Giáo dục

Trường học thông minh 'thông minh' ra sao?

TTO - Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có tờ trình gởi UBND TP xin thực hiện thí điểm hệ thống các trường học thông minh. Loại hình trường học này có gì nổi trội?

Trường học thông minh thông minh ra sao? - Ảnh 1.

Tiết học ngoại khóa theo định hướng STEM - một trong những nội dung của trường học thông minh, ở Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, quận 1, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết:

Dự án đầu tư hệ thống các trường học thông minh là một trong những bước chuẩn bị để cùng với TP thực hiện đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". 

Trường học thông minh sẽ hoạt động trên nền tảng ứng dụng CNTT và truyền thông trong việc quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động giáo dục, đồng thời xây dựng môi trường tương tác trên không gian mạng giữa nhà trường - gia đình - xã hội.

* Giáo viên, học sinh của "trường học thông minh" sẽ dạy - học như thế nào, thưa ông?

- Giáo viên của "trường học thông minh" sử dụng thành thạo bảng tương tác, thiết kế và thường xuyên áp dụng bài giảng e-learning trong dạy học; khai thác và đóng góp cho kho dữ liệu dạy học mở; ứng dụng phần mềm mô phỏng, phần mềm thực hành, thí nghiệm ảo trong dạy học; dạy học tích hợp; dạy học trực tuyến; tổ chức thi, kiểm tra trên máy tính hoặc thiết bị cầm tay cá nhân... 

Ngoài những kỳ kiểm tra theo đề chung, giáo viên có thể ra đề kiểm tra, giao bài tập về nhà cho từng học sinh theo năng lực các em.

Học sinh của "trường học thông minh" sẽ được phát máy tính bảng để phục vụ việc học tập, học trong môi trường trực tuyến, có sách giáo khoa điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn học. 

Các em sẽ có thời gian hình thành và rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm... để trở thành công dân toàn cầu.

* Ông có thể nói rõ việc dùng máy tính bảng trong "trường học thông minh". Phụ huynh có phải đóng góp để mua?

- Chỉ một số tiết học, chứ không phải tiết học nào cũng sử dụng máy tính bảng. Nếu đề án được phê duyệt thì kinh phí mua sắm trang thiết bị là của Nhà nước, phụ huynh không phải đóng góp. 

Riêng đối với học sinh tiểu học, việc sử dụng các thiết bị thông minh sẽ được nghiên cứu và thực hiện sao cho phù hợp với lứa tuổi các em.

* Nhiều người cho rằng học sinh học trong "trường học thông minh" sẽ không cần đến lớp?

- Trong một số trường hợp đặc biệt, học sinh có thể nghỉ một số ngày trong năm học, chứ không đến nỗi điểm danh gắt gao như bây giờ. Khi ấy, các em sẽ học trực tuyến, làm bài kiểm tra trực tuyến.

Sắp tới, sở sẽ có phần mềm cho học sinh đăng ký nghỉ học, chứ không phải làm đơn xin phép nghỉ học như bây giờ.

* Đến thời điểm này, ngành GD-ĐT TP đã chuẩn bị những gì cho việc thực hiện đề án?

- Chúng tôi đã làm việc với một số đối tác để xây dựng kho học liệu dạy học mở; trang web học tập trực tuyến; phần mềm xây dựng giáo án tương tác dựa trên chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT. 

Hiện sở đang xây dựng kế hoạch đào tạo - bồi dưỡng giáo viên, để họ có đầy đủ những kỹ năng và kiến thức cần thiết thực hiện "trường học thông minh". Bên cạnh đó, sở cũng xây dựng trung tâm điều hành của ngành GD-ĐT TP để việc quản lý - điều hành nhanh chóng, khoa học hơn, hiệu quả hơn.

Nếu đề án được TP phê duyệt, sẽ được thực hiện từ đầu năm học 2018-2019. Trong đề án, chúng tôi xin UBND TP cho thực hiện thí điểm "trường học thông minh" tại hai trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa cùng với một số trường tiểu học, THCS, THPT tại quận 1 và quận 12. 

Sở sẽ làm việc trực tiếp với hai địa phương để thống nhất chọn một số trường cụ thể. Trong mỗi trường sẽ thực hiện thí điểm một số lớp, chứ không phải 100% các lớp đều thực hiện.

Sở sẽ ưu tiên chọn những trường đang thực hiện mô hình trường tiên tiến - hiện đại để thí điểm. Bởi những trường này chỉ có 30 - 35 học sinh/lớp, trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, trình độ đội ngũ cũng rất tốt...

Hạng mục của "trường học thông minh"

Bao gồm: hạ tầng CNTT; phòng học tiên tiến, thông minh với đầy đủ trang thiết bị hiện đại như: máy tính nối mạng, bảng tương tác...; phòng tin học, ngoại ngữ, thi trắc nghiệm; thiết bị thực hành thí nghiệm; phòng thư viện thông minh; phòng học theo phương pháp STEM; phòng họp và môi trường đào tạo trực tuyến; hệ thống camera giám sát; hệ thống thông tin giáo dục của nhà trường; hệ thống thông tin quản lý giáo dục; hệ thống phần mềm đồng bộ phục vụ công tác vận hành, giảng dạy và học tập; hệ thống điểm danh thông minh.

(Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM)

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,596       13/1,393