốt ngày nó tự nhốt mình trong phòng, sống ảo. Tết cũng không mấy khi xuống phòng khách trò chuyện với gia đình. Riết rồi chẳng biết đời này là đời ảo hay đời thật".

Câu chuyện của nhà chị cũng là câu chuyện của bao nhà.

3 tầng kỹ năng cần trang bị

Bọn trẻ bây giờ sinh ra trong thời số hóa, nên giải mã mọi vấn đề cũng bằng thuật toán. Như một bạn trẻ mà tôi gặp, cách bạn đặt câu hỏi, trình bày vấn đề, tôi nghe chăm chú lắm mà vẫn không thể nào hiểu nổi. Hỏi ra mới biết ở nhà em cắm đầu vào máy tính từ nhỏ, chẳng nói chuyện với ai. 

"Nói với máy tính dễ hơn cô ơi. Giải thích với con người rắc rối lắm. Mà ba má, thầy cô cũng đâu có hiểu. Nói chi cho mệt". Cứ vậy em lớn lên, đi học, ra đời, mà kỹ năng xã hội hoàn toàn là con số không to tướng.

Nhìn qua nhìn lại, lỗi này biết đổ cho ai? Em sinh ra đã là thời 4.0. Hồi mới chập chững tập đi, em đã được người lớn giao cho cái iPad đời mới và tự học kỹ năng mày mò lên YouTube có gì xem đó. 

Khi cuộc sống bắt đầu từ những xuất phát ảo, làm sao đưa em về với những kết nối tình cảm thật đang ngày càng hết sức mong manh? Trách làm sao khi các em cứ dửng dưng, vì thuật toán nào giải mã được thoáng buồn của ba, nỗi lo của mẹ, hay cái lắc đầu của gia đình khi chẳng nhìn thấy em chuyện trò ngày tết?

Số hóa, số hóa, ừ thì số hóa. Không sai, kỹ năng số là một phần không thể thiếu của thế kỷ này. Nhưng mấy ai hiểu rằng muốn số hóa hiệu quả cũng cần có kiến thức, có chương trình giáo dục và hướng dẫn. 

Trên thế giới, người ta gọi đó là DQ - Digital Intelligence - trí tuệ số. DQ đo khả năng trang bị và sử dụng các phương tiện truyền thông số của một công dân. Có 3 tầng kỹ năng số hóa mà bất kỳ ai cũng cần trang bị.

Người trẻ thiếu kỹ năng số, vì đâu? - Ảnh 2.

Là chính mình - dù online hay offline

Trong 3 tầng trí tuệ số trên đây, tầng số 3 là tầng hiện nay đang nóng nhất tại Việt Nam. Sự xuất hiện của các cuộc thi khởi nghiệp, hackathon (lập trình về trí tuệ nhân tạo - TS), chương trình mentor (cố vấn khởi nghiệp - TS) và đổi mới sáng tạo trong đoàn thể, trường học mấy năm qua vô cùng sôi nổi. 

Đối với tầng số 2 là tầng sáng tạo số cũng đã có một số hoạt động đưa các chương trình dạy viết code, chương trình khoa học robot (robotics), chương trình giáo dục STEM (Science, Technology, Engineering, Math - khoa học, công nghệ, cơ khí, toán học), sau này nâng cấp thành STEAM, thêm chữ Arts - nghệ thuật vào đó nữa.

Tuy nhiên, các hoạt động nói trên hiện mang tính rời rạc, thiếu đầu tư có hệ thống và nền tảng. Phần lớn các môn học quan trọng và cấp thiết để trang bị khả năng sáng tạo số cho thế hệ trẻ đều do các công ty tư nhân mua giáo trình, hoặc học theo nước ngoài mà tự soạn giáo trình để kinh doanh riêng lẻ.

Đứng từ phương diện quốc gia, Việt Nam nên có chiến lược rõ ràng trong việc đưa các chương trình này vào chính khóa trong trường học. Đứng từ phương diện cá nhân, phụ huynh và các bạn trẻ nên hiểu và tìm cách tự trang bị cho mình kỹ năng này tại các lớp học ngoài giờ, hay trên các lớp học online miễn phí như code.org.

Tuy nhiên, tầng kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất là công dân số, với DQ - kỹ năng sống quan trọng nhất trong thời đại số. Đó là khả năng xây dựng, quản trị nhân thân, là chính mình dù online hay có offline. 

Nếu có hai cuộc đời và hai nhân thân khác nhau, sự nhầm lẫn và hoang mang về chính bản thân, gây ra những biểu hiện hay hành động bất thường, phạm tội là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Đó là khả năng quản trị thời gian online, biết như thế nào là đủ để không lạm dụng mà mất đi khả năng giao tiếp đời thật và kỹ năng xã hội. Đó là khả năng bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân, là tư duy phản biện để biết cách thu thập, phân tích và sử dụng nguồn thông tin đáng tin trên mạng. 

Đó là kiến thức về dấu chân số mà ta để lại trên những hành trình online, để có trách nhiệm và biết cách quản trị dấu chân của chính mình. Cuối cùng, đó là trí tuệ cảm xúc để có thể thấu hiểu và thông cảm với những cảm xúc phơi trần trên mạng. 

Trí tuệ cảm xúc số cũng giúp các bạn trẻ chống lại được một tội ác vô cùng ghê gớm là cyber bullying - bắt nạt online, gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng cho những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm về tương tác số.

Bắt đầu từ những công dân

Chúng ta nói nhiều về 4.0, nói nhiều về một thế giới mới với thành phố thông minh và chính phủ điện tử. Nhưng để có được một thành phố thông minh như thế, phải chăng chúng ta cần bắt đầu từ những công dân?

Khi họ đã trở thành công dân số, biết bảo vệ chính mình, bảo vệ người khác, biết cách sử dụng công cụ số một cách hiệu quả và trách nhiệm, mùa xuân rồi sẽ vắng đi những tiếng thở dài.

Cuộc sống lúc đó là hành trình mượt mà đan xen giữa ảo và thật, giữa on và off, giữa thuật toán và tương tác của những con người bằng xương bằng thịt. Cuộc sống đó cần những công dân được trang bị DQ, và cần những người dẫn đường có DQ để định hướng cho thế hệ vốn sinh ra đã là công dân số.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,873       1/1,292