Giáo dục

Trí tuệ Việt và hành trình ra thế giới

TTO - Trước đây Samsung sản xuất thử các sản phẩm mới ở Hàn Quốc. Từ năm 2013 đến nay họ thực hiện song song ở Bắc Ninh, Thái Nguyên.

Trí tuệ Việt và hành trình ra thế giới - Ảnh 1.

Ông DJ Koh (giữa) - chủ tịch và là người đứng đầu ngành hàng CNTT & truyền thông di động tại Công ty Điện tử Samsung, cùng đoàn nhân viên đến từ Việt Nam - Ảnh: Samsung cung cấp

Sáu nhân viên đang làm việc tại nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên đã có mặt tại Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự lễ ra mắt toàn cầu sản phẩm mới nhất của Samsung - điện thoại Galaxy S9.

Trước chuyến đi này, cả sáu bạn trẻ đều chưa từng đi nước ngoài, thậm chí có người còn chưa một lần được đi máy bay. 

Chuyến xuất ngoại đầy bất ngờ mà Công ty Samsung dành cho họ như một sự tri ân những đại diện xuất sắc nhất trong số nhiều công nhân đã gắn bó với công ty, từ những ngày đầu tiên nhà máy đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Gắn bó từ ngày đầu

Là một trong những công nhân lứa đầu tiên của nhà máy tại Bắc Ninh, Phạm Thị Hằng đã có 8 năm và 3 tháng làm việc tại đây - nơi cô gắn bó từ sau khi tốt nghiệp THPT.

18 tuổi, chưa có một kỹ năng nghề nghiệp nào trong tay, Hằng vào đây làm việc khi nhà máy mở ngay gần nhà. Trải qua một khóa huấn luyện ngắn, Hằng bước vào công việc thực thụ tại phân xưởng, bắt đầu từ những việc đơn giản dần dần đến những việc đòi hỏi sự lành nghề, chuyên môn cao hơn. 

"Lúc đầu, tôi không thể hình dung mình có thể làm được những sản phẩm công nghệ cao" - Hằng vẫn không thể nào quên cảm giác vừa kinh ngạc vừa xúc động, khi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc smartphone thuộc dòng sản phẩm mình tham gia lắp ráp được bày bán trong cửa hàng.

Cũng như Hằng, Nguyễn Thị Hậu đã có 9 năm làm việc ở Samsung và từng tham gia công đoạn sản xuất bo mạch trong nhiều dòng smartphone của hãng này. Hậu được chọn vào dây chuyền sản xuất bo mạch Galaxy S9 ở nhà máy Bắc Ninh. 

Trước đây việc sản xuất thử các sản phẩm mới của hãng được thực hiện ở Hàn Quốc, đến khi gia công số lượng lớn mới đưa sang các nhà máy tại Việt Nam. Nhưng từ năm 2013 đến nay, các dòng sản phẩm mới của hãng đã được sản xuất thử ngay tại các nhà máy ở Bắc Ninh, Thái Nguyên đồng thời với tại Hàn Quốc.

"Điều đó chứng tỏ trình độ tay nghề, chuyên môn cũng như các khâu đảm bảo kỹ thuật trong dây chuyền sản xuất và kiểm tra, đánh giá tại các nhà máy ở Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hãng trên toàn cầu" - đại diện của Samsung Việt Nam chia sẻ.

Trưởng thành

Nghiêm Đình Xuân Hùng cũng có gần 9 năm gắn bó với nhà máy Bắc Ninh, và là một trong những công nhân được lựa chọn vào dây chuyền sản xuất sản phẩm smartphone mới này. 

Hùng tự hào nhìn nhận: "Sự ra đời của sản phẩm smartphone mới và các dòng điện thoại cao cấp trước đó từ các nhà máy của Việt Nam đã nói lên tất cả về trí tuệ, kỹ năng, tay nghề của lao động Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao".

Còn Hoàng Trung Thành từ Phú Thọ đầu quân vào công ty năm 2008, bắt đầu làm việc tại bộ phận Main G và là một trong những người đầu tiên của công ty Việt Nam được đào tạo tại Ấn Độ. 

Đến nay, Thành đã là group leader bộ phận Main G, quản lý khoảng 7.000 công nhân tại nhà máy Thái Nguyên và được chọn trực tiếp điều hành sản xuất model S9, tham gia công đoạn lắp ráp kiểm tra và xuất xưởng những điện thoại đầu tiên của sản phẩm mới. 

Thành chia sẻ: "Ngày đầu tiên được chọn sản xuất model mới này thì cảm giác hồi hộp, run run và bây giờ là tràn ngập sự tự hào, khi sản phẩm mới này ra đời từ tay những người lao động Việt Nam".

Tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động

Tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn bộ các nhà máy Samsung tại Việt Nam năm 2017 đạt hơn 54 tỉ USD. Các sản phẩm công nghệ cao của Samsung gắn "Made in Vietnam" đã được xuất khẩu đến 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Tính đến thời điểm này, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 160.000 lao động.

Doanh nghiệp đào tạo chuyên môn cho người lao động

tri tue viet 2

Nữ công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam - Ảnh: Samsung cung cấp

Theo PGS Huỳnh Quyền (phó trưởng ban KHCN, ĐH Quốc gia TP.HCM), lao động Việt Nam, nhất là lực lượng lao động trẻ, là những người khéo léo, sáng tạo và chăm chỉ, hoàn toàn đủ khả năng tham gia các chuỗi sản xuất những sản phẩm công nghệ cao đạt chuẩn của thế giới.

Hiện nay, lao động trẻ Việt Nam khi rời ghế nhà trường, kể cả trường nghề thì chủ yếu vẫn chỉ có kiến thức lý thuyết, do nhà trường chưa có đủ điều kiện cập nhật các công nghệ hiện đại, liên tục được thay đổi tại các nhà máy sản xuất công nghệ cao. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo chuyên môn, tay nghề cho người lao động ngày càng quan trọng.

"Trong thời gian tới, khi thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cần khuyến khích những mô hình nhà đầu tư thực hiện đào tạo người lao động nâng cao trình độ, tay nghề, gia tăng hàm lượng công nghệ cao. Mặt khác, tôi cũng cho rằng không thể mãi dừng ở việc người lao động Việt Nam chỉ được đào tạo thao tác lành nghề, thực hiện lắp ráp...

Dần dần, các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao hơn, tham gia vào quá trình sáng tạo, chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao", ông nói.

Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  262,582       7/1,351