TTO - Được thầy cô chào, một nữ sinh 11 tuổi đáp lại bằng cách chửi thề suốt 1 năm. Em khác thì quắc mắt nhìn, em lại càu nhàu, bỏ đi. Làm gì với các em này?
Ông Dave Whitaker và nhân viên học viện Springwell chào đón học sinh tới lớp - Ảnh: Guardian
Một buổi sáng rất lạnh ở thành phố Yorkshire, nhưng bên ngoài một ngôi trường ở Barnsley, các nhân viên vẫn đang tích cực tham gia vào phần quan trọng nhất trong ngày.
"Em ổn chứ, Kyle?", Dave Whitaker, hiệu trưởng điều hành học viện Springwell, hỏi một học sinh.
"Chào em, Kenzie. Tối qua thầy đã đọc vài bài viết rất hay của em", ông nói với một học sinh khác.
Lần lượt từng em một được các thầy cô bắt đầu ngày mới bằng một nụ cười nồng ấm và lời chào dành riêng cho mỗi em.
Tuy nhiên, sự nhiệt tình của thầy cô hiếm khi được đón nhận. Một vài học sinh quắc mắt nhìn, một số khác càu nhàu lại, và đa phần là nhún vai bỏ đi. Một nữ sinh 11 tuổi còn đáp lại bằng cách chửi thề suốt 1 năm.
Ở nhiều ngôi trường, phản ứng đó có lẽ đã bị "xử đẹp" ngay lập tức bằng các hình thức như cách ly, cấm túc hoặc thậm chí là đuổi học, nhưng ở Springwell thì không.
"Cô bé đang sống trong một gia đình đầy bạo lực, lạm dụng ma túy và chửi thề. Đó là điều ‘bình thường’ với cô bé và chẳng ai tử tế với cô cả. Vì thế khi đến với chúng tôi và được đối xử tử tế, cô bé chưa thích nghi được", thầy Whitaker giải thích.
Thay vì phạt, các giáo viên ở đây dành cho cô bé nhiều sự quan tâm tích cực hơn để hiểu được cảm giác bất an mà cô bé đang mang theo từ nhà đến. Trong vòng 1 năm, cô bé đã ngừng đáp trả lại vào mỗi buổi sáng và hòa hợp với các nhân viên trong trường.
Và đó là lý do vì sao việc đón chào học sinh mỗi ngày là rất cần thiết: nó cho phép các giáo viên phát hiện học sinh nào đang đến trường với một tâm trạng không ổn.
Học sinh học viện Springwell - Ảnh: Guardian
Springwell là một ngôi trường đặc biệt với gần 100 học sinh, tuổi từ 5 đến 16, đang gặp các vấn đề về xã hội, tinh thần và cảm xúc. Nhiều em bị chẩn đoán là có vấn đề về quản lý sự tức giận, nhiều em khác đến từ các gia đình bị đổ vỡ hoặc không đầm ấm.
Nhiều học sinh bị lạm dụng, bỏ rơi hoặc nghèo đói trước khi được đến học ở đây. Tất cả đều được xem là không thích hợp với giáo dục "chính thống".
Tuy nhiên, các giáo viên ở đây cam kết sẽ tiếp cận mỗi học sinh bằng những gì mà họ gọi là quan tâm tích cực vô điều kiện - hay như lời của thầy Whitaker là họ "tác động lên các em bằng sự tử tế".
Quan điểm này khá tương phản với cách tiếp cận "không được viện cớ" được sử dụng ở nhiều ngôi trường ở Anh, nơi đang áp dụng những quy tắc cực kỳ nghiêm khắc, không bao giờ quan tâm đến câu chuyện cá nhân của đứa trẻ ấy.
Tại Springwell, thầy Whitaker cho biết điều đó nghĩa là họ sẽ thưởng cho các học sinh khi chúng làm được những điều nhỏ nhặt nhất, như tử tế với bạn bè, và không trừng phạt hành vi xấu.
"Tôi có thể bị một đứa trẻ phun nước miếng vào người hôm nay, nhưng ngày mai tôi sẽ ổn với chúng", ông nói.
Thế nếu một học sinh nhảy lên bàn và chửi thề vào thầy cô? "Giáo viên sẽ thật sự tử tế với chúng, và nói năng nhẹ nhàng. Điều đó sẽ được đội ngũ chăm sóc giải quyết và đứa trẻ đó sẽ được chăm sóc, mang ra khỏi phòng học để bình tĩnh lại và sau đó được chào đón trở lại lớp học".
Các trường chính thống cũng đang gặt hái thành công bằng phương pháp này. Tại học viện Passmores, hiệu trưởng Vic Goddard cho biết trường mình hiện có một cam kết rằng sẽ không học sinh nào bị bỏ lại phía sau.
Goddard nói rằng các trường đang ngày càng có nguy cơ bỏ rơi "trẻ hư" khi dành mọi sự tập trung cho những đứa trẻ khác.
Crista Hazell, giáo viên tại một trường chính thống ở vùng tây nam nước Anh, thấy rằng phương pháp này cũng có tác dụng với một lớp tiếng Pháp "khá thử thách" của bà khi bà chỉ đơn giản ngưng quở trách học sinh vì "tội" không mang theo bút mực, bút chì hay sách.
"Giờ đây tôi không còn đối đầu với chúng nữa. Trẻ không thể học được gì từ các thầy cô mà chúng không thích, phải không nào? Chúng ta có thể là người đầu tiên nói điều gì đó tích cực trong ngày hôm đó, hay thậm chí là tuần đó, tùy theo hoàn cảnh gia đình của chúng là gì".
Goddard cho rằng mỗi ngôi trường được quyền có cách tiếp cận riêng với hành vi của học sinh. Tuy nhiên, ông sợ rằng các trường quá kỷ luật "đang vứt bỏ một số học sinh" bằng cách từ chối giải quyết các nhu cầu của chúng.
"Không có sự chịu đựng nghĩa là không có chỗ cho học sinh phạm sai lầm và nếu phạm sai lầm thì chúng sẽ bị loại bỏ. Khả năng bị tổn hại về mặt dài hạn cho học sinh đó là khổng lồ", ông nói.