TTO - Theo một khảo sát tại Pháp tháng 10-2017, nước này có 5% sinh viên có con khi còn đang mài đũng quần ở giảng đường. Hoàn cảnh không mong muốn này đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn rất nhiều.
Jérémy và Laure là sinh viên ĐH Lille, con trai họ lên 2 tuổi vào tháng 1 năm nay - Ảnh: Le Monde
Và để hỗ trợ phần nào những khó khăn cho những "bà mẹ - sinh viên", trường đại học TP Lille, miền bắc nước Pháp, đã lập ra một nhà trẻ trong khuôn viên trường.
Bé Noah ra đời khi cha mẹ nó sắp thi tú tài, nhưng cô nữ sinh 19 tuổi Laure - mẹ bé - thì khẳng định: "Tôi và anh ấy muốn có con, tôi thích được làm một bà mẹ trẻ, nhưng ba mẹ tôi không hiểu chúng tôi lắm".
Mỗi người mỗi cảnh
Khi có con rồi, khó khăn đầu tiên của họ là chọn trường nào để học tiếp. Cha đứa bé là Jérémy, 20 tuổi, người TP Lille và Laure là người thủ đô Paris có đắn đo không ít: "Sống ở Paris thì không thể được vì giá sinh hoạt quá đắt đỏ. Lyon thì quá xa nên cuối cùng chúng tôi chọn Lille". Họ thuê chỗ ở cách trường đại học 30 phút đi tàu điện ngầm.
Hiện đã là sinh viên năm 2, Laure học ngành tâm lý còn Jérémy học luật, hai vợ chồng thay phiên nhau chăm sóc và đưa đón con ở nhà trẻ tùy giờ giấc lên lớp của mỗi người. Còn đến thời gian ôn thi, họ sẽ về ở tạm nhà ba mẹ hoặc ông bà sẽ qua giữ cháu.
Khoa Khoa học xã hội của trường ĐH Lille có mở một nhà trẻ dành cho thầy cô, nhân viên trong trường và cả các sinh viên đang nuôi con nhỏ với thời gian làm việc rất uyển chuyển.
Cô Laurence Gin phụ trách nhà trẻ mang tên "Chuột túi dễ thương" này cho biết: "Phụ huynh là sinh viên đang học sẽ báo cho chúng tôi biết trước giờ giấc của họ cho cả một tháng tròn, nhưng nếu có thay đổi vào phút chót thì chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để giữ con cho họ bận ôn tập hay đi thi. Phụ huynh gửi con vào đây rất đa dạng, từ những bà mẹ đơn thân, những vợ chồng đang là sinh viên, những người lớn tuổi theo học và cả những người nước ngoài đang học tiếng Pháp tại trường".
Noah, con trai của cặp đôi sinh viên Laure và Jérémy mỗi ngày phải đi nhà trẻ “Chuột túi dễ thương” do ĐH Lille mở ngay tại trường - Ảnh: Le Monde
Tại Pháp, mỗi năm có đến gần 110.000 nam nữ sinh viên rơi vào hoàn cảnh vừa đi học vừa nuôi con như thế.
Chi phí tùy theo thu nhập
Giá cả được tính theo thu nhập cho từng trường hợp cụ thể, như đôi bạn trẻ Laure và Jérémy thì trả trung bình 50 euro/ tháng cho 122 giờ gửi trẻ.
Lúc đầu, anh Jérémy có ý định nhận thêm công việc phục vụ quán ăn trong giờ nghỉ trưa để thêm thu nhập nhưng rồi thôi vì thời gian quá eo hẹp và hơn nữa, mức hỗ trợ xã hội có thay đổi nên thu nhập của hai người cũng đủ trang trải cuộc sống: 370 euro/ tháng từ hỗ trợ nhà ở, 600 euro tiền hỗ trợ xã hội (RSA) và khoảng 150 euro trợ cấp ba năm đầu cho bé.
Một trường hợp khác là bà mẹ đơn thân Christine và con trai 8 tháng, bé Slowan. Khi vừa 19 tuổi và đang học luật tại Bordeaux, cô mang thai.
"Tôi phải miễn cưỡng bỏ học giữa chừng sau khi sinh Slowan…", rồi cô cố gắng tìm một trường đại học nào có tổ chức giữ con cho sinh viên. Cuối cùng cô đã đến Lille để có thể học tiếp.
Giai đoạn đầu rất gian nan vì con cô không chịu bú bình, song "nhờ nhà trẻ này nằm ngay trong khuôn viên trường nên giữa những giờ lên lớp tôi vẫn có thể tranh thủ ghé qua cho con bú". Hiện đang học năm nhất khoa ngôn ngữ Tây Ban Nha, Christine hài lòng vì mọi chuyện đã ổn, nhưng "về nhà là thằng bé "đeo" tôi suốt, vì ở nhà chỉ có hai mẹ con thôi".
Theo chuyên gia Arnaud Régnier-Loilier - giám đốc nghiên cứu Viện Dân số Quốc gia Pháp, nữ sinh mang thai thường là do ngoài ý muốn và đa số họ phá thai. Mặt khác, chúng ta có thể thấy rằng thời gian sinh viên là lúc đa số các bạn trẻ lao vào tìm hiểu những trải nghiệm về tình yêu và tình dục, nhưng nhiều người không biết tự bảo vệ mình. Trong lần quan hệ đầu tiên, 19% không sử dụng bao cao su và 7% nói rằng họ không nghĩ đến chuyện "dính bầu".
Do đó, chuyên gia Arnaud Régnier-Loilier đưa ra khuyến cáo rằng các tổ chức xã hội cần chú trọng hơn nữa việc tuyên truyền phòng tránh thai cho đối tượng sinh viên học sinh vì "những chương trình lớn mang tầm cỡ quốc gia về phòng tránh thai dường như không quan tâm đúng mức đến đối tượng còn đang đi học này".