TTO - Để giữ học sinh thuộc dạng đặc biệt không bỏ học, một tổ tư vấn tâm lý học đường đã được thành lập ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 Đà Nẵng.
Một tiết học của cô trò Trung tâm GDTX số 1 Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Và trong năm học này, chưa có học sinh nào ở đây nghỉ học.
Chúng tôi gặp T.T.T., 26 tuổi, tân sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM, khi T. về Đà Nẵng nghỉ tết. T. bị cha mẹ bỏ rơi từ khi mới sinh ra. Từ ĐBSCL em ra Đà Nẵng, vào học tại trung tâm khi đã 22-23 tuổi.
"Thời gian đầu, em vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải cuộc sống" - T. chia sẻ. Thấy T. nghỉ học liên tục, các giáo viên của trung tâm gặp T. để tìm hiểu.
"Sau khi biết hoàn cảnh của em, thầy Trương Xuân Vịnh - giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 - đã viết đơn, gửi đến các tổ chức, cơ quan để kêu gọi sự trợ giúp cho em" - T. kể.
"Thầy cô tìm mọi cách giúp đỡ, rồi miễn tiền học thêm các môn cho em. Khi em đậu ĐH, cũng chính các thầy cô đã viết thư gửi báo Tuổi Trẻ để em nhận được suất học bổng 7 triệu đồng" - T. chia sẻ thêm.
Thầy Trương Xuân Vịnh kể về trường hợp hai anh em học sinh dân tộc thiểu số Đ.Đ. và Đ.D. ở Gia Lai. Khi trung tâm gửi giấy mời họp phụ huynh đầu năm, cha của 2 học sinh đón xe đò từ Gia Lai xuống Đà Nẵng dự họp.
"Họp xong, thấy phụ huynh khó khăn, không đủ tiền đi xe đò, vậy là thầy cô góp mỗi người một ít để mua vé xe, hỗ trợ thêm chi phí cho anh ấy về Gia Lai" - thầy Vịnh cho biết.
Còn học sinh D.H., lớp 12, mồ côi cha từ nhỏ, mẹ phải đi rửa chén thuê nuôi gia đình. "Biết hoàn cảnh của H., giáo viên chủ nhiệm đã đến động viên và kịp thời kết nối với Đoàn thanh niên hỗ trợ cho em. Thậm chí giáo viên còn bỏ tiền túi ra để đóng tiền học cho H." - thầy Lương Đình Y, phó giám đốc trung tâm, nói.
Từ năm 2017, trung tâm đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường do một phó giám đốc, bí thư Đoàn, trưởng phòng văn hóa phụ trách cùng với giáo viên chủ nhiệm để kịp thời tư vấn, hỗ trợ học sinh trong mọi trường hợp.
Vào đầu năm học trung tâm đã triển khai đến mọi giáo viên trong việc nắm bắt những học sinh có nguy cơ bỏ học, để kịp thời có hướng xử lý.
Khi học sinh có nguy cơ bỏ học, các giáo viên rà soát, lập danh sách, giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm quan tâm, giúp đỡ để các em theo kịp chương trình, có giải pháp giáo dục đặc biệt.
Đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tìm hiểu hoàn cảnh, hằng tuần báo về ban giám đốc để có giải pháp hỗ trợ thiết thực, ngăn chặn không để học sinh bỏ học vì kinh tế gia đình.
Sau đó ban giám đốc tổng hợp danh sách báo cáo ngay với chính quyền địa phương, vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, xét miễn giảm các khoản đóng góp cho các em thuộc đối tượng này...
Theo thầy Vịnh, học sinh của trung tâm rất đặc biệt, hạn chế về học lực, hạnh kiểm và hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh ít quan tâm, xa gia đình... Vì thế giáo viên thường dỗ trước, dạy sau. Trước mỗi năm học, các cán bộ của trung tâm phải lặn lội về 11 phường trên địa bàn, lấy danh sách học sinh không đỗ trường công lập, không đỗ tư thục để đưa về trung tâm.