Giáo dục

Học kiếm đạo, học sự điềm tĩnh

TTO - Học viên cho biết nhờ học kiếm đạo, họ khỏe khoắn dẻo dai và rèn được sự kiên trì, bỏ tính bốc đồng.

Học kiếm đạo, học sự điềm tĩnh - Ảnh 1.

Môn kiếm đạo với bộ giáp "rất ngầu" thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: Q.ĐỊNH

Kendo là môn kiếm đạo (ken là kiếm, do là đạo, hay còn gọi là đạo dùng kiếm) hiện đại của Nhật Bản, đang thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam. Môn này được phát triển từ các kỹ thuật truyền thống của kiếm sĩ Nhật để trui rèn nhân cách con người thông qua đường kiếm.

Anh Hồ Minh Ngọc (31 tuổi, Q.Bình Tân) đến với kendo đã tám năm. "Biết tới kendo lúc mình đang học đại học và làm đề tài về vũ khí truyền thống Nhật Bản, tìm hiểu rồi luyện tập thường xuyên luôn" - anh Ngọc cho biết.

Còn bạn Bùi Minh Toàn (26 tuổi, Q.Tân Phú) đến với môn này đã bảy năm. Toàn nói: "Đa số học viên trong lớp là bạn trẻ. Mình tập từ khi còn là sinh viên, lớp bắt đầu lúc 5h30, tập xong mình đi học luôn, sân ở Phú Thọ gần Trường Bách khoa mình học nên rất tiện. Học phí cũng rất sinh viên".

Điểm nổi bật của bộ môn này là tiếng hét, bộ giáp trông "rất ngầu" bao gồm mũ trùm kín, giáp bảo vệ cơ thể, găng tay và thanh kiếm được làm từ tre. 

Bộ võ phục truyền thống (hakama) này thông thường được đặt từ Nhật về có giá vài triệu đồng. Thanh kiếm tre (shinai) làm từ bốn thanh tre ghép lại, được giữ chặt bằng miếng da phía đầu và tay cầm, có giá 400.000 đồng đến vài triệu đồng.

Ngày nay có shinai được làm từ vật liệu cacbon, giá không dưới 4 triệu đồng, ưu thế hơn vật liệu tre dễ tét gây ra dằm bay vào mắt, rớt xuống sàn hay xước vào tay. Shinai cacbon thì an toàn, bền nhưng chỉ dùng trong luyện tập, còn khi thi đấu phải dùng shinai tre. Âm thanh của tre toát ra thanh âm trong trẻo, cao vút và tạo khí thế hơn vật liệu nhựa.

Anh Nguyễn Sỹ Hiệp, người sáng lập võ đường Nitoukan Phú Thọ và cũng là chủ nhiệm ba câu lạc bộ kendo khác ở TP.HCM, chia sẻ anh đã mời các thầy bên Nhật về dạy, trong đó có thầy Kanisaki Keisuke (80 tuổi). Thầy gắn với võ đường Phú Thọ rất nhiều năm và vừa quay về Nhật. Cũng có các thầy từ Hàn Quốc, các nước châu Âu về giao lưu.

Anh Hiệp cho biết không chỉ mời các thầy nước ngoài dạy, sân còn tổ chức cho các bạn qua Nhật thi đấu, một phần là giao lưu, lên đẳng nhưng quan trọng là các bạn thấy được "cái nôi" của môn kiếm đạo này, từ đó học cho mình được nhiều thứ.

Như anh Minh Ngọc, trong tám năm theo môn này, luyện tập mỗi ngày như nhau nhưng anh chưa bao giờ thấy chán và đã hai lần sang Nhật thi lên đẳng. 

Theo anh Ngọc, bộ môn này rất có ích cho các bạn trẻ, không chỉ cho mình sức khỏe qua các bài tập rèn luyện thể lực, mà đó chính là bài học giá trị sống từ các thầy, các anh chị đi trước. Qua các bài tập, rèn được sự kiên trì, bỏ tính bốc đồng".

Với anh Nguyễn Sỹ Hiệp, bộ môn này không chỉ nâng cao thể chất và tinh thần cho người tập, mà tính "thiền" của bộ môn này rất cao, giúp người tập, đặc biệt là người trẻ rèn sự điềm tĩnh, chín chắn, ôn hòa. 

"Có người đến với kendo như cần một sự chữa lành, coi võ đường là nơi trở về sau một biến cố, để được tĩnh lại. Nhiều bạn sau thời gian vắng bóng, đến lúc căng thẳng quá, đau đầu uống thuốc cũng không khỏi lại về đây tập một vài tuần, hết đau đầu lại tiếp tục "chinh chiến" với công việc" - anh Hiệp nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  184,839       12/1,233